GIẢI MÃ NGUYÊN NHÂN NHIỀU TAI NẠN XE KHÁCH KINH HOÀNG SAU TẾT
Cập nhật lúc: 02:09 | 23/02/2014
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn xe khách khiến hàng nhiều thương vong có nguyên từ đâu?
Vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng khiến hàng chục người thương vong.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, qua phân tích, 100% các vụ xảy ra ở QL1 thuộc tuyến đường miền Trung và phần nhiều từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận, gần nhất là vụ tại Hà Tĩnh. Thời điểm xảy ra tai nạn vào khoảng 5 - 6h sáng, một số vụ vào giữa đêm.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội
PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội xung quanh vấn đề này.
- Ông nhìn nhận như thế nào về các vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây?
Trước dịp Tết 2014, Thủ tướng chính phủ, Bộ giao thông vận tải, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc nâng cao dịch vụ vận tải hành khách, phục vụ người dân đi lại trong dịp tết Nguyên Đán.
Bên cạnh đó, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cũng đã lập đường dây nóng để người dân có điều kiện phản ánh các tình trạng giao thông lên cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, những ngày sau dịp Tết Nguyên đán đã xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về người và tài sản. Điều này khiến cho người dân phân tâm, lo lắng về chất lượng dịch vụ và công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.
Từ kết quả thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, với các thông tin tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì hầu hết các vụ tai nạn xe khách sau Tết đều xảy ra ra ở QL1 thuộc tuyến đường miền Trung và phần nhiều từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận, gần nhất là vụ tại Hà Tĩnh, Nghệ An. Thời điểm xảy ra tai nạn vào khoảng 5 - 6h sáng, một số vụ vào giữa đêm.
Các vụ tai nạn xảy ra do lái xe vi phạm quy tắc giao thông khi điều khiển phương tiện khi đi sai làn đường, tránh vượt sai, chạy quá tốc độ quy định để tranh giành khách, chủ quan, mất tập trung khi điều khiển xe.
Các xe gặp nạn đều là các tuyến xe khách chạy đường dài, vận chuyển hành khách sau Tết Nguyên đán. Hầu hết các chuyến xe gặp nạn đều đã lưu thông một khoảng thời gian khá dài trên đường.
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp và thường gia tăng mạnh vào dịp trước và sau Tết như vậy?
Thứ nhất, trước và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân đều tăng cao. Các doanh nghiệp vận tải tận dụng cơ hội này để tăng lợi nhuận nên khẩn trương quay vòng để đón khách, dẫn đến việc lưu thông phương tiện với tốc độ cao cho kịp lịch trình.
Ngoài ra, xảy ra các tính trạng tranh giành khách giữa các nhà xe, nhồi nhét khách. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.
Thứ hai, hoạt động vận tải ô tô khách trên những tuyến dài trên 300km đều đòi hỏi phải có hai lái xe để đổi lái, tránh mệt mỏi, căng thẳng.
Lái xe không được làm việc quá 10 tiếng một ngày, không được cầm vô lăng liên tục quá 4 tiếng. Và đối với các phương tiện khi chạy đường dài thì phải có trạm dừng nghỉ để thay lái xe. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không quan tâm đến việc này, để cho một lái một xe chạy liên tục nhiều giờ liền trong một ngày, dẫn đến việc các tài xế mệt mỏi, không tập trung trong quá trình lái xe.
Một chiếc xe khách bẹp rúm sau vụ tai nạn
Ngoài ra, chất lượng và kinh nghiệm của đội ngũ tài xế cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng. Các tài xế lái xe với tinh thần trách nhiệm không cao, bất chấp sự nguy hiểm đối với tính mạng của hàng chục hành khách trên xe để chạy vượt tốc độ, chạy lấn làn, sai làn, vượt ẩu…
Thứ ba, việc kiểm tra, xử phạt các xe khách vi phạm về an toàn giao thông còn chưa chặt chẽ. Ví dụ nhiều xe khách chở quá số người quy định xuất phát từ các tỉnh phía Bắc, nhưng đi vào đến miền Trung thì lực lượng chức năng mới phát hiện ra. Vậy, các chốt kiểm tra, xử lý trên đường làm nhiệm vụ thế nào mà để các xe vi phạm qua mặt như vậy?
Thực tế hiện nay cho thấy, lực lượng CSGT mỏng và không thể làm nhiệm vụ thường xuyên ở tất cả các vị trí trên tuyến đường. Chính vì thế hiện nay, các xe khách chạy đường dài lựa chọn thời gian lưu thông vào ban đêm để “lách luật”. Thậm chí, nhiều lái xe còn tìm cách thông báo cho nhau vị trí của lực lượng kiểm soát để qua chốt dễ dàng, tránh bị xử phạt.
Đặc biệt, một số đoạn đường của quốc lộ 1A chất lượng rất tốt, nhưng không có dải phân cách, khi các xe lưu thông vào ban đêm tầm nhìn hạn chế, lại chạy với tốc độ cao, dễ xảy ra các vụ va chạm đối đầu.
- Các tài xế là lao động thuộc doanh nghiệp vận tải, vậy khi xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, trách nhiệm của các doanh nghiệp này được quy định như thế nào, thưa ông?
Theo Luật, người nào gây tai nạn người đó phải chịu trách nhiệm. Tùy mức độ từng vụ tai nạn thì chính lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và chịu mức phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về phía doanh nghiệp quản lý xe gây tai nạn có liên đới thì chỉ bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép kinh doanh chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với các vụ tai nạn giao thông không đủ sức răn đe nên việc ép thời gian cho lái xe diễn ra phổ biến.
Để hạn chế những vụ tai nạn xe khách gây hậu quả nghiêm trọng cần phải có những biện pháp nào, thưa ông?
Trước tiên, mỗi tài xế, mỗi doanh nghiệp vận tải cần coi trọng tính mạng của các hành khách ngồi trên xe. Từ đó sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông.
Đối với các tỉnh có đường quốc lộ đi qua, cần có sự tuần tra kiểm soát chặt chẽ các phương tiện khi lưu thông qua địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm để xử lý, răn đe.
Cần có chế tài hợp lý đối với tài xế, doanh nghiệp vận tải trong các trường hợp vi phạm giao thông hoặc gây tai nạn. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cần có chế tài đúng mức để quản lý những đơn vị này, tránh tình trạng ép thời gian đối với các lái xe.
Các tài xế khi lái xe đường dài cần dừng nghỉ, đổi lái theo đúng quy định để đảm bảo sức khỏe khi lái xe.
(Theo VTC News )
Tin khác: