Doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi rất nhiều từ tính minh bạch
của Thông tư mới. Ảnh: Khánh Linh
Thông tư mới về quản lý kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT ban hành đã thể hiện tinh thần tháo gỡ khó khăn, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp. Quản lý nhà nước được tăng cường theo hướng công khai, minh bạch, siết chặt tổ chức vận tải, giám sát an toàn. Đa số các doanh nghiệp vận tải đều mong sớm đến thời hạn Thông tư có hiệu lực.
Không còn “vỡ trận” bến xe?
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 18 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013, thay thế Thông tư 14 và 24 trước đó có nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (ĐBVN) cho biết: Thông tư đã có bước đi lớn nhằm tăng cường quản lý nhà nước về vận tải ô tô theo hướng tăng tính minh bạch, trách nhiệm của từng cấp quản lý Nhà nước.
Trong đó, đáng lưu ý là 2 điều khoản lớn quy định về Niêm yết công khai và Quy hoạch mạng lưới tuyến. Do công khai biểu đồ chạy xe tại bến và Sở GTVT, doanh nghiệp được tự quyết định giờ xe xuất bến, chỉ cần đăng ký với Sở GTVT và bến xe, không còn bị lệ thuộc vào quyết định của Sở GTVT và bến xe như trước.
Quy định về Niêm yết cũng yêu cầu công khai trên trang thông tin điện tử của Sở GTVT: Danh sách tuyến theo quy hoạch (sau khi đã công bố quy hoạch); danh sách tuyến đang khai thác; tổng số chuyến xe/tuyến; danh sách xe đăng ký kinh doanh trên từng tuyến; giá vé trên tuyến; số điện thoại đường dây nóng của Sở GTVT. Niêm yết tại bến xe: Lịch xe xuất bến của tất cả các chuyến xe, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải. Niêm yết tại quầy bán vé: Lịch xe xuất bến của từng chuyến xe trên tuyến với các thông tin cơ bản như hành trình, giá vé...
Trước ngày 31/12/2014, Bộ GTVT phải phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.
7 năm thay cho 12 tháng
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp còn được hưởng lợi gì khi áp dụng quy định mới này, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: “Thông tư mới được xây dựng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, là tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ thủ tục phiền toái lâu nay làm khổ doanh nghiệp, để giảm tối thiểu những phát sinh chi phí không đáng có, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và đảm bảo ATGT”.
Điển hình là việc xe khách tuyến cố định được đón trả khách tại các điểm đón trả khách dọc đường do UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, đảm bảo ATGT, an ninh trật tự và vệ sinh.
Thay vì quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định phải có sổ nhật trình, nay quy định mới chỉ yêu cầu có lệnh vận chuyển. Lệnh vận chuyển cấp cho từng chuyến xe và do doanh nghiệp, HTX tự in theo mẫu quy định.
Một điểm mới đáng chú ý của Thông tư là phù hiệu chạy xe, thay vì cứ 12 tháng doanh nghiệp phải đi xin cấp lại một lần như trước, nay được cấp theo thời hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải, tối đa lên tới 7 năm.
Thông tư mới cũng bỏ quy định doanh nghiệp phải có phương tiện rồi mới được đăng ký vào khai thác tuyến vận tải. Quy định mới cho phép sau khi được chấp thuận tham gia tuyến vận tải, trong vòng 60 ngày sau đó, doanh nghiệp mới phải hoàn tất việc đầu tư, đăng ký phương tiện.
Theo ông Hùng, những quy định này đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt rất nhiều khâu “xin - cho” vốn lâu nay bị doanh nghiệp phản ánh là có tiêu cực, mất thời gian và tốn kém tiền bạc.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu: “Tôi đánh giá lần này Bộ GTVT đã rất tích cực sửa đổi Thông tư, tháo gỡ được nhiều vấn đề lâu nay gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp”.