TỪ 15-4 PHẠT Ô TÔ KHÔNG CHÍNH CHỦ: NÊN VÀ CHƯA NÊN ...

Cập nhật lúc: 04:06 | 25/03/2013

Vấn đề xử phạt xe “không chính chủ” vẫn chưa ngã ngũ, trong khi Bộ GTVT đưa ra ý kiến “tha”, thì Bộ Công an lại quyết định tiến hành triển khai xử phạt" . Dư luận cũng chia ra hai luồng, một bên ủng hộ và một bên không tán thành. 

 

Chủ cũ lo bị “truy” trách nhiệm


Theo thông tư số 11, có hiệu lực từ 15-4-2013, cơ quan chức năng chỉ phát hiện và xử phạt được khi người dân đến đổi biển xe mà chưa sang tên đổi chủ. Hay trường hợp va chạm giao thông, thậm chí gây chết người, mới phát hiện ra xe chính chủ hay không. Trong cả hai trường hợp này số lượng xe phạt cũng không nhiều so với số lượng xe bán trao tay chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ đang lưu hành. Vì thế có ý kiến cho rằng, việc đặt ra xử phạt xe “không chính chủ” với những điều kiện như trên sẽ không hiệu quả. 

Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra vấn đề cần phải xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đối với ô tô, để bảo vệ quyền lợi của chủ phương tiện khi bán trao tay. Không nên phạt xe máy, do những hoàn cảnh lịch sử để lại - cấm người dân các quận nội thành mua xe máy mới; dân các tỉnh đưa xe về Hà Nội làm ăn với số lượng nhiều.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: 
“Phạt lỗi “không chuyển quyền sở hữu” sẽ giúp giải phóng gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp (cá nhân) về trách nhiệm dân sự”.

“Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vận tải đang rất bức xúc trước việc những người mua xe ô tô không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Vì lẽ sau khi bán ô tô cho “chủ mới”, do không thể kiểm soát được, nên doanh nghiệp nơm nớp lo sợ cơ quan chức năng sẽ “truy” đến mình, khi những người “chủ mới” gây tai nạn. Đến mức họ phải làm đơn “từ chối quyền sở hữu” gửi các cơ quan chức năng, nhưng cũng không có cơ quan nào giải quyết. Vì thế mỗi khi “có chuyện” thì doanh nghiệp lại lâm vào tình thế “quýt làm nhưng cam phải chịu”” – chủ một doanh nghiệp vận tải giãi bày. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xe “không chính chủ” rơi vào những trường hợp sau: Thứ nhất, các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp vận tải để mua xe, trên danh nghĩa doanh nghiệp đứng tên chủ sở hữu và quản lý điều hành. Sau khi được ủy quyền quản lý sử dụng trong thời gian nhất định, có thành viên đã bỏ đơn vị, tự động “bán” xe thậm chí chủ sở hữu không hề hay biết. Khi cất nhiều công đi tìm để giải quyết thì không gặp, thậm chí gặp thì cũng không biết xử lý thế nào; Thứ hai, chủ sở hữu làm thủ tục bán xe ký tên vào hóa đơn chứng từ mua bán, cho tặng để chấm dứt quyền sở hữu (xuất hóa đơn hoặc ra công chứng làm thủ tục mua bán). Nhưng mua xe xong, “chủ mới” không đến cơ quan chức năng để nộp thuế trước bạ, làm thủ tục sang tên sở hữu, việc này người chủ ban đầu cũng không hề biết. 

Thế nhưng, nếu xảy ra việc vi phạm pháp luật như “lái xe không có bằng, cán chết người” hay các quan hệ dân sự chuyển sang hình sự, thì các cơ quan chức năng lại “truy” nguồn gốc chiếc xe, truy vấn đề quản lý lái xe… khiến “chủ sở hữu cũ” vô cùng phiền toái, bị phạt rất nặng. Họ bị liên đới trách nhiệm, thậm chí bị phạt oan, phải bồi thường oan, diễn ra không phải hiếm, trong khi không có lỗi trong vấn đề vi phạm.

               Nhiều “chủ sở hữu cũ” có khả năng bị truy liên đới trách nhiệm, vì “chủ sở hữu mới” không làm thủ tục sang tên đổi chủ điều khiển xe gây tai nạn.    
 
Giảm thuế vẫn là giải pháp then chốt

 
Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ đối với ô tô là cần thiết, trước hết là để đảm bảo quyền lợi của rất nhiều người, sau nữa là tiện cho sự quan lý của các cơ quan chức năng. Và cần quy định cụ thể các căn cứ xử phạt người bán và người mua, theo nguyên tắc lỗi bên nào thì phạt bên đó. 

Để giải quyết hiệu quả, Bộ Công an và Bộ GTVT trước tiên phải tuyên truyền để người dân hiểu sau đó mới đưa ra biện pháp hành chính, để người dân chấp hành.  

Ở khâu đăng kiểm cần phải xác định chủ sở hữu được phép lưu hành. “Chủ sở hữu” phải có giấy tờ chứng minh việc sở hữu xe, chứ không phải việc người dân đem xe đến rồi xuất trình CMT hay bằng lái và sổ đăng kiểm là được khám lưu hành định kỳ như hiện đang áp dụng. 

Đối với xe của các cơ quan tổ chức, phải có giấy giới thiệu người đến khám xe (kèm giấy đăng ký kinh doanh nếu là doanh nghiệp). Nếu như người đến khám xe không có giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu, đề nghị cơ quan chức năng tạm giữ sổ kiểm định, yêu cầu người đó bổ sung hoặc làm thủ tục sang tên đổi chủ thì mới khám định kỳ cho phương tiện. 

“Theo tôi, hai Bộ Công an và GTVT nên thống nhất với nhau về quan điểm, tăng cường vai trò của trạm đăng kiểm, khám lưu hành định kỳ một cách chặt chẽ theo nguyên tắc trên. Đó là biện pháp hiệu quả để buộc người dân phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện ô tô. Vì các xe “không chính chủ” rất khó có các giấy tờ của chủ sở hữu” – ông Liên cho biết. 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng thuế trước bạ vẫn đang ở mức cao, thậm chí tới 20%. Chính là lý do khiến người dân không muốn làm thủ tục sang tên đổi chủ vì sợ tốn kém. Thực tế nhiều người mua lại xe nhưng vì thuế trước bạ cao quá nên chưa có điều kiện chuyển quyền sở hữu. Họ cứ thế mà lưu hành, chưa chắc cơ quan chức năng đã phát hiện ra xe không chính chủ để xử phạt. Vì vậy, cần phải giảm thuế trước bạ xuống mức thấp nhất. Giải pháp này phải đợi HĐND họp bàn phê duyệt, song cơ quan chức năng có thể lùi việc xử phạt thêm một thời gian nữa.  

HTAHN.ORG (PHÁP LUẬT&XÃ HỘI)

 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 151
Lượng người truy cập:: 86.181.014