Sáng 8 – 8 – 2013, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn đề quản lý vận tải ô tô trên địa bàn TP Hà Nội. Tại hội nghị, trái ngược với nhận định của cơ quan quản lý – bến xe Mỹ Đình “quá tải”, hầu hết các chuyên gia giao thông tham dự hội nghị đều cho rằng, bến xe Mỹ Đình chưa quá tải. Và biện pháp “giảm tải” xe khách của Sở GTVT Hà Nội, là chưa có sự đồng thuận của Bộ GTVT; Tổng Cục Đường bộ; và 20 tỉnh, thành liên quan; cũng như hàng vạn hành khách.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng: “Thông tin nói bến xe Mỹ Đình “vỡ trận” vì thiết kế 800 xe/ngày, nay tăng lên 1.300 xe/ngày là không hợp lý. Bởi công suất bến xe có thể thay đổi dựa vào thời gian làm việc và vị trí sắp xếp của xe. Thực tế, bến xe Mỹ Đình hoạt động từ 6g sáng đến 23g đêm cho thấy công suất phục vụ hành khách được nâng cao. Nguyên nhân lộn xộn tại khu vực này là các bến cóc, xe dù hoạt động tràn lan bên ngoài, xe đi chậm đón khách gây ùn tắc mà không bị lực lượng chức năng xử lý”.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc phân luồng theo địa lý, hành khách ở phía nào thì bố trí về bến xe phía đó - nhiều người đang nhầm tưởng và cho rằng như vậy là hợp lý, nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều hành khách phía Nam vẫn có nhu cầu đến phía Bắc hay phía Tây (và ngược lại) để đi tiếp các tuyến khác. Do vậy, việc phân luồng, phải điều tra khảo sát nhu cầu dân cư từng phía, để bố trí luồng tuyến hợp lý - có nghĩa rằng, hành khách gần bến xe nào thì đi bến xe đó, và tại bến xe này cũng phải đầy đủ các phương tiện kết nối đến các địa điểm.
“Việc quyết định chuyển hơn 400 xe khách ra ngoài bến xe Mỹ Đình cần cân nhắc kỹ, vì số lượng xe hoạt động trong bến xuất phát từ nguyện vọng đi lại của người dân, chứ DN không bao giờ đưa xe vào bến nếu vắng khách. Hà Nội phải rà soát lượng xe vào Mỹ Đình để không làm rối loạn sự đi lại của người dân, gây xáo trộn cho DN. Nếu các tuyến hoạt động không hiệu quả thì phải giảm đi. Tôi thấy tiếc là thời gian qua, biện pháp này không được tính đến mà chỉ tính cách đưa hàng loạt xe khỏi bến”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm.
Hội nghị nóng lên khi GS. Nguyễn Văn Thụ, ĐH GTVT, người từng đi khảo sát nghiên cứu ở nhiều bến xe trong toàn quốc, phát biểu: “Tôi thường xuyên đi bến xe Mỹ Đình, so với nhiều bến xe trong cả nước, bến này vẫn hoạt động bình thường. Nếu các nhà quản lý giao thông tổ chức tốt giao thông tại bến xe Mỹ Đình, công suất bến xe có thể tăng lên 2.000 lượt xe/ngày. Các bến xe miền Đông, miền Tây tại TP HCM còn phức tạp hơn. Bến xe Mỹ Đình, ban đầu thiết kế như vậy, song vấn đề tổ chức giao thông lại là chuyện khác. Bến xe lộn xộn do cơ quan quản lý, chứ không phải tại người dân, hay do lái xe, do DN kinh doanh vận tải”.
Có thể lấy rất nhiều ví dụ để chứng minh cho quan điểm nói trên là có cơ sở. Đơn cử trường hợp bến xe Thái Nguyên, có diện tích chỉ bằng 1/4 lần bến xe Mỹ Đình nhưng vẫn chứa được 500 - 600 xe. Từ đó có thể thấy, trong điều kiện hiện tại bến xe Mỹ Đình hoàn toàn có thể tiếp nhận thêm xe, nếu việc tổ chức giao thông ở đây thực sự khoa học, hợp lý.
Là người xây dựng và từng quản lý bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội bến xe Việt Nam cho rằng, công suất thiết kế của bến xe này thời gian đầu là 800 xe một ngày, song thực tế còn phụ thuộc vào tần suất chạy xe nên có thể thay đổi.
Chuyên gia này cũng cho rằng, 10 năm qua Hà Nội không xây dựng được bến xe nào mới là bất hợp lý, trong khi nhu cầu vận tải của TP mỗi năm đều không ngừng tăng. Nhiều vị trí đẹp làm bến xe đã trở thành siêu thị, trung tâm thương mại.
Ở góc độ quản lý, TS. Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, đồng quan điểm cho rằng vấn đề lộn xộn ở bến xe Mỹ Đình chủ yếu là do công tác quản lý chưa ổn: “Bến xe Mỹ Đình lúc cao điểm có 1.800 xe hoạt động nên chưa thể khẳng định là quá tải. Nhưng cách bố trí xe khách trong bến này hiện chưa tốt, xe ôm có thể vào thẳng sảnh để đón khách. Hà Nội cần tổ chức giao thông nội bộ, áp dụng công nghệ mới kiểm soát “xe dù”. Như tại sân bay Nội Bài đã kiểm soát taxi ra vào theo biển số”.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng: “Bến Mỹ Đình chưa quá tải”.
Cần phải có sự đồng thuận
Nhìn nhận ở góc độ pháp luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế giữa DN vận tải với đơn vị quản lý bến xe, nếu hai bên chưa thỏa thuận giải quyết xong những bất đồng.
Thực tế, các xe đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình là đúng pháp luật: Được ký hợp đồng với hai đầu bến; được Sở GTVT và các Sở, ngành liên quan cấp phù hiệu, sổ nhật trình; phát hành vé. Họ cũng chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý GTVT, thực hiện đầy đủ các điều khoản hợp đồng hai bên đã ký kết. Mặt khác, đến nay các Sở GTVT địa phương cũng chưa có quyết định về việc dừng các xe đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình.
Ngày 6 – 8, Cty TNHH Một thành viên bến xe Hà Nội, có Công văn số 300/BXHN, yêu cầu các DN đang kinh doanh vận tải ở bến xe Mỹ Đình, phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng, đến ngày 15 – 8 phải chấm dứt hoạt động tại bến xe Mỹ Đình.
“Sự việc trên, nhiều DN kinh doanh vận tải thấy rằng chưa thỏa đáng. Vì theo hợp đồng đã ký giữa DN và đơn vị quản lý bến xe, có hiệu lực đến hết ngày 31 – 12 – 2013. Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có gì vướng mắc hai bên sẽ hiệp thương giải quyết. Việc đột ngột hủy hợp đồng giữa chừng mà không có sự thỏa thuận giữa hai bên như vậy là vi phạm hợp đồng kinh tế” – ông Đậu Xuân Ngọc, GĐ một DN vận tải đang khai thác tại bến xe Mỹ Đình cho biết.
Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh sự việc này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Giảm tải bến xe Mỹ Đình, nên quan tâm đến những vấn đề chính sách xã hội như: Nghị quyết 02 của Chính phủ về vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô - trợ giá giúp đỡ DN; Nghị quyết 13-NQ-TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa IX: “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” – nhiều xã viên HTX có xe hoạt động tại Mỹ Đình; chủ trương thực hiện các chính sách đối với người có công – nhiều thương binh bệnh binh đang hoạt động trong các DN vận tải; cuối cùng là quyền lợi của người dân”.
Có thể thấy, trong vấn đề “giảm tải” bến xe Mỹ Đình, nhiều ý kiến từ các chuyên gia giao thông; các nhà khoa học; các cơ quan quản lý vận tải ở nhiều địa phương, cũng như hành khách, đều lên tiếng chưa đồng thuận với kế hoạch điều chuyển mà Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra để “giảm tải” bến xe Mỹ Đình.
Tình trạng này, có thể liên tưởng đến một sự việc cũng từng xảy ra, đó là việc xây dựng cầu vượt qua khu di tích Đàn Xã Tắc. Ban đầu, chủ trương trên đã gặp phải những ý kiến phản đối quyết liệt từ các nhà sử học; sau đó dẫn đến một cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học; các chuyên gia giao thông và sự đóng góp ý kiến của người dân. Để giải quyết nhu cầu dân sinh bức bách tại nút giao thông này, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến, tranh luận tìm hướng tháo gỡ. Cuối cùng vấn đề “cầu vượt qua Đàn Xã Tắc” cũng đã tìm được giải pháp tối ưu. Nói như vậy để thấy rằng, trong vấn đề giảm tải bến xe Mỹ Đình, cũng cần có ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý giao thông vận tải, Sở GTVT các tỉnh bạn. Có như thế, mới thực hiện được tiêu chí “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
HTAHN.ORG (PL&XH)