1. Quy định và chế tài về an toàn giao thông: Bay trên trời, dừng lại ở biên bản xử phạt và kết thúc ở các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng?
Công tác truyền thông đã mất rất nhiều công, của, tâm huyết nhưng chưa tiếp cận với người trực tiếp gây ra tai nạn. Bởi lẽ những lái xe khách mỗi ngày “một nắng hai sương” vật lộn trước vô lăng.
Các thông tin ít khi trực tiếp đến với họ, đây là khoảng trống trong công tác tuyên truyền giáo dục.
Cần phải có giải pháp tổ chức tuyên truyền tác dụng trực quan đến người lái. Phải làm cho họ thấy trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của họ để bảo vệ họ, gia đình họ, doanh nghiệp họ và bảo vệ cộng đồng.
2. Siết chặt, phải “chặt” từng khâu trong đào tạo?
Trong đào tạo cấp giấy phép lái xe, cần siết chặt khâu đào tạo và sát hạch lái xe chuyên nghiệp, và từ hạng B2 lên C-D-F-FC.
Khi nâng cấp, phải tổ chức học tập trung các Luật cơ bản: Luật Dân sự, Hình sự, Bảo hiểm, Giao thông đường bộ, các Nghị định Thông tư về quản lý GTVT và Nghị định xử phạt hành chính, tổ chức thi từng phần một một cách nghiêm túc như thi Tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp.
Hội đồng thi cần có cơ quan giám sát như Thanh tra, CSGT, văn phòng UBATGT... Cần quy định thời gian đã lái xe thực tế trước khi cấp giấy phép lái xe có số ghế và tải trọng lớn. Riêng tuổi đời lái xe tải trọng lớn cũng nên xem xét lại cho phù hợp điều khiển xe khách và container.
Siết chặt việc khám sức khỏe: chỉ định Bệnh viện được khám sức khỏe lái xe, riêng thử máu phải có kết quả âm tính với chất gây nghiện.
3. Xây dựng phầm mềm quản lý nhân thân lái xe
Tình trạng lái xe vi phạm hoặc bị thải hồi ở đơn vị này lại được đơn vị khác nhận lại tương đối phổ biến.
Nhà nước nên xây dựng một phần mềm nhận dạng lái xe. Khi một lái xe vi phạm, cấp thẩm quyền tích vào máy lỗi vi phạm, hình thức xử lý để giúp cho các nhà tuyển dụng chọn lọc được những lái xe có phẩm chất tốt, lý lịch rõ ràng.
Trong khi chờ đợi việc đầu tư bằng công nghệ thông tin, Bộ GTVT và Bộ Công an nên phát hành một quyển sổ theo dõi lái xe.
Mỗi lần mắc lỗi bị xử phạt, cơ quan có thẩm quyền ghi vào sổ ký tên đóng dấu. Khi xin nâng cấp giấy phép lái xe, khi xin việc lái xe xuất trình sổ này để đảm bảo tính minh bạch. Cần có chế tài để bảo quản sử dụng..v..v...
4. Lập sổ theo dõi và bảo dưỡng phương tiện
Các doanh nghiệp và chủ phương tiện cần lập sổ để ghi chép: lý lịch phương tiện, nhật ký duy tu, bảo dưỡng giữa 2 lần khám xe định kỳ.
Khi bảo dưỡng cần có xác nhận của cơ sở bảo dưỡng sửa chữa. Khi khám xe cần xuất trình sổ theo dõi, bảo dưỡng phương tiện.
5. Nghiên cứu hạn chế tốc độ xe khách chạy đường dài ban đêm và cấm xe khách chạy qua những đoạn đường ngập lụt, sạt lở.
Lập quy trình quản lý nghiêm ngặt phương tiện, người lái khi xe chạy ban đêm. Quy định trách nhiệm cụ thể quản lý phương tiện và người lái trước khi ký lệnh cho xe xuất bến.
Kiểm soát chặt việc bố trí 2 lái xe thay nhau lái xe chạy đường dài. Trên xe chạy đường dài, chủ xe phải dành chỗ cho lái xe thay nhau nghỉ để khôi phục sức khỏe, tránh ngủ gật.
6. Trước lúc xe lên đèo dốc và nguy hiểm:
Cần bố trí một trạm kiểm tra yêu cầu dừng xe tối thiểu 20 phút để lái xe kiểm tra thiết bị an toàn để giảm nhiệt độ của động cơ và lốp nhằm tránh nổ lốp giữa đèo.
Ảnh minh họa (Nguồn: Giaothongvantai.com) |
Ở những đèo dốc, cần đầu tư xây dựng thêm đường tránh nạn, có biển cảnh báo về tốc độ và báo động nguy hiểm khi xuống dốc, không được vượt trên đèo theo quy định của Luật.
7. Không nên kỳ vọng nhiều vào việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình
Thiết bị GPS là việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý doanh nghiệp vận tải, trên thế giới đã áp dụng từ lâu, một số doanh nghiệp có thương hiệu ở nước ta đã áp dụng có hiệu quả.
Qua màn hình, doanh nghiệp có thể phát hiện được sai phạm của lái xe góp phần nâng cao quản lý phương tiện và người lái.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất là quản lý xe vượt tốc độ thì chỉ đạt ở mức hậu kiểm, chưa có phần mềm tốc độ của hệ thống cầu đường Việt Nam cho từng loại xe qua các đoạn đường.
Thiết bị chỉ báo động khi xe vượt quá tốc độ tối đa cài đặt trên thiết bị, còn khi vượt tốc độ dưới mức tối đa thì không kiểm soát được.
Do đó, cần duy trì các giải pháp bắn tốc độ trên đường, đặt camera giám sát để phạt nguội, tùy theo khả năng của doanh nghiệp cần đề ra giải pháp bổ sung.
Thí dụ, sau một ngày, doanh nghiệp phải thông báo cho các lái xe số lần vượt tốc độ trong ngày.
8. Tổ chức tập huấn 2 năm 1 lần cho lái xe
Theo quy định hiện hành, phụ xe khách từ 29 chỗ trở lên, cứ 2 năm phải tập huấn 1 lần. Chúng tôi cho rằng lái xe phải được tập huấn định kỳ 2 năm 1 lần và phải được cấp giấy chứng nhận đã qua tập huấn.
Các ngành kỹ thuật đều thực hiện điều này: Thí dụ, công nhân ngành hàng không cứ 2 năm phải được tập huấn 1 lần nhằm đảm bảo chất lượng hiệu quả công việc.
Các Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các Hiệp hội vận tải thành lập Trung tâm đào tạo GTVT theo phương thức xã hội hóa để tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản trị của các chủ Doanh nghiệp.
9. Lãnh đạo Sở GTVT phải trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải
Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về quản lý GTVT, các văn bản đó chưa được các Sở GTVT quán triệt đến các Doanh nghiệp vận tải.
Giám đốc Sở GTVT vừa là Phó Chủ tịch UBATGTQG, vừa phải là “Tư lệnh” của các doanh nghiệp vận tải.
10. Bình tĩnh khi đưa ra các giải pháp
Tai nạn giao thông thảm khốc thường xảy ra trong các điều kiện: xe khách và xe tải nặng chạy ban đêm, đèo cao suối sâu,vượt quá tốc độ cho phép, đối đầu, lũ lụt, và đặc biệt là thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến thần kinh lái xe.
Cơ quan Nhà nước nên lấy ý kiến của doanh nghiệp, các lái xe để tự họ đề xuất giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, có như vậy các giải pháp mới đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm của mình khi thi hành công vụ.
(Theo Vietnamnet)
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |