Trăm dâu đổ đầu xe máy
Hiện nay, quy định của Chính phủ là đến tháng 1/2018 phải thu hồi toàn bộ phương tiện xe máy cũ đã hết niên hạn sử dụng. Thế nhưng, thực tế chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy.
Vì thế, để giảm tai nạn giao thông, đại diện các chuyên gia nghiên cứu về thực trạng an toàn giao thông và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho rằng, cần thiết phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy.
Đề cập về đề xuất này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đã phải thốt lên rằng, đúng là "trăm dâu đổ đầu xe máy" bởi nếu như quy định trên được ban hành, mỗi chiếc xe máy ở Việt Nam sẽ phải chịu đủ thứ gánh nặng, từ thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ mội trường, phí trước bạ... và sắp tới còn có phí khí thải. Đặc biệt, một khi đã ban hành quy định rồi, liệu có làm được không? Có hiệu quả không và lấy ai để làm?
Theo quy định, đến tháng 1/2018 phải thu hồi toàn bộ phương tiện xe máy cũ đã hết niên hạn sử dụng |
"Tất cả các chủ trương, chính sách đưa ra đều nhằm mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ con người và xã hội. Nhưng vấn đề quan trọng trước tiên cần lưu ý là chủ trương ấy có tính khả thi hay không. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm từ nay đến năm 2020, để hạn chế tai nạn giao thông nên tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu, đừng bày vẽ nhiều để rồi không làm được.
Đối với đề xuất ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy, việc này không sai nhưng chúng ta cần có lộ trình. Cơ sở nào để kiểm định thời gian sử dụng? Hàng triệu xe máy thì lực lượng nào kiểm định? Xe máy lại không chính chủ, mua đi bán lại rất nhiều từ tỉnh này sang tỉnh khác, làm thế nào để kiểm định? Chưa kể xe hoán cải, mua xe cũ về tạo thành xe mới... Liệu đăng ký xe máy có hồ sơ sản xuất hay xuất xứ sản xuất không, hay đó lại là xe máy Trung Quốc mang về nước lắp ráp lại rồi bán?
Chúng ta sẽ lấy bộ máy đâu để làm những việc này? Cuối cùng lại lấy tiền của dân để tiến hành, lại làm một lúc rất nhiều việc như thế, do đó tôi cho rằng nên xem xét lại đề xuất này, phải có lộ trình. Có quá nhiều vấn đề phức tạp, càng đề xuất nhiều chúng ta chỉ càng chui đầu vào rọ mà không ra được, hệ quả là hiệu lực của văn bản pháp luật không được thực thi và người dân sẽ nhờn luật", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Đại học GTVT Hà Nội bày tỏ, xe máy cũ nát quá thì phải thu hồi là điều cần thiết để giảm ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông. Ở Việt Nam có rất nhiều xe máy cũ nhưng người dân vẫn lưu hành. Nếu như ô tô thì có thể đăng kiểm thì xe máy cũ hết niên hạn sử dụng có thu hồi được hay không lại là vấn đề khó.
Ông đặt ra nghi ngại, ở đây phải chăng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam muốn thanh lý xe cũ để bán xe máy nên mới đặt ra đề xuất này? "Tuy nhiên, theo tôi, muốn thu hồi xe máy cũ phải dựa vào chất lượng chứ không phải niên hạn sử dụng. Xe máy dùng nhiều hay dùng ít thể hiện ở cây số chạy trên đường, phù hợp vào chất lượng thực tế của nó. Bởi vậy, nếu muốn kiểm định xe máy sẽ rất khó", PGS.TS Bùi Xuân Cậy nói.
Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam không nên can thiệp vào chuyện này.
"Doanh nghiệp bao giờ cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thế nhưng đừng vì lợi ích doanh nghiệp mà quên đi lợi ích người dân. Đây là cuộc sống của người dân, họ cần phương tiện để đi lại, đừng tăng thêm chi phí cho người lao động nữa. Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, cứ đẻ ra lắm việc vì lợi ích nhóm của mình thì không nên", ông Liên nhấn mạnh.
Nên tập trung giáo dục ý thức người dân
Theo ông Bùi Danh Liên, thay vì kiểm định xe máy, các cơ quan chức năng Việt Nam nên tập trung đào tạo, giáo dục con người, xây dựng nhân cách con người để tự thân người dân đề phòng tai nạn.
"Uống bia rượu say rồi phóng nhanh vượt ẩu, vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại... cái đó thuộc nhân cách con người. Muốn giảm thiểu tai nạn giao thông không phải là phạt đèn vàng hay say xỉn thì có xe đưa về nhà... Phải tập trung vào giáo dục ý thức người dân, phạt nặng những đối tượng phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi ra đường... để uốn nắn chứ không phải vẽ ra việc mình chưa làm được, tốn công tốn của, tốn nhân lực...".
Ông Liên khẳng định, ý tưởng của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam nếu đi vào thực tế sẽ không khả thi. "Đề ra chủ trương chính sách phải hợp thời, hợp lý, hợp với sức dân và hợp với tiến bộ xã hội, đừng nóng vội", ông lưu ý.
(ĐẤT VIỆT)
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |