ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG TUYẾN XE BUÝT KHÔNG CẦN TRỢ GIÁ: GIẢM GÁNH NẶNG NGÂN SÁCH, TĂNG NĂNG LỰC VẬN TẢI PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN

Cập nhật lúc: 01:57 | 23/06/2015

 Hiệp hộI Vận tải Hà Nội vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng, đề xuất ý tưởng xây dựng xe buýt nội đô không trợ giá, để giảm bớt gánh nặng ngân sách và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

 

Đề xuất xây dựng xe buýt nội đô không cần trợ giá…

 Nội dung Công văn số 09/2015/HH – CV gửi các cơ quan chức năng, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Để giảm bớt gánh nặng ngân sách trợ giá của TP cho xe buýt nội đô, kết nối giữa các bến xe khách, đáp ứng tập quán của người dân Việt Nam khi đi lại thường mang theo hành lý, hàng hóa và thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa loại hình xe buýt. Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội có ý tưởng nghiên cứu xây dựng phương án thí điểm tổ chức các tuyến xe buýt nội đô không cần trợ giá, với nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, nếu được chấp thuận cho làm, DN vận tải tự hạch toán, tự cân đối chi phí không cần hưởng trợ giá của TP.

Thứ hai, các tuyến buýt này kết nối giữa các bến xe khách trong nội thành với nhau, hành khách được mang theo hành lý, hàng hóa (miễn cước hành lý xách tay), có khoang chứa hành lý hàng hóa.

Thứ ba, hành trình cơ bản theo một số tuyến nội đô hiện có, chạy lệch giờ hoặc điều chỉnh chút ít cho phù hợp với hạ tầng hiện có, được sử dụng hạ tầng phục vụ xe buýt nội đô theo quy định của TP.

Thứ tư, đối tượng tham gia: Các HTX vận tải và các doanh nghiệp vận tải đã có kinh nghiệm quản lý, điều hành vận tải trên địa bàn Hà Nội, ưu tiên kinh tế tập thể.

Để ý tưởng này có thể trở thành hiện thực, trước mắt Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị các cơ quan thẩm quyền đánh giá ý tưởng trên, có ý kiến đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh lại quy định về quản lý xe buýt. Sau khi được phép, bước tiếp theo Hiệp hội sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng đề án trình Sở GTVT, UBND TP xem xét. 

Với xe buýt không cần trợ giá (nếu được triển khai thực hiện) thì ngay cả những hành khách mang theo hành lý cồng kềnh cũng được phục vụ.     Ảnh minh họa

Các loại hình xe buýt hiện nay…

Quan sát tại các bến xe ở Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, điều dễ nhận thấy là phần nhiều hành khách (đến và đi) đều “tay xách nách mang” hành lý. Đặc biệt, vào những dịp lễ Tết, thì hành lý của hành khách lại càng cồng kềnh. Trong khi đó, một trong những “điều kiện” để được đi xe buýt, tiết kiệm chi phí là “hành khách không được mang hành lý cồng kềnh lên xe”.  

 Thực tế, hiện tại xe buýt tại Hà Nội đang tồn tại hai loại hình gồm xe buýt nội đô và xe buýt liền kề - Hà Nội đi về các tỉnh lận cận Bắc Ninh; Phủ Lý; Hưng Yên… trong vòng 70km trở lại. Thực hiện chủ trương khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân, TP Hà Nội cũng trích một khoản ngân sách trợ giá cho các tuyến buýt nội đô, ví dụ năm 2013 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Còn xe buýt liền kề đi các tuyến lân cận TP, không được trợ giá, nhưng DN được xây dựng giá cước kinh doanh. Hiện tại xe buýt nội đô của HN có khoảng hơn 100 tuyến, và khoảng 1.400 xe tính cả xe buýt liền kề. Cả hai loại hình xe buýt này đều không có điều kiện phục vụ những hành khách mang theo hành lý cồng kềnh.

 Tại bến xe Giáp Bát, một nữ hành khách khoảng chừng hơn 50 tuổi, dáng vẻ quê mùa tỏ ra khá mỏi mệt sau hành trình dài. Hành khách này ngoài túi hành lý đựng quần áo khoác trên vai, còn lễ mễ ôm theo một bao tải bước lên chiếc xe buýt, đang chờ xuất bến. Nhưng bị nhân viên nhà xe chặn lại dõng dạc cất lời: Mời bác xuống xe, vì hành khách đi xe buýt không được mang theo hành lý cồng kềnh. Một số hành khách khác với hành lý tương tự, thấy sự việc đành ngậm ngùi nhìn xe buýt xuất bến.  

Giữa trời nắng gắt, trao đổi với PV báo PL&XH nữ hành khách nói trên cho biết, bà vừa thực hiện hành trình 160km từ Thanh Hóa ra Hà Nội thăm con gái và cháu ngoại. “Những thứ trong bao tải này, gồm một ít rau, một ít gạo… tôi cũng không dám đem nhiều vì sức khỏe có hạn. Do con gái có việc bận không kịp ra đón, nên cháu bảo tôi đến bến Giáp Bát thì lên xe buýt này là về đến gần nhà, có biết đâu là họ không chấp nhận hành lý cồng kềnh” – nữ hành khách này buồn rầu nói. 

Vậy là hành khách này đành phải chấp nhận đi xe ôm về khu vực Cầu Giấy, với mức giá gần 100.000đ, so với 7 nghìn đồng/chặng xe buýt nội đô, để hoàn tất hành trình thăm con cháu. 

Giảm gánh nặng cho ngân sách, phục vụ hành khách tốt hơn

 Trao đổi với PV báo PL&XH về lý do đưa ra ý tưởng đề xuất thực hiện xe buýt nội đô không cần trợ giá, mà vẫn có thể phục vụ được các hành khách mang theo hành lý cồng kềnh, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết:   

“Xét thấy Chính phủ có chủ trương xã hội hóa xe buýt kêu gọi các DN đầu tư phát triển loại hình vận tải công cộng này, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Các DN nếu tham gia cũng được hưởng một số chính sách ưu đãi như miễn thuế thuê đất, miễn thuế nhập khẩu phương tiện, phụ tùng…

 Thế nên đề xuất của Hiệp hội Vận tải HN xây dựng tuyến xe buýt nội đô không cần trợ giá nhằm giảm việc bù lỗ cho xe buýt nội đô, mà vẫn đảm bảo giá cước như TP quy định đối với các tuyến buýt nội đô.”  

 Thực tế, thói quen di chuyển của người dân Việt Nam là thường đem theo hàng hóa và hành lý cồng kềnh. Trong khi đó xe buýt nội đô và xe buýt liền kề đi về các địa phương lân cận Hà Nội đều không cho mang hành hóa hành lý cồng kềnh lên xe, nên nhiều hành khách buộc phải chấp nhận tốn kém thêm chi phí khi tìm phương tiện khác như xe ôm, taxi, hoặc xe khách để thực hiện hành trình.  

 Theo ông Bùi Danh Liên, các tiêu chí của loại hình xe buýt không cần trợ giá như ý tưởng đề xuất, nếu được cho phép triển khai thực hiện cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn xe buýt. Cùng lúc đạt nhiều mục tiêu, kêu gọi được xã hội hóa; giảm được gánh nặng cho ngân sách; nâng cao năng lực vận tải hành khách trong nội đô; phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; góp phần giảm ùn tắc giao thông.  

 “Điểm khác biệt với xe buýt thông thường, đó là xe không cần trợ giá theo đề xuất trên được thiết kế khoang hành lý riêng. Mặt khác nếu xe buýt thông thường chỉ 30% hành khách có ghế ngồi, còn 70% phải đứng thì xe buýt không cần trợ giá sẽ đảm bảo 100% hành khách lên xe đều có chỗ ngồi, chứ không phải đứng. Vì hành lý cồng kềnh có khoang riêng để chứa, còn hành lý gọn nhẹ hành khách có thể xách tay lên xe” – ông Bùi Danh Liên nói. 

 Được biết, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc xin được mở thêm 3 tuyến xe buýt kết nối sân bay Nội Bài về nội đô – không trợ giá. Nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách đi máy bay khi đáp xuống sân bay, với hành lý cồng kềnh thay vì di chuyển bằng taxi có thể tiết kiệm chi phí khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển vào nội đô.

Theo ông Bùi Danh Liên: “Ý tưởng xây dựng xe buýt không cần trợ giá của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, rất khả thi. Vì thực tế qua khảo sát lấy ý kiến từ các thành viên HTX, rất nhiều thành viên đều cho biết, sẵn sàng đầu tư phương tiện tham gia, chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong việc xây dựng tuyến buýt không cần trợ giá này. Nếu ý tưởng được cho phép thực hiện sẽ có nhiều DN vận tải xin tham gia.

Về phương tiện cũng không có gì khó khăn phức tạp trong việc bố trí khoang hành lý riêng phục vụ hành khách. Như vậy là Nhà nước có lợi khi giảm được gánh nặng ngân sách phải trợ giá bù lỗ cho xe buýt hiện tại, mà lại có thể nâng cao năng lực phục vụ hành khách, kể cả hàng hóa cồng kềnh hành khách cũng có thể lên xe, chứ không bị từ chối phục vụ. Trong khi cũng vẫn đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.

 

( Theo PL&XH )

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 131
Lượng người truy cập:: 106.382.897