Lý giải cho kiến nghị này, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng nguyên nhân của tình trạng mất trật tự giao thông ở khu vực Bến xe Mỹ Đình không phải do bến xe quá tải. Nguyên nhân chính là do trong những năm qua chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đất đai xung quanh khu vực bến, để phát sinh các “bến cóc” tràn lan, từ đó “xe dù” hoạt động ngày càng công khai mà không ngăn chặn nổi.
Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng không xử lý triệt để, tình trạng xe đón trả khách ngoài bến đã gây ùn tắc giao thông trước bến xe vào những ngày cao điểm. Cũng theo VATA, dù chưa điều chuyển xe nào đi bến khác, nhưng khi được các cơ quan chức năng quan tâm, khu vực bến xe Mỹ Đình hiện đã trật tự hơn nhiều.
Tuy vậy, để lập lại trật tự và ổn định khu vực bến xe Mỹ Đình, VATA kiến nghị UBND Tp. Hà Nôị chỉ đạo đổi mới tổ chức quản lý điều hành tại bến xe khoa học, linh hoạt, tăng tần xuất xe xuất bến. Rà soát và cắt giảm những “nốt” xe ít khách khi xuất bến, bởi vì chính những xe này sau khi xuất bến còn tiếp tục chạy loanh quanh đón khách ngoài bến.
Đặc biệt, VATA cũng kiến nghị UBND Tp. Hà Nội kiên quyết giải toả ngay các “bến cóc” hình thành xung quanh khu vực này. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý triệt để xe đón - trả khách trên đường Phạm Hùng; kiên quyết xử lý những xe phải chạy trên cầu cạn vành đai 3 mà chạy bắt khách dọc phố.
“Không tổ chức “chiến dịch” điều chuyển xe đi bến khác trong khi chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân, sẽ gây ra đảo lộn kinh doanh của doanh nghiệp, gây trở ngại cho hành khách vì các tuyến xe buýt kết nối các bến xe chưa được tổ chức đầy đủ. Phương án điều chuyển số lượng lớn các tuyến vận tải khách cố định từ bến xe Mỹ Đình tới các bến xe khác theo phạm vi địa lý của hướng tuyến sẽ làm tăng nhu cầu giao thông nội đô, gây lãng phí về thời gian và công sức của hành khách”, kiến nghị của VATA nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch VATA còn cho biết: Sở GTVT Hà Nội thông báo kế hoạch mỗi lần lại công bố một số lượng xe khác nhau phải chuyển từ bến Mỹ Đình đến bến khác là chưa nghiên cứu thận trọng, cho nên chưa được sự ủng hộ của xã hội.
Theo ông Thanh, trật tự giao thông và trật tự đô thị khu vực bến xe Mỹ Đình sẽ được lập lại nếu kiên quyết thực hiện những kiến nghị nêu trên.
Cùng với việc kiến nghị dừng “giảm tải” bến xe Mỹ Đình, VATA cũng kiến nghị UBND Tp.Hà Nội khẩn trương quy hoạch đầu tư xây dựng các bến xe. Theo VATA, tại các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành phố đều có bến xe để người dân có nhu cầu đi xe liên tỉnh, có thể đến bến xe gần nhất để đi, mà không cần di chuyển xuyên qua thành phố. Hệ thống bến xe này phải được nối với nhau bằng đường vành đai và tại từng bến đều có xe đi nhiều tuyến theo nhiều hướng khác nhau.
“Hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của các đơn vị vận tải ô tô rất khó khăn, phải “gồng mình” để tồn tại. Mỗi quyết định của cơ quan quản lý nhà nước không đúng đắn, sẽ đẩy đơn vị vận tải càng khốn khó thêm, có thể bị phá sản là hiện thực”, ông Thanh nói.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 1046 về việc rà soát, sắp xếp, điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, riêng đợt 1 sẽ chuyển 352 xe từ bến Mỹ Đình đến các bến xe khác, trong đó, chuyển toàn bộ 52 xe (45 nốt) của các đơn vị vận tải có thỏa thuận hoạt động tại bến xe Mỹ Đình sau ngày 14/10/2009 sang bến xe Yên Nghĩa. Chuyển toàn bộ 91 xe tuyến Mỹ Đình đi Hòa Bình, 78 xe đi hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An về bến xe Yên Nghĩa.
Ngoài ra, 61 xe tuyến Thái Nguyên được chuyển về bến xe tạm Nam Thăng Long. Đồng thời, 70 xe chạy tuyến Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Ninh… hoạt động không hiệu quả cũng bị cắt “nốt”.
Theo kế hoạch, việc tổ chức điều chuyển, cắt “nốt” đợt 1 sẽ tiến hành xong trước ngày 15/8.
( Theo vovgiaothong.vn )