THÔNG TƯ 18 CÓ HIỆU LỰC: "SIẾT" QUẢN LÝ VẬN TẢI VÀ "GIÃN" LỘ TRÌNH XỬ PHẠT

Cập nhật lúc: 10:05 | 18/10/2013
thong-tu-18-co-hieu-luc-siet-quan-ly-van-tai-va-gi

 Thông tư 18/2012/TT – BGTVT (Thông tư 18), của Bộ GTVT chính thức có hiệu lực thi hành. Bên cạnh nhiều điểm mới khá hiệu quả trong việc siết chặt quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải, cũng còn một số những hạn chế cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

 Đề cao vai trò của doanh nghiệp vận tải


Chính thức có hiệu lực từ ngày 1 – 10, đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 ngày trôi qua, Thông tư 18 nhằm siết chặt quản lý vận tải. Nội dung thông tư quy định, đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải cần phải: Có bộ phận quản lý theo dõi các vấn đề an toàn giao thông; lắp đặt khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT); đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải; các DN vận tải hoạt động theo các điều kiện quy định… Cụ thể, các DN vận tải phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về chất lượng phục vụ; phải quản lý phương tiện vận tải và người lái, tránh tình trạng khoán doanh thu cho lái xe, buông lỏng quản lý; khai thác thiết bị GSHT để theo dõi lộ trình xử lý lái xe và phương tiện sau khi xảy ra sự cố, tìm nguyên nhân để có hướng khắc phục. Thông tư 18 cũng quy định các mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm, hoặc cấm  vĩnh viễn, tùy theo mức độ vi phạm. 

Không khó để nhận thấy, Thông tư 18 có nhiều điểm mới trong việc đề cao trách nhiệm quản lý của DN vận tải. 

Thứ nhất, khi để xảy ra sai phạm, DN sẽ chịu hình thức xử lý khá nặng, mức cao nhất là đình chỉ hoạt động. Điều này được đánh giá là sẽ khá hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng chủ DN khoán doanh thu cho lái xe – một “thực trạng” đang đe dọa nghiêm trọng an toàn giao thông. 
Thứ hai, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Đặc biệt là việc thay đổi sổ nhật trình bằng lệnh chạy xe, do DN phát hành theo từng chuyến. Trong lệnh chạy xe có chữ ký của chủ DN, của bến xe và của nhân viên giám sát an toàn tại DN, trước khi xe xuất bến. Xe chỉ đủ điều kiện xuất bến sau khi đã được kiểm tra về chất lượng phương tiện, người lái, bảo hiểm, kiểm định… đầy đủ và xét thấy an toàn mới được phép di chuyển. 

Thứ ba, khác với các văn bản luật trước đây, Thông tư 18 quy định xe xuất bến sẽ được phép đón trả khách dọc đường, tại các điểm do UBND tỉnh, thành xác định và quản lý. Các điểm dừng đỗ này phải đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường, thời gian dừng đỗ của mỗi xe không quá 3 phút. Khoảng cách giữa các điểm dừng đỗ không dưới 5km. 

Thứ tư, để tiết kiệm thời gian cho DN, Thông tư 18 cũng yêu cầu cơ quan chức năng công khai các tuyến nốt, giờ giấc xuất bến để DN tự chọn (đăng ký) giờ giấc phù hợp. Trước đây, muốn tham gia vào tuyến, DN bắt buộc phải mua xe trước, sau đó mới chờ cơ quan chức năng phê duyệt chấp thuận tuyến nốt kinh doanh. Nay theo quy định mới, DN có thể có xe trước hoặc chưa có xe vẫn được phép đăng ký phương án hoạt động, sau khi được phê duyệt mới đầu tư phương tiện, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được phê duyệt. Điều này nhằm hạn chế và triệt tiêu dần tiêu cực theo kiểu “xin cho”. Và tránh được “thực trạng” đã xảy ra ở nhiều bến xe, nhiều DN có xe nhưng không có tuyến nốt nên chạy “chui”, chạy “dù”. 

Để bảo vệ quyền lợi của DN và hành khách, Thông tư 18 cũng quy định nếu cơ quan chức năng yêu cầu DN phải ngừng hoạt động tại bến xe cũ, để sang bến mới hoạt động thì DN được báo trước 24 tháng, để có thời gian chuẩn bị đăng ký các thủ tục khai thác ở bến mới và điều chỉnh phương án kinh doanh.

Thông tư 18 dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng thực tế đang đặt ra vấn đề cần “siết” quản lý vận tải nói chung.     Ảnh: Sỹ Hào

Một số hạn chế…

Việc cho phép các DN dừng đỗ đón trả khách dọc đường, được các DN vận tải đồng tình ủng hộ. Đáng tiếc là, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cũng như cơ sở pháp lý để thực hiện. Để ngăn chặn tình trạng: Nhồi nhét, DN tùy tiện đón trả khách, vừa mất an toàn, vừa không đảm bảo quyền lợi của hành khách mà DN lại trốn thuế… cần phải sửa lại Thông tư 129/2010/TTLT – BTC – BGTVT, cho phép các DN phát hành vé từng chặng ngắn, chứ không nhất thiết chỉ có một loại vé cho cả hành trình.  

Một hạn chế khác đó là việc cấp phù hiệu cho container, mặc dù cũng đã quy định trong Nghị định 91 năm 2008. Đến Nghị định 93/2012/NĐ – CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 91, tiếp tục bổ sung quy định, phương tiện vận tải bằng container phải có phù hiệu, có bộ phận theo dõi an toàn giao thông mới đủ điều kiện hoạt động. Hiện tại, Thông tư 18, dù quy định DN phải xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng container (thời hạn 7 năm) mới được cấp phù hiệu hoạt động. Thế nhưng, không có văn bản hướng dẫn thực hiện. Mặt khác công tác tuyên truyền hạn chế nên thực tế là người dân chưa nắm được.


Hiện nay hầu hết các đơn vị vận tải container chưa được cấp phù hiệu, nhưng vẫn hoạt động như chưa từng biết đến “điều kiện” này. Trên phạm vi toàn quốc, các cơ quan quản lý Nhà nước của các tỉnh, thành chưa triển khai hiệu quả Nghị định 91 và Nghị định 93 đối với vận tải hàng hóa nói chung và container nói riêng. Chưa nắm được đầy đủ chính xác thông tin về các DN kinh doanh vận tải hàng hóa theo quy định: Tên DN, trụ sở, chủ phương tiện, dẫn đến tình trạng phổ biến hiện nay là các DN vận tải hàng hóa hầu như không có phù hiệu, thậm chí có đầy đủ các thông tin theo yêu cầu, lại chẳng biết DN đó hoạt động ở trong Nam hay ngoài Bắc. 

Thực tế cho thấy, đối với xe khách thì được phép hoạt động theo một lộ trình hướng tuyến đã đăng ký và được chấp thuận cho phép. Nhưng, đối với container hay xe chở hàng hóa thì… kiếm được hợp đồng vận chuyển là chủ xe có thể chạy thoải mái đến bất cứ địa phương nào cũng không bị giới hạn. “Thực tế” này đã dẫn đến chuyện, các cơ quan chức năng xử phạt container lỗi “không phù hiệu”, thì hầu hết các DN kinh doanh loại hình vận tải này đều phản đối vì chưa có chế tài xử phạt. 

Những khoảng trống pháp lý nói trên, cơ quan chức năng càng sớm khắc phục càng tốt.

Mặt khác, mặc dù thời gian cấp phép kinh doanh vận tải (nói chung) chỉ có 15 ngày và thời gian cấp phù hiệu quy định chỉ 2 ngày. Thế nhưng, khi giải quyết các thủ tục hành chính theo yêu cầu, có khi DN phải mất hàng tháng trời. Bởi lẽ, vẫn còn những giấy tờ, thủ tục mà nhiều DN “mắc mớ”, ví dụ các quy định sau: Thứ nhất, GĐ điều hành phải có bằng trung cấp GTVT trở lên, nếu tốt nghiệp ngành nghề khác phải có 3 năm kinh nghiệm điều hành GTVT. Thứ hai, trường hợp giấy đăng ký doanh nghiệp của Sở KH-ĐT cấp, trụ sở DN một nơi, nhưng hoạt động tại một địa bàn khác cũng phải làm lại. Thứ ba, theo quy định DN phải có bãi đỗ xe, nhưng thực tế hiện nay do thiếu đất, nên nhiều DN phải tận dụng các khoảng diện tích, như sân kho, sân trụ sở các cơ quan, đất trống của tư nhân… để làm bãi đỗ. Nếu đòi hỏi DN phải có hợp đồng kinh tế giữa DN vận tải với chủ đất là rất khó khăn. 

Vẫn biết rằng, những thủ tục nói trên là cần thiết nhưng không phải một sớm một chiều là có thể đáp ứng ngay được. Chính vì vậy nhiều ý kiến cũng cho rằng nên “giãn” lộ trình xử phạt các DN vận tải vi phạm. 

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh những vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm, phải kiên quyết thực hiện quản lý container đúng với hiệu lực của Thông tư 18. 
“Xét tình hình thực tế, cơ quan chức năng nên có “giải pháp mềm” để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, nhằm đạt 2 mục tiêu: Đảm bảo tính nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các DN đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Khi các DN vận tải nộp hồ sơ, nếu họ đã có đủ các tiêu chí cơ bản như đăng ký kinh doanh, đăng ký phương tiện, người lái, và phương án sản xuất kinh doanh. Các Sở GTVT cần nhanh chóng làm thủ tục xác minh và có thể cấp phép tạm thời trong thời hạn 3 - 6 tháng, để trong thời gian này DN tiếp tục bổ sung sửa đổi những thiếu sót trong hồ sơ. Tương tự như Hà Nội đã cấp phép tạm thời 3 tháng và 6 tháng hoặc 1 năm cho một số DN vận tải hợp đồng tuyến cố định và taxi trong thời gian vừa qua.” – ông Bùi Danh Liên nói. 


( Theo phapluatxahoi.vn)

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr Liên PCT thường trực  ĐT: 0903435852
Mr Long Chánh Văn phòng   ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 15
Lượng người truy cập:: 60.010.333