Tại toạ đàm “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp", ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết các doanh nghiệp vận tải là đối tượng chịu tác động trực tiếp và rất lớn từ thu phí BOT.
“Một chuyến xe từ bến xe Nước Ngầm 42 chỗ về Nam Định, một tháng mất 18 triệu đồng tiền phí BOT. Làm sao giá thành vận tải không tăng lên được?”, ông Liên nói.
Cũng theo ông Liên,phát biểu của một vị đại biểu Quốc hội mới đây khi cho rằng BOT không tác động đến người nghèo là không thỏa đáng. “BOT miễn phí cho người đi xe máy nhưng thực tế cao tốc cấm xe máy… Mà đi xe máy thì cũng chỉ đi gần thôi, đi xa người ta phải đi ô tô khách chứ”, ông Liên phân tích.
Theo ông Liên, tác động của BOT đến toàn xã hội, làm giá cả hàng hóa tăng lên. Câu nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo cũng tương tự bản chất như câu nói của lãnh đạo Bộ Tài chính khi cho rằng việc thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo, ông Liên nhận xét.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Quốc hội thì người dân và các doanh nghiệp vận tải, hai “cổ đông” lớn nhất nhưng lại bị chủ đầu tư và cơ quan nhà nước phớt lờ. Vì thế mới có chuyện phản đối gay gắt tại các trạm BOT như thời gian qua.
Ông Dũng cho rằng hiện nay có việc các chủ đầu tư dự án BOT giao thông chỉ cải tạo mặt đường quốc lộ nhưng thu phí bằng xây mới. Đây là điều phí lý vì những con đường đó là của người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào khẳng định lâu nay, BOT đang trở thành một mảnh đất màu mỡ của nhóm quan hệ thân hữu. Không vốn, kinh nghiệm vẫn làm được BOT Ông Nguyễn Nam Cường cho rằng nhiều nhà đầu tư đang thực hiện dự án BOT theo hình thức “tay không bắt giặc”.
Vị này cho biết thêm, ở Lào không có trạm BOT nào vì Lào họ lập luận rằng lượng lưu thông xe không đáng thu và Nhà nước nên bỏ tiền ra làm mới. Nhiều lãnh đạo địa phương cũng nói là không nên làm vì dễ làm dân bức xúc.
Tại Lào, các dự án BOT chủ yếu là lưới điện. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư làm lưới điện. “Họ quy hoạch điện trong các thành phố đâu ra đấy, rất văn minh không giống ở Việt Nam”, ông Cường nói. Còn tại vùng Đông Bắc Thái Lan, cả 18 tỉnh thuộc khu vực này không có trạm BOT nào dù đường giao thông nước này tốt hơn nhiều lần so với Việt Nam.
Cũng theo ông Cường, phản ứng của lái xe trả tiền lẻ tại các trạm đặt, thu phí bất hợp lý là đúng vì họ đã đóng phí bảo trì đường bộ, phí xăng dầu, thuế phí khác nay lại bị phí BOT đè lên.
( Theo BizLIVE )
( Theo BizLIVE )