Lý do để Bộ GTVT ban hành “quy định” như trên, được cho là để phục vụ Tập đoàn Sơn Hải sửa chữa QL 5, đoạn từ cảng Đình Vũ tới QL10. Dự án sửa chữa QL5 đang triển khai trong thời điểm lượng phương tiện lưu thông tăng cao, hay xảy ra ùn tắc. Được biết, thời gian áp dụng “quy định”, kể từ sau ngày thông xe đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (5-12) cho đến thời điểm dự kiến sửa chữa xong QL5 là ngày 25-2-2016.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 xe tải các loại ra vào cảng Đình Vũ. Nếu đi theo lộ trình cũ để vào QL5 thì sẽ mất phí từ 80.000-160.000 đồng/lượt, nhưng theo lộ trình mới vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo yêu cầu của Bộ GTVT, thì mỗi xe container sẽ mất khoảng 500.000 đồng/2 lượt đi và về phí cao tốc. Đó còn chưa kể, lộ trình mới sẽ phải di chuyển xa hơn lộ trình cũ khoảng 20km, kéo theo chi phí xăng dầu.
“Ngoài ra, 2 bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Linh đang có hàng trăm DN vận tải, bãi đỗ container, với việc cấm hoàn toàn xe tải từ 15 tấn trở lên lưu thông vào đây gây thiệt hại rất lớn cho các DN. Một quyết định ảnh hưởng đến hàng nghìn DN, lẽ ra Bộ GTVT phải họp, trao đổi ý kiến với đại diện DN, với Sở GTVT địa phương để có phương án tối ưu. Nhưng không hiểu vì sao, Bộ GTVT lại có một quyết định mang tính áp đặt như vậy?”, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng thắc mắc.
Nhiều DN vận tải không đồng thuận với việc bị yêu cầu phải đi vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, để “chia sẻ” khó khăn với đơn vị thi công QL5. Ảnh tư liệu
DN xin miễn phí BOT…
Như vậy, theo lãnh đạo Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, công văn yêu cầu của Bộ GTVT có nội dung nhằm tạo thuận lợi cho 1 đơn vị thi công, nhưng vô tình lại gây khó khăn, thiệt hại rất lớn lên tới cả nghìn tỷ đồng cho hàng nghìn DN vận tải khác.
Được biết, ngày 11-12 vừa qua, Sở GTVT Hải Phòng đã họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đưa ra phương án giải quyết vấn đề theo cách: QL 5 sẽ thi công từng chiều, phân làn cho các phương tiện lưu thông trên chiều còn lại; đồng thời, với những xe tải thuộc diện phải phân luồng đi vào cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng thì sẽ không tính phí chiều về.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Các DN vận tải cũng phải thông cảm với đơn vị thi công vì nếu không cấm đường thì không thể thi công được dự án.
“Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện trước Tết Nguyên đán 2016. Còn khi xe đi vào cao tốc sẽ tiết kiệm thời gian và nhiên liệu vì đường rộng và đẹp hơn, do vậy phải trả phí cao là hợp lý. Không thể có chuyện miễn phí chiều xe về cho các xe chạy vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đường cao tốc là sản phẩm đầu tư theo hình thức BOT, DN đầu tư đường và bán sản phẩm của mình. Phương tiện đã đi vào cao tốc thì phải trả phí theo quy định”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Nhiều điểm bất thường…
Xung quanh vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên cho rằng: Trong bối cảnh việc thu phí đường BOT vẫn còn nhiều vấn đề đang khiến người dân bày tỏ nhiều băn khoăn, và chưa đồng thuận. Thì cơ quan chức năng nên xem xét lại “mệnh lệnh” của mình trong việc yêu cầu DN vận tải phải chia sẻ khó khăn với đơn vị thi công theo kiểu như trên.
Thực tế, việc nâng cấp tu sửa, phát triển hạ tầng giao thông, trong đó xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc là một đòi hỏi của phát triển kinh tế xã hội. Những nước có nền công nghiệp phát triển đều là những nước có hạ tầng giao thông rất tiên tiến, hiện đại.
Tại Việt Nam, những năm do kinh tế xã hội có những bước phát triển tương đối mạnh mẽ nên rất nhiều tuyến đường cao tốc đã được hoàn thiện theo hình thức BOT. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn đối với những dự án giao thông BOT.
“Tôi từng tham dự nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này, và thấy rằng có nhiều ý kiến cho rằng phí đường bộ BOT của Việt Nam cao hơn phí đường cao tốc của nhiều nước khác trên thế giới, ví dụ cụ thể phí BOT của ta hiện cao hơn Thái Lan. Một điểm bất thường nữa là phí BOT của Việt Nam hiện nay cũng cao hơn chi phí nhiên liệu. Theo tính toán cơ cấu giá thành vận tải thì một chiếc xe 4 chỗ đi 1km đường mất khoảng 1.200đ tiền xăng, nhưng phí BOT hiện lại tính 1.500đ/km. Cụ thể, tôi đi xe 4 chỗ từ Hà Nội về Phủ Lý qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quãng đường chỉ khoảng hơn 100 km chi phí tiền xăng hết 126 nghìn, nhưng chi phí cho cầu đường hết 150.000đ - điều này là bất hợp lý (không có nước nào như vậy) vì phí nhiên liệu thường chiếm 40 đến 45% cơ cấu giá thành vận tải, nếu phí đường cao hơn phí nhiên liệu sẽ phá vỡ quy luật cấu thành giá cước vận tải”, ông Bùi Danh Liên nói.
Mặt khác, theo quy định cứ 70km bố trí 1 trạm thu phí, nhưng hiện tại không khó để có thể chỉ ra những tuyến đường “dày đặc” trạm BOT. Ví dụ tuyến QL 14 có tới 7 hoặc 8 trạm BOT; hay một số tuyến đường ở TP HCM nhiều trạm thu phí đã khiến người dân… kêu trời. Hiện tượng thu phí đường này, nhưng lại lập trạm ở đường khác (trạm Nam Hải Vân); hoặc hết thời hạn vẫn thu phí… cũng từng xảy ra.
“Tôi có cảm giác khá băn khoăn trước thực trạng nhiều DN đều rất “say sưa” với các dự án BOT. Phía ngân hàng thì cấp vốn cho các dự án BOT rất nhanh; các DN thì hăng hái tham gia đấu thầu, thậm chí có DN không thuộc chuyên môn làm đường cũng “lao vào” dự án đường giao thông BOT. Việc phê duyệt dự án cũng rất nhanh chóng…”, ông Bùi Danh Liên bày tỏ.
Nâng cấp cải tạo QL 5 là cần thiết bởi đây là dự án sử dụng phí bảo trì đường bộ theo quy định. Và việc khai thông tuyến cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng cũng nhằm giảm mật độ giao thông qua đường QL5. Tuy nhiên trong vấn đề này, ông Bùi Danh Liên cũng chỉ ra rằng, có những điều rất bất thường, cụ thể như sau:
“Thứ nhất, Bộ GTVT cũng vừa cho tăng thêm 13 nốt xe chạy từ Hải Phòng đi Yên Nghĩa đã làm mật độ giao thông tại QL5 tăng lên. Trong khi, Bộ GTVT và các Sở GTVT Hà Nội; Hải Phòng, “tốn” rất nhiều thời gian “lo” giảm mật độ phương tiện tại QL5, mà vẫn tăng thêm 13 nốt xe mới là điều… rất khó hiểu.
Thứ hai, việc thi công đường cần phải tính toán tổ chức để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân và DN, lẽ ra cần phải phân luồng thi công từng phần, thì lại ra văn bản cấm đường cũng không hợp lý, khó nhận được sự đồng thuận của người dân”, ông Bùi Danh Liên nói.
Lật lại vấn đề thì có thể thấy, nếu không có tuyến đường cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng, thì đơn vị thi công đương nhiên phải khắc phục khó khăn thi công từng phần. Do vậy, Bộ GTVT không thể ra văn bản cấm đường như thế được. Rõ ràng phí làm đường do người dân đóng góp, việc thi công đường đương nhiên người dân cũng đã chia sẻ, khi phải cam chịu tắc đường, hít khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, tốn kém thời gian, tổn hại sức khỏe… suốt thời gian thi công. Thế nên trong việc thi công QL5 hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng đặt ra vấn đề người dân cần “chia sẻ” khó khăn cũng là… không cần thiết.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. “Tôi thấy rằng, mỗi khi người dân kêu phí BOT cao, thì có ý kiến lại cho rằng, người dân có quyền “lựa chọn” đi đường khác, mà không cần qua cao tốc nữa - nói như thế là không ổn. Vì lẽ, cũng giống với việc chúng ta không thể nói rằng lương không đủ sống thì người dân có quyền “lựa chọn”… không sống nữa. Hoặc, tiền thuê nhà cao quá thì người dân có thể “lựa chọn” ra bờ đê… ở cho mát. Kiểu nói như vậy, sẽ không nhận được nhiều sự đồng thuận trong xã hội.” |
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |