Trao đổi liên quan tới vấn đề phí của các trạm BOT, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng cần phải giải quyết được bài toán thu phí theo hướng thuận lợi nhất cho cả DN và người dân. Chưa bàn đến mức phí, chỉ riêng cách thức thu phí, ông cho là đã có vấn đề cần xử lý.
“Một đoạn đường 100km chẳng hạn, do đặc thù các nhà đầu tư không đủ sức để làm cả 100km, nên bị chia thành 2 - 3 trạm, thậm chí là đến 5 trạm. Như tuyến Thái Bình - Hà Nội dài 100km mà có tới 4 điểm thu phí, cá nhân tôi thấy cần phải xử lý sao cho hợp lý vấn đề này” - Bộ trưởng Nghĩa cho biết.
Ông cho hay sẽ áp dụng phương thức quản trị quốc gia đối với ngành giao thông và với câu chuyện thu phí BOT, Bộ sẽ xem xét rà soát lại để vẫn đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư mà không đẩy khó cho người dân.
Trước đó ngày 12.4, bên lề Hội nghị sơ kết quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận thực tế trên cùng một tuyến đường có thực tế một số trạm thu phí không đảm bảo quy định phải cách nhau 70km. Lý do các trạm này không tìm được vị trí đặt đảm bảo cách nhau đúng 70km, vì nếu đặt vào đúng khoảng cách 70km sẽ vào khu đô thị, gây khó khăn hơn cho người dân và DN.
Ông cho biết Bộ đã tiến hành di dời, bố trí phù hợp một số trạm và trong thời gian sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo các trạm thu phí trên toàn quốc được đặt theo đúng quy định.
Liên quan đến thực tế nhiều nhà đầu tư xin tăng phí trong khi nhiều tỉnh xin giảm phí qua trạm thu phí, Thứ trưởng Trường cho biết trong quá trình xây dựng các dự án BOT, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đã duyệt phương án tài chính của các dự án. Trong đó, có lộ trình tăng giảm phí và lộ trình để hoàn vốn, đảm bảo 3 lợi ích của nhà đầu tư, người dân và các ngân hàng cho vay vốn.
Tuy nhiên, phần nhiều các trạm BOT xây dựng vào giai đoạn 2011-2015, theo lộ trình tăng phí thì cứ sau 3 năm xem xét một lần, nên tới nay giai đoạn này nhiều dự án đã tiến hành tăng phí theo lộ trình đã được duyệt trước đó trong phương án tài chính của dự án.
Theo thứ trưởng Trường, để giải quyết các vấn đề, Bộ GTVT đã xem xét tổng thể các dự án để đưa ra được lộ trình tăng phí phù hợp. Mức 35.000 đồng/xe hiện đang áp dụng hầu hết các trạm trên tuyến quốc lộ, trừ các trạm cao tốc. Với mức này Bộ GTVT đã tính toán tới tất cả các yếu tố đầu vào - đầu ra, đồng thời đảm bảo được vấn đề đi lại của người dân và để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bộ cũng đã yêu cầu các trạm BOT tăng cường bán vé tháng với mức có thể giảm 15 - 20% so với giá bình thường. Đặc biệt, người dân ở khu vực quanh các trạm thu phí thì lại giảm tiếp trong vé tháng đó, ví dụ như một số trạm ở Hoà Bình, cầu Hạc Trì - Phú Thọ.
Tất cả các trạm thu phí có 2 loại. Một là các trạm thu phí trên tuyến cao tốc thì thực hiện thu phí trên km và mức trần mà Bộ Tài chính cho phép, hiện nay cao nhất là 2.000 đồng/km. Vừa rồi các tuyến đường cao tốc đang thu ở mức 1.000, 1.200, 1.500 đồng/km, nay một số trạm đã đề xuất tăng lên 2.000 đồng/km.
Mức phí này đã áp dụng tại một số trạm như ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ. Với trạm Cầu Giẽ - Ninh Bình, TCty Đường cao tốc VN (VEC) cũng đã đề xuất nhưng Bộ GTVT đang xem xét và về thời điểm cho áp dụng. Theo đó chưa áp dụng trước ngày 30.6, nhưng có thể đến cuối năm 2016 sẽ áp dụng.
Liên quan tới tình trạng người dân chặn đường phản đối tăng phí ở nhiều nơi, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng người dân và doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Nhà nước phải kêu gọi nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Thời gian tới, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh giá thu phí sao cho phù hợp sức chịu đựng của nền kinh tế.
( Theo Lao động )