ĐỒNG TÌNH GIẢI PHÁP "TIẾP SỨC" DOANH NGHIỆP

Cập nhật lúc: 07:21 | 28/12/2012

 

– Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà kinh tế, hiệp hội,... cho rằng những giải pháp “tiếp sức" doanh nghiệp được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra 2 ngày qua (ngày 25-26/12) là cấp thiết từ đòi hỏi của thực tiễn, cần sớm triển khai đạt hiệu quả.

 

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa: Giải pháp cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 

Các giải pháp Chính phủ đưa ra trong Hội nghị đã tập trung được vào 3 vấn đề lớn như nợ xấu, hàng tồn kho và bất động sản. Theo đánh giá của tôi, Chính phủ đưa ra các giải pháp này tương đối toàn diện, sát với thực tế. Những giải pháp này đã được Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành bàn và thống nhất dựa trên nhiều đánh giá. Điều này cũng đã khẳng định được việc Thủ tướng hứa trước Quốc hội những việc cần làm ngay đang được thực hiện một cách nhanh chóng. Đây là những giải pháp cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2013. 

Qua hội nghị các địa phương đã có những phản ánh, đề xuất kiến nghị sát với hoạt động của địa phương mình. Đặc biệt là, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là những giải pháp vô cùng quan trọng, Hội nghị đã nêu ra được đúng những phản ánh, kiến nghị cần tháo gỡ.

Dựa trên những giải pháp Chính phủ đã đưa ra, tôi có thêm 3 đề xuất như sau:

Cần cụ thể hóa chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thấy rõ được các hoạt động tích cực, cụ thể của Chính phủ và các ngành, các cấp.

Có cơ chế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.

Các đơn vị công quyền cần công khai, minh bạch các thông tin. Có chế tài xử lý nghiêm các phần tử, các lợi ích nhóm gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị.

Khi hệ thống chính sách đồng bộ cùng với hệ thống giải pháp tương đối tập trung sẽ có ảnh hưởng tích cực và to lớn đối với các doanh nghiệp.

 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh

 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh: Kích hoạt, củng cố lòng tin và tâm lý của doanh nghiệp, người dân

Chúng tôi rất phấn khởi khi nắm bắt các thông tin về Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 25 và 26/12. Hội nghị mang lại giá trị rất lớn đối với thị trường.

Các giải pháp Chính phủ đưa ra có thể thấy Chính phủ đã xác định được rất rõ những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản, vị trí của ngành này đối với thị trường. Giải quyết được các vấn đề của bất động sản sẽ giải quyết được nhiều khó khăn của các ngành khác như: xi măng, thép, vật liệu xây dựng… Từ đó, tạo ra sự phục hồi chung cho nền kinh tế.

Trong tuần vừa qua, sự rốt ráo của Chính phủ qua các cuộc họp đã kích hoạt, củng cố thêm lòng tin và tâm lý của doanh nghiệp lẫn người dân trên thị trường. Cụ thể là thị trường chứng khoán đã có những khởi sắc đáng kể, mã số chứng khoán của các doanh nghiệp đã tăng giá trị.

Theo tôi, các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009, Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 về việc thu tiền sử dụng đất các dự án bất động sản. Bởi lẽ theo các quy định này, doanh nghiệp vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Điều này đã góp phần đẩy mặt bằng giá bất động sản ở Việt Nam lên cao.

Ngoài ra, có thể kích thích tiêu dùng trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ đối với thị trường bất động sản.

 

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

 

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Cần tập trung hơn đến dự án nhà ở cho người lao động

Thông qua nội dung họp của Chính phủ với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam rất hoan nghênh chủ trương của Chính phủ giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho.

Về các giải pháp, chúng tôi đề nghị có giải pháp rà soát tất cả các dự án nhà ở. Tuy nhiên nếu chỉ giao cho địa phương thì rất khó, mà cần có sự tham gia của các tổ chức khác như đại diện cơ quan Bộ Xây dựng (đối với các thành phố); đại diện Hội đồng Nhân dân, đại diện một số tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Một số trường hợp quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm quy hoạch, vi phạm quy định điều kiện làm chủ đầu tư... thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Đối với các dự án làm nhà ở cho thuê, thuê mua nhà trả góp, Nhà nước nên có cơ chế để tập trung nguồn ngân sách mua lại các dự án này. Cán bộ công chức, người lao động có nhu cầu về nhà ở rất lớn, đấy chính là các đối tượng xã hội có nhu cầu cấp thiết và thực tế về nhà ở, Nhà nước cần tập trung quan tâm nhu cầu về nhà ở của đối tượng này hơn là tập trung vào các dự án thương mại.

Ngoài ra, cần thay đổi cơ chế đền bù nhà "Tái định cư" đối với các địa phương có điều kiện như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương... Xóa bỏ nhà tái định cư chuyển sang hình thức đền bù theo giá thị trường dân tự mua, thuê theo điều kiện của từng gia đình.

 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Giải pháp cùng lúc mang lại nhiều lợi ích

Tôi rất tán thành giải pháp dự kiến không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện và giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Việc tháo gỡ 2 nút thắt này được đánh giá là sẽ cùng lúc mang lại nhiều lợi ích. Bởi theo nhiều ý kiến, chính mức thu 12% bị xem là quá cao đã khiến nhiều người dân không thực hiện sang tên đổi chủ sau khi chuyển nhượng.

Về việc hạ lãi suất ngân hàng, các doanh nghiệp vận tải ô tô rất hoan nghênh. Nhưng trong ngành vận tải ô tô hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất khó tiếp cận với việc vay vốn lãi suất thấp. Đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết việc hạ lãi suất cho vay và tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn lãi suất thấp.

Với các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, theo tôi, các doanh nghiệp và dư luận xã hội rất đồng tình và hoan nghênh. 

Để giải pháp này phát huy hiệu quả, kế hoạch giải cứu cần phải có phương án cụ thể. Theo tôi, không nên cào bằng các đối tượng. Các Bộ, chính quyền địa phương cần phân loại đối tượng cứu trợ theo cấp độ ưu tiên. Trước hết, ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, loại hàng tồn kho lớn. Cấp vốn cho các doanh nghiệp có năng lực thực sự mua lại hàng tồn kho có giá trị để dự trữ hoặc phục vụ công trình trọng điểm.

Ví dụ, ứng vốn mua xi măng tồn đọng phục vụ cho công trình giao thông nông thôn, xây dựng cầu nhỏ vượt sông suối để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, hoặc phục vụ cho xây dựng trường học vùng sâu, vùng xa…

HIỆP HỘI VẬN TẢI TP HÀ NỘI - HTAHN.ORG
(CHINHPHU.VN)

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 144
Lượng người truy cập:: 102.910.599