QUÁ NHIỀU QUY ĐỊNH SIẾT CHẶT,XE KHÁCH TUYẾN CỐ ĐỊNH BỎ BẾN

Cập nhật lúc: 09:20 | 14/11/2023

 Phải chi trung bình từ 200- 300.000 đồng/xe cho các loại phí theo quy định, trải qua kiểm tra đủ 17 - 18 danh mục thì xe khách tuyến cố định mới được xuất bến.

   Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc bến xe Giáp Bát, Hà Nội cho rằng, các quy định đối với vận tải tuyến cố định rất chặt chẽ (yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát các điều kiện về niêm yết, giấy tờ lệnh vận chuyển liên quan) nhưng xe hợp đồng thì không như vậy. 

“Tức là xe hợp đồng không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước ở hai đầu bến, họ chỉ cần  đăng ký với sở GTVT hợp đồng kèm theo danh sách hành khách mà không chịu sự quản lý như xe tuyến cố định. 

Trong khi đó, xe vận tải tuyến cố định phải được chấp thuận của sở GTVT 2 đầu tuyến, phải thực hiện tất cả danh mục (khoảng 17- 18 danh mục ): niêm yết trong ngoài xe, niêm yết giá vé, niêm yết số điện thoại đường dây nóng, thiết bị chữa cháy, búa thoát hiểm, camera giám sát hành trình… 

Hai đầu bến hàng ngày kiểm tra những danh mục này, nhà xe có đầy đủ mới được khởi hành”, ông Tùng cho biết. 

Bến xe Giáp Bát là bến xe loại 1, công suất tiếp nhận mỗi ngày là 1.150 xe nhưng kể từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì chỉ phục vụ khoảng 600 - 700 xe/ngày (giảm 40- 45 %). Trong rất nhiều nguyên nhân giảm sút, ông Tùng thừa nhận còn do sự bùng nổ loại hình vận tải khác (xe hợp đồng, xe ghép). 

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, lâu nay chúng ta quản lý vận tải khách theo tuyến cố định quá chặt trong khi quản lý loại hình xe hợp đồng lại lỏng. Đây là một trong những yếu tố khiến xe tuyến cố định chuyển sang chạy hợp đồng ngày càng nhiều.

“Xe hợp đồng bị quản chặt đầu tiên liên quan đến quản lý của bến. Ví dụ như các đơn vị vận tải phải được Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận và chạy với tần suất xuất bến theo quy định. Nhưng vận tải hành khách không phải lưu lượng đi lại lúc nào cũng ổn định mà có thể gia tăng vào các dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết, mùa du lịch. 

Những lúc này, đơn vị vận tải muốn điều chỉnh tăng chuyến phải xin tăng tần suất, thông qua 2 đầu tuyến rất khó khăn. Các đơn vị vận tải không chủ động được để thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Việc công bố giá vé cũng tương tự, phải báo trước mấy ngày rồi thông qua Sở GTVT hai đầu tuyến, chờ tới bến công bố thì mới được điều chỉnh giá vé. 

Điều này khiến xe tuyến cố định không hoàn toàn thích ứng theo cách cung cầu của thị trường, trong khi vận tải khách theo hợp đồng được chủ động về giá”, ông Quyền nhấn mạnh.

Cắt bớt “quyền” bến xe 

Thẳng thắn nhìn nhận tình trạng xe khách không vào bến, ông Hồ Văn Hưởng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phụ trách các tỉnh phía Nam trong nhiều nhiệm kỳ cho rằng: xe không phải bỏ bến mà không còn "lốt" vào bến nên bắt buộc phải chạy ngoài. 

“Tại TP. HCM có khoảng 300 HTX vận tải. Trong số này chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp chạy tuyến cố định, gần 200 đơn vị chuyên chạy xe hợp đồng với số xe lên gần 100.000 xe dịch vụ vận tải. Trong khi toàn thành phố chỉ có 5 bến xe. 

Số lượng xe quá đông mà vào bến không đủ "lốt" nên doanh nghiệp bắt buộc phải chạy bên ngoài. Chẳng hạn như tuyến TP. HCM đi Đắk Lắk mỗi ngày từ 2 bến xe Miền Đông, An Sương. Mỗi bến chỉ được xuất bến 50 xe, nhiều hơn nữa là không vào được”, ông Hưởng nói. 

Trong khi đó, theo ông Hưởng để chạy xe tuyến cố định thủ tục rất khắt khe. Những đơn vị chạy hợp đồng thuận tiện hơn- không phải đăng ký ra vào bến (không bị kiểm soát bởi bến xe), không phải đăng ký giá vé, thích chạy giờ nào thì chạy, doanh nghiệp có thể lập bến bãi bên ngoài để nhận khách. 

“Tuyến cố định phải đăng ký ở bến, tần suất chạy ra vào bến… và đóng tiền phí rất nhiều như: ra vào bến, phí lưu chỗ đỗ xe, hoa hồng bán vé. Nếu doanh nghiệp tự bán vé thì không phải chi trả hoa hồng bán vé nhưng sẽ phải chi trả tiền thuê phòng bán vé.

Tính trung bình mỗi xe phải vào bến phải chi các khoản phí từ 200 - 300.000 đồng tuỳ theo tuyến đường dài ngắn. Trong khi xe hợp đồng thì không mất khoản phí này”, ông Hưởng nói.

Một vấn đề khác khiến nhiều nhà xe băn khoăn đó là các thông tư, nghị định hiện nay “giao quyền” cho các bến xe quá nhiều. Các bến xe được quyền kiểm tra giấy tờ liên quan (đăng ký xe, bằng lái lái xe …).

Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Hồ Văn Hưởng cho rằng: "Bến xe cũng là doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, không phải cơ quan quản lý nhà nước và phải bình đẳng với doanh nghiệp vận tải. Không nên giao thẩm quyền cho bến xe kiểm tra các thủ tục xe doanh nghiệp vận tải khi ra vào bến. 

Từ đây tạo ra nhũng nhiễu, phiền hà cho các doanh nghiệp vận tải. Tôi có nhận được phản ánh của anh em lái xe về tình trạng gây khó dễ trong quá trình kiểm tra giấy tờ. Do đó, tôi đề nghị bỏ quyền này của bến và lập tổ kiểm tra của cảnh sát giao thông". 

 ( Theo Vietnamnet)

 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 132
Lượng người truy cập:: 85.691.133