Nghị định 171 sửa đổi nâng mức xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ lên gấp 5 đến 10 mức hiện hành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc nhiều lần tăng mức xử phạt đối với người có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, quan điểm của tôi đầu tiên là phải tuyên truyền, để hình thành cho người dân ý thức tuân thủ luật pháp thường trực và hiểu rằng khi vi phạm dứt khoát bị xử phạt.
Suốt 3 năm qua đến hiện tại, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, các phương tiện truyền thông ngày nào cũng dành nhiều diện tích và thời lượng để tuyên truyền. Lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra kiểm soát nhắc nhở và xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên tình hình TNGT giao thông vẫn còn những diễn biến phức tạp, ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn hạn chế.
Cụ thể những “hiện tượng” như thế nào mà ông cho là tình hình giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp?
Thống kê của UBATGT quốc gia, 8 tháng đầu năm 2015 cả nước đã xảy ra 14.622 vụ TNGT, cướp đi sinh mạng của 5.821 người dân, làm bị thương 13.234 người. Bình quân hiện nay mỗi ngày có khoảng 25 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương vì TNGT.
Hiện tượng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển phương tiện giao thông… diễn ra phổ biến. Những lỗi vi phạm này đều thuộc về ý thức, mà đến thời điểm hiện nay nếu vẫn cứ dùng giải pháp tuyên truyền thì không phù hợp nữa, vì sẽ cho kết quả không cao. Để hình thành cho người dân có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ một cách thường trực, đã đến lúc cần phải có biện pháp cứng rắn và nghiêm khắc hơn.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Dù thu nhập thấp hay thu nhập cao cũng đều phải có ý thức chấp hành tốt những quy định của pháp luật. Không thể viện lý do vì thu nhập thấp mà lại có thể được giảm nhẹ mức phạt”.
Có ý kiến lo ngại tăng mức xử phạt sẽ không khả thi do thu nhập người dân còn thấp, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Trước đây có ý kiến đề xuất tịch thu xe máy, nhưng đến thời điểm hiện nay chúng tôi vẫn giữ quan điểm không đồng ý với việc tịch thu phương tiện vi phạm (Vì việc này là trái các quy định của pháp luật, hơn nữa thu phương tiện thì việc trông giữ, bảo quản xử lý cũng rất phức tạp, thậm chí còn làm hư hỏng phương tiện gây lãng phí…).
Nhưng việc nâng mức xử phạt lên 5 đến 10 lần mức phạt hiện hành tôi hoàn toàn ủng hộ. Đây cũng là kinh nghiệm quản lý giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới. Mức phạt này tôi cho là khả thi phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Bởi lẽ so với cách đây 5 hoặc 7 năm mức sống của người dân hiện đã được cải thiện đáng kể. Hơn nữa, xuất phát từ tình hình thực tế việc áp dụng mức phạt này tuy có thể cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, nhưng để đảm bảo tính răn đe, tôi cho là cần thiết.
Ở đây là vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, nên dù thu nhập thấp hay thu nhập cao cũng đều phải có ý thức chấp hành tốt những quy định của pháp luật. Không thể viện lý do vì thu nhập thấp mà lại có thể được giảm nhẹ mức phạt.
Theo ông việc tăng mức xử phạt trong điều kiện hiện nay cần phải lưu ý vấn đề gì?
Chỉ có thể xem xét tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ dựa trên những căn cứ mức độ vi phạm của người dân. Đối với những trường hợp cố tình, đương nhiên phải xử phạt nặng. Nhưng những trường hợp sơ ý phạm lỗi thì có thể xem xét giảm nhẹ, ví dụ trường hợp đi xe BKS ngoại tỉnh về Hà Nội do không thông thạo đường sá mà phạm lỗi đi nhầm đường thì có thể nhắc nhở hướng dẫn người dân đi đúng đường, chứ không nên phạt nặng.
Kết hợp tăng mức xử phạt với việc áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi giám sát lực lượng chức năng; áp dụng các hình thức phạt nguội; cải cách thủ tục để người nộp phạt được nhanh chóng, tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng Luật Giao thông đường bộ cho trẻ em ngay tại các trường học, để hình thành một thế hệ công dân tương lai có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ…
Trong hoàn cảnh hiện nay tại sao lại tăng mức xử phạt vi phạm giao thông thưa ông?
Bởi vì về bản chất giải pháp xử lý vi phạm (dù ở mức độ nào) cũng mang tính giáo dục và là một khâu trong quá trình giáo dục công dân. Trong giáo dục, không có gì dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo bằng những bài học, từ những tình huống cụ thể.
Ví dụ ở Singapore nơi nổi tiếng thế giới về các quy định pháp luật rõ ràng và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, bất kể người vi phạm là ai, đến từ đâu, nếu có hành vi vứt một mẩu rác không đúng nơi quy định, ngay lập tức sẽ bị phạt rất nặng. Nếu chống đối không nộp phạt thì bị “cưỡng chế” đưa ra tòa án và… nộp phạt cao hơn nữa. Cách giải quyết vấn đề một cách kiên quyết và rõ ràng như vậy đã khiến người Singapore là những công dân có ý thức tuân thủ pháp luật rất triệt để.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sỹ Hào(Báo điện tử Pháp luật&Xã hội)