PHÓNG VIÊN: - Từ đầu năm 2014 đến nay Công ty Uber, Công ty GrapTaxi tận dụng xe nhàn rỗi (9 chỗ ngồi trở xuống) của các cá nhân, tổ chức để kinh doanh vận tải hành khách dạng taxi nên dư luận đã có những nhận định trái chiều. Với tư cách là luật sư, theo ông Uber và GrapTaxi có đáp ứng được các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi?
Luật sư THÁI VĂN CHUNG: - Công ty Uber có trụ sở tại Hà Lan, còn Uber Việt Nam là đơn vị kinh doanh về công nghệ, cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý tiếp thị, nghiên cứu thị trường… nên không được cấp phép kinh doanh vận tải nói chung và vận tải hành khách bằng taxi nói riêng tại Việt Nam theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, cũng như Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7-11-2014 về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Với Công ty Grabtaxi có đăng ký kinh doanh vận tải hành khách tại TPHCM vào tháng 2-2014. Tuy nhiên, sau đó ngoài việc hoạt động taxi theo giấy phép Grabtaxi cũng thông qua phần mềm của mình để hoạt động vận tải hành khách dưới dạng “taxi trá hình” thông qua sản phẩm có tên là GrabCar (Grab giá rẻ).
Như vậy có thể khẳng định Công ty Uber và Công ty GrapTaxi thông qua phần mềm của mình kết nối, huy động xe nhàn rỗi của các cá nhân, tổ chức để hoạt động vận chuyển hành khách bằng taxi là hoàn toàn trái phép, không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh vận tải bằng taxi theo quy định của pháp luật.
- Nhưng Tổng giám đốc GrapTaxi có trả lời trên báo chí GrabCar đã chính thức được Chính phủ chấp thuận cho hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và TPHCM?
- Tôi khẳng định GrapTaxi trả lời như trên là hoàn toàn không đúng sự thật, vì Chính phủ chưa có văn bản nào chấp thuận cho GrabCar hoạt động tại Việt Nam nói chung và tại 5 địa phương trên nói riêng. Thưc ra ngày 19-10-2015, Chính phủ có Văn bản 1850/TTg-KTN gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với nội dung đồng ý giao “Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 tỉnh thành nói trên”.
Văn bản này xác định tất cả các loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, kể cả taxi đang hoạt động đúng pháp luật, được triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách, chứ không chấp thuận riêng cho Uber hay GrabCar thí điểm.
- Khách hàng đi xe của Uber và GrapCar (không phải GrapTaxi) có nhận xét là tiện lợi, rẻ… đồng thời mang lại lợi ích cho lái xe, chủ xe nhàn rỗi. Ông bình luận thế nào về những nhận xét nói trên?
Taxi trá hình giả dạng taxi kinh doanh chính hãng, như không lắp đặt bảng hiệu taxi, không có phù hiệu xe taxi, không lắp đồng hồ tính cước, không kê khai giá cước, không ghi tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải, không lắp thiết bị giám sát hành trình, không ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho người lái xe… |
- Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận tải hành khách nói chung và vận tải taxi nói riêng là xu thế tất yếu của thế giới cũng như Việt Nam. Mục đích của việc ứng dụng này để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ yêu cầu đi lại của hành khách ngày càng tốt hơn.
Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận giao Bộ GTVT cho các DN thí điểm, trong đó có Uber và GrapCar (của GrapTaxi) chưa được phép vận chuyển hành khách bằng taxi (không đủ điều kiện kinh doanh, không đầu tư xe, không đóng phí…).
Tuy nhiên, 2 đơn vị này tận dụng xe nhàn rỗi để hoạt động taxi là trái phép, đồng thời áp dụng các “chiêu trò” như khuyến mại “siêu giảm giá”, “siêu rẻ”, “trợ giá” cho lái xe và chủ xe; chi hoa hồng cho lái xe, chủ xe và người giới thiệu… là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mục đích của họ là chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vận chuyển hành khách bằng taxi tại Việt Nam, từng bước đẩy các DN taxi chính thống đang hoạt động kinh doanh đúng pháp luật mất dần thị phần và cuối cùng là phá sản.
Đối với người tiêu dùng đúng là có lợi. Song khi các tổ chức cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng đang hoạt động kinh doanh trái phép, quyền và lợi ích hợp pháp của lái xe, chủ xe và người đi xe không được bảo đảm; đáng chú ý loại “taxi trá hình” này dễ bị bọn tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản… của hành khách; nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự của các địa phương và cả nước.
- Ông có thể nói rõ hơn về vần đề này?
- Tôi lấy thí dụ: giả sử bọn tội phạm sử dụng xe cá nhân với biển số giả rồi đăng ký tải phần mềm kết nối của Grabtaxi hoặc Uber, sau đó theo dõi lừa đón khách hàng có nhu cầu vận chuyển. Khi khách hàng lên xe chúng khóa cửa lại, sử dụng vũ lực để khống chế nạn nhân, đưa xe đến địa điểm vắng người để thực hiện hành vi hiếp dâm, cướp tài sản… thì quyền lợi hợp pháp của khách hàng đó được giải quyết như thế nào? Cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này?
Thực tế gần 2 năm qua, Công ty Uber đã thông qua phần mềm của mình điều hành toàn bộ hoạt động “taxi trá hình” bằng các hình thức được gọi là “Điều khoản về đối tác”, “Điều khoản sử dụng”, “Thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ” giữa Uber với các chủ xe, lái xe, các doanh nghiệp, người sử dụng…
Tất cả nội dung của điều khoản thỏa thuận mà Uber soạn thảo, ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đều ghi “…các điều khoản được điều chỉnh và hiểu theo pháp luật Hà Lan…, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại sẽ được đệ trình và xử lý tại tòa án có thẩm quyền tại Amsterdam, Hà Lan…”. Như vậy, Công ty Uber đẩy tất cả trách nhiệm và toàn bộ rủi ro cho các tổ chức, cá nhân “hợp tác” với Uber.
- Theo ông các cơ quan quản lý nhà nước cần phải giải quyết vấn đề Uber, GrabCar như thế nào?
- Vận tải hành khách nói chung và vận tải hành khách bằng taxi nói riêng thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, Công ty Uber và GrapCar không đáp ứng được các điều kiện do Nhà nước quy định thì không được phép hoạt động.
Theo tôi được biết, chỉ tính từ 23-7-2015 đến 30-10-2015 (hơn 3 tháng), các cơ quan chức năng tại TPHCM đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt 183 xe của Công ty Grabtaxi hoạt động “taxi trá hình”, trong đó có 15 xe bị xử phạt lần thứ 2, 1 xe bị xử phạt lần thứ 3; tiến hành xử phạt 187 xe của các tổ chức, cá nhân “hợp tác” với Công ty Uber, trong đó có 30 xe bị xử phạt lần thứ 2, 4 xe bị xử phạt lần thứ 3.
Như vậy, mặc dù Uber, GrabCar đã vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định của pháp luật, cũng đã bị xử phạt rất nhiều, nhưng hoạt động “taxi trá hình” của họ vẫn diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng tăng. Vì vậy Hiệp hội Taxi TPHCM kiến nghị Chính phủ cấm 2 công ty này hoạt động “taxi trá hình” là hoàn toàn đúng pháp luật.
- Xin cảm ơn ông.
( Theo saigondautu.com.vn )