Kể từ 1 – 1 – 2103, thời điểm triển khai thu phí Bảo trì đường bộ, các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ phải dừng hoạt động. Bộ GTVT cũng đã ban hành quyết định số 3435/QĐ-BGTVT về việc xoá, dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với 17 trạm thu phí gồm: Trạm Ba Chẽ (QL18); Trạm số 4 (QL14); Trạm cầu Trung Hà (QL32); Trạm Madrăk (QL26); Trạm Lường Mẹt còn gọi Cầu Lường (QL1); Trạm Nhơn Tân (QL19); Trạm cầu Bình (QL37); Trạm Kdang (QL19); Trạm Đông Hà (QL1); Trạm Buôn Hồ (QL14); Trạm cầu Gianh (QL1); Trạm Cam Thịnh (QL1); Trạm Phú Bài (QL1); Trạm Lộ Tẻ (QL80); Trạm Bắc Hải Vân (Km0+185 hầm Hải Vân); Trạm Gò Dầu (QL22A); Trạm Mỹ Thuận (QL1).
Tình từ thời điểm quyết định trên có hiệu lực thi hành, đã 2 tuần trôi qua, PV ghi nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh từ các tài xế của các doanh nghiệp vận tải ô tô về việc “có rất nhiều trạm thu phí vẫn ngang nhiên thu tiền phí bất chấp quy định của nhà nước”?
Ngày 13 – 1, PV báo PL&XH đã tiến hành khảo sát, nhằm làm rõ hơn tính thực hư của phản ánh trên.
“Đoạn đường Hà Nội – Phúc Yên (Vĩnh Phúc), có tới 3 trạm thu phí, gồm trạm Vĩnh Thanh (Hải Bối);trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài (đường Cao tốc Thăng Long Nội Bài) và trạm BOT Quốc lộ 2 (đầu thị xã Phúc Yên). Trong đó, theo tôi được biết chỉ duy nhất trạm BOT Quốc lộ 2, đến thời điểm hiện tại vẫn được phép hoạt động. Thế nhưng, hiện nay cả ba trạm này đều cùng hoạt động, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin và giải thích tại sao lại… như vậy?” – một tài xế xe tải thắc mắc.
PV báo PL&XH đã khảo sát tại cả ba trạm thu phí này, và ghi nhận cả ba trạm đều đang hoạt động bình thường. Tại trạm Bắc Thăng Long, chỉ trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ đã có hàng trăm lượt xe ô tô dừng lại làm thủ tục nộp phí. Trả lời thắc mắc của PV, ông Trịnh Xuân Tuyển, Đội phó Trạm thu phí, khẳng định: “Trạm thu phí này, cùng với trạm Vĩnh Thanh, đều thuộc diện BOT, do Cty Cổ phần BOT Viettraximex 8 triển khai thu hồi vốn xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên. Chính vì vậy, không nằm trong danh sách các trạm phải ngừng thu phí”. Ông Tuyển cũng cho biết thêm, rất nhiều tài xế khi qua trạm thu phí này cũng thắc mắc về việc thu phí tại đây, và chúng tôi cũng đã giải thích cho họ.
Theo ghi nhận của phóng viên, với chiều dài khoảng 40km, từ Hà Nội lên Phúc Yên xuất hiện 3 trạm thu phí cùng hoạt động là điều bất hợp lý. Trong khi Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ: Khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải có độ dài tối thiểu là 70 km. Hơn nữa trạm thu phí Bắc Thăng Long, nằm trên cao tốc Thăng Long Nội Bài, tuyến đường thuộc sự quản lý của Hà Nội, nhưng lại thu phí đường tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, cũng là điều chưa hợp lý. Mặt khác, trong khi trạm thu phí đặt trên quốc lộ 2 đều công khai thông tin đây là trạm BOT, thì cả hai trạm thu phí do Cty Viettracimex 8 quản lý, đều không thể hiện các thông tin, đây là trạm thu phí BOT (nếu đúng như vậy) để tài xế biết rõ, có thể gọi đây là sơ xuất… không đáng có.
Tại trạm thu phí Phù Đổng, Long Biên, Hà Nội, ngày 13 – 1 vẫn lũ lượt các xe ô tô nộp phí. Nhiều tài xế cho biết, đây là trạm thu phí thuộc ngân sách Bộ GTVT, không hiểu sao lại nằm ngoài danh sách phải dừng thu phí sau ngày 1 – 1 – 2013???
Qua tìm hiểu, PV được biết, thời điểm trước 1 – 1 – 2013, toàn quốc có tổng số 57 trạm thu phí. Theo phân loại của Tổng cục ĐBVN, gồm 12 trạm nộp ngân sách; 5 trạm trả nợ vay theo Văn bản 3170/KTN ngày 25 -6 - 1997 của Thủ tướng Chính phủ; 5 trạm đang bán quyền thu phí; 29 trạm thu hoàn vốn dự án BOT; 4 trạm thu hỗ trợ vốn dự án BOT; 1 trạm thu để hình thành vốn điều lệ cho CIPM Cửu Long; 1 trạm thu hoàn vốn đường cao tốc. Tới thời điểm hiện tại đã có 17 trạm phải dừng thu phí.
Có thể thấy, theo quy định những trạm thu phí thuộc diện BOT được phép tồn tại, để chủ đầu tư thu hồi vốn. Và những trạm thu phí nộp ngân sách (Nhà nước quản lý), sẽ phải xóa bỏ. Thế nhưng đối với các trạm Nhà nước quản lý bằng cách bán quyền thu phí cho các đơn vị đấu thầu, thì việc giải quyết như hiện nay vẫn chưa ổn.
Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề này, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết. Dù chúng tôi có nghe nhiều tài xế kêu ca rất nhiều về việc sau ngày 1 – 1 – 2013, họ vẫn bị thu phí “oan uổng”. Thế nhưng tôi có thể khẳng định, toàn bộ các trạm thu phí nằm trong danh sách ngừng thu phí kể từ ngày 1 – 1 - 2013, đến thời điểm hiện tại họ đã chấp hành. Những trường hợp phản hồi có thể rơi vào các trạm mà nhà nước bán quyền thu phí”.
“Sở dĩ vẫn tồn tại trạm thu phí BOT và trạm bán quyền thu phí vì phải làm như vậy mới kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân – không phải nộp phí chồng phí và doanh nghiệp khỏi thiệt; Nhà nước có thể trích quỹ bảo trì đường bộ bù cho BOT và trạm bán quyền thu phí. Nhằm giảm gánh nặng cho người dân khi qua các trạm thu phí này. Hoặc có thể dùng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho ngành giao thông, để thanh lý hợp đồng (xóa bỏ) đối với các trạm BOT và các trạm bán quyền thu phí” – ông Bùi Danh Liên cho biết.
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |