Nội dung chủ yếu của đề án: |
1. Mục tiêu của đề án Xây dựng giải pháp quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến 2030. Định hướng phát triển về số lượng phương tiện vận tải khách bằng taxi có quy mô phù hợp với sự phát triển chung của thành phố 2. Đánh giá hiện trạng vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về số lượng xe taxi và phân bố không đồng đều trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nảy sinh nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phổ biến tại đa số các nút giao thông trong giờ cao điểm do các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao thông đã quá tải. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh vận tải khách bằng taxi có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp taxi yếu về năng lực quản lý, hoạt động đầu tư mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, khi phương tiện xuống cấp không được bảo dưỡng đầy đủ hoặc chậm thay thế ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và giảm hiệu quả kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp hoạt động vận tải khách bằng taxi tuy nhiều nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ: số hãng có số xe dưới 50 xe chiếm 43% số doanh nghiệp, sở hữu 8% số phương tiện trên địa bàn; số hãng trên 50 xe và dưới 100 xe chiếm 18% số doanh nghiệp, sở hữu 10% số phương tiện trên địa bàn; trong khi đó doanh nghiệp có trên 100 xe chiếm 39% số doanh nghiệp, sở hữu hơn 82% số phương tiện trên địa bàn. Các phương tiện sử dụng cho hoạt động vận tải taxi cũng thường xuyên có sự đổi mới nhờ sự gia nhập của các hãng taxi mới và kế hoạch thay taxi cũ của các doanh nghiệp đang hoạt động. Do sự cạnh tranh của nhiều hãng taxi nên giá cước vận chuyển taxi ngày càng giảm và kinh tế phù hợp với khả năng của nhiều đối tượng tiêu dùng. Với các hãng taxi lớn, đội ngũ lái xe đã được đào tạo bài bản, chú trọng tới chất lượng phục vụ khách hàng như luôn mặc đồng phục, ứng xử thân thiện, lịch sự với khách hàng v.v... Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hãng taxi chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ của mình, hầu hết là các hãng taxi nhỏ không đủ kinh phí và nhân lực để thực hiện việc đào tạo và giám sát nhằm nâng cao khả năng phục vụ. Trên toàn thành phố Hà Nội, hiện số lượng phương tiện taxi đang hoạt động trên 15.000 xe đạt mật độ chung toàn thành phố là 4,51 xe/km2 và 2,33 xe/1000 dân; mật độ này là tương đối thấp hơn so với một số thành phố khác trong khu vực như Băng Cốc có 90.000 xe (57,3 xe/km2; 12,8 xe/1000dân) và Bắc Kinh có đến 100.000 xe (6,0 xe/km2; 5,7 xe/1000dân) taxi đang hoạt động. Một trong những đặc điểm của hoạt động vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội là phân bố không đồng đều, phần lớn số xe taxi (trên 80% số phương tiện) hoạt động ở khu vực 10 quận nội thành. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc đỗ xe taxi để bàn giao ca của nhiều hãng còn đặc biệt thiếu (đa số sử dụng lòng đường, vỉa hè) và chưa phù hợp với quy mô của doanh nghiệp. Cũng do phát triển nhanh, nên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có tiêu chuẩn tuyển dụng lái xe đơn giản. Tình trạng giành đường vượt ẩu vi phạm luật giao thông đường bộ của lái xe taxi diễn ra phổ biến. Ø Đánh giá chung - Hầu hết (trên 80%) phương tiện taxi hoạt động tại 10 quận nội thành, tuy đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân nhưng cũng là tác nhân gây ùn tắc giao thông. Trong khi nhiều khu vực ngoại thành mật độ hoạt động taxi còn thấp. - Số lượng hãng taxi nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý và lãng phí tài nguyên xã hội. - Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dừng, đỗ xe taxi đón khách và điểm đỗ bàn giao ca của nhiều hãng còn thiếu, chưa phù hợp với quy mô của doanh nghiệp. - Chất lượng dịch vụ taxi có xu hướng được nâng cao (đổi mới phương tiện, chất lượng phục vụ, giá cước ...) tuy nhiên còn tồn tại một số hạn chế như: gian lận trong tính cước, ý thức chấp hành luật giao thông kém... - Các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải taxi hiện nay còn thông thoáng, chưa sát với điều kiện kinh doanh vận tải taxi của Thành phố Hà Nội. 3. Giải pháp quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030 cần có sự phát triển cả về quy mô chất lượng của số lượng phương tiện nhằm phục vụ xã hội hiệu quả hơn nhằm tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh của từng doanh nghiệp taxi cả về chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ. 3.1 Hạn chế phương tiện hoạt động trong khu vực nội đô · Giai đoạn 2012 - 2015: - Tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp taxi trên địa Thành phố. - Taxi hoạt động trong vành đai 3 phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố. - Phân vùng hoạt động taxi trên cơ sở lấy vành đai 3 của Thành phố Hà Nội nhằm mục đích áp dụng các chính sách hạn chế phương tiện taxi phù hợp với từng điều kiện của từng khu vực. Chia thành 2 vùng: Vùng trong vành đai 3 và vùng ngoài vành đai 3. Khi thực hiện phân vùng sẽ có các chính sách kèm theo cụ thể sau: + Hạn chế phương tiện taxi hoạt động trong khu vực vành đai 3. + Các phương tiện taxi ở trong vành đai 3 được đón trả hành khách ở ngoài. + Các phương tiện taxi hoạt động ngoài vành đai 3 không được vào trong vùng đón khách. 3.2 Nhóm giải pháp về phương tiện: · Giai đoạn 2012 - 2015: Ø Quy định về màu sơn: - Các xe taxi đăng ký mới phải tuân thủ quy định về màu sơn do Thành phố ban hành. Các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi màu sơn theo quy định. Ø Quy định đồng hồ tính cước: - Các phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn. - Mẫu hóa đơn phải tuân thủ nội dung như sau: +Tên hãng taxi, số điện thoại hãng taxi + Mã số, mã vạch của đồng hồ + Số hiệu chuyến đi + Thời gian bắt đầu chuyến đi + Thời gian kết thúc chuyến đi + Số km thực tế chuyến đi + Số tiền thực tế theo số km + Số tiền phụ thu (Giờ cao điểm, lệ phí .....) + Phí phát triển kết cấu hạ tầng của thành phố (nếu có) + Thuế VAT .... + Tổng số tiền phải trả của chuyến đi · Giai đoạn sau 2015: + Toàn bộ taxi sẽ chuyển thành 1 màu sơn theo quy định của Thành phố. + Đối với vùng ngoài vành đai 3 các phương tiện hoạt động vận tải khách bằng taxi thống nhất màu sơn khác với màu sơn khu vực trong vành đai 3. + Đối với các phương tiện hoạt động vận tải khách bằng taxi đưa đón khách sân bay thống nhất màu sơn riêng. Ø Quy định về chủng loại phương tiện: + Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi đầu tư phương tiện taxi hỗ trợ người khuyết tật. Các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo ít nhất 30% số phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) trong cơ cấu đoàn xe hoạt động. Bên cạnh đó, cần quy hoạch và lắp đặt các trạm nạp nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) ở vị trí thuận lợi cho vận hành xe taxi. 3.3 Nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng Ø Điểm dừng đón trả khách cho taxi: Trên các tuyến đường phố chính, tại các đoạn qua các nơi có khả năng tập trung đông người đi taxi như khách sạn lớn, trung tâm thương mại, trường học, bênh viện, ... Cần bố trí các điểm dừng đón trả khách, hoặc điểm đỗ taxi có người điều hành hoặc không có người điều hành. Trước mắt, thí điểm triển khai tại một số vị trí có đủ điều kiện thực hiện. Ø Điểm đỗ xe taxi: Quản lý và khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hiện có, đồng thời với việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải gồm cả vận tải hành khách bằng taxi phù hợp với từng giai đoạn, từng khu vực cụ thể. Duy trì và phát triển thêm các điểm đỗ xe taxi có sức chứa nhỏ. Quy hoạch điểm đỗ taxi theo vùng hoạt động. Xã hội hóa dịch vụ đỗ xe có ưu tiên đỗ taxi (về giá) để đáp ứng hiệu quả nhu cầu đỗ xe taxi (doanh nghiệp không phải thuê bãi cố định mà thuê nhiều chỗ phân tán). Tập trung nâng cao năng lực quản lý điều hành hoạt động taxi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tổng đài dùng chung nhằm tiết kiệm chi phí chung của toàn xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) và giao thông thông minh (ITS) cho lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. 3.4. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực Ø Đội ngũ lái xe taxi: Toàn bộ đội ngũ lái xe taxi phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định như: hợp đồng lao động; phải có trên 2 năm kinh nghiệm lái xe, bằng lái (B2), tập huấn kỹ năng hiểu biết du lịch, an toàn, kỹ năng sơ cứu và hô hấp nhân tạo cơ bản. Tất cả các lái xe taxi phải qua lớp tập huấn do Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra cấp chứng chỉ theo chương trình của Bộ Giao thông vận tải ban hành. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về luật giao thông, an toàn giao thông và cập nhật các văn bản pháp luật mới liên quan đến vận tải taxi. Có chế độ chính sách cũng khen thưởng tiền lương, tiền thưởng… nhằm khuyến khích đội ngũ lái xe taxi học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng quy định trách nhiệm quản lý tài sản của khách đi xe đối với lái xe taxi và doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách bằng taxi. Tổ chức các cuộc thi cho đội ngũ lái xe taxi nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cho lái xe như: lái xe giỏi và an toàn, lái xe tiết kiệm nhiên liệu, lái xe phục vụ văn minh... Ø Đội ngũ quản lý kinh doanh taxi của doanh nghiệp: Đối với người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải có đủ trình độ chuyên môn ngành vận tải từ cao đẳng trở lên và phải qua lớp đào tạo chuyên ngành vận tải taxi do sở GTVT tổ chức. Cần phải nâng cao năng lực điều hành của lãnh đạo, người điều hành và nhân viên trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi. Mở các lớp đào tạo và tập huấn đối với người điều hành vận tải taxi hay lớp bồi dưỡng chuyên môn đối với nhân viên của doanh nghiệp. 4. Tổ chức thực hiện Trên cơ sở các giải pháp được đề xuất, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách quản lý taxi trên địa bàn thành phố. Tiến hành phân vùng hoạt động taxi trên cơ sở vành đai 3 và tiến hành sơn màu sơn riêng theo qui định đối với khu vực trong vành đai 3 và ngoài vành đai 3. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có phương tiện hoạt động trong vành đai 3 phải nộp phí để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố. Xây dựng kế hoạch triển khai lắp đặt đồng hồ tính cước tự in hóa đơn và mức giá cước cho từng vùng theo lộ trình của đề án. 4.1. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án sau khi được UBND thành phố phê duyệt: - Thực hiện chức năng quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển vận tải đã được thành phố phê duyệt công bố. Như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội và của doanh nghiệp một cách thuận tiện. - Xây dựng quy hoạch các điểm đỗ taxi trong thành phố một cách hợp lý, tạo điều kiện các phương tiện đậu đỗ đúng quy định, tránh tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, mỹ quan đô thị. - Hướng dẫn, kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe taxi hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố. - Xây dựng Quy chế quản lý hoạt động taxi trình UBND Thành phố quyết định. - Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi trong phạm vi địa phương; định kỳ báo cáo UBND thành phố. 4.2. Sở kế hoạch và đầu tư - Khi tiếp nhận đơn đăng ký kinh doanh có ngành nghề vận tải taxi, cần lấy ý kiến của Sở Giao thông vận tải trước khi cấp đăng ký kinh doanh. - Phối hợp với sở Giao thông vận tải, phát hành bản tin về doanh nghiệp về công bố thông tin về thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, các thông tin về pháp luật trong kinh doanh vận tải taxi. 4.3. Sở Tài chính - Hướng dẫn cho các doanh nghiệp tham gia vận tải taxi về phương án xây dựng giá cước; tổ chức đăng ký giá cước do các doanh nghiệp taxi xây dựng. - Hướng dẫn mức thu phí taxi hoạt động trong vành đai 3, mức xử phạt, tem phạt; có trách nhiệm quản lý và quy định về sử dụng các khoản tiền lệ phí, tiền phạt. 4.4. Công an thành phố - Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Thanh tra giao thông giao thông, xử lý những xe taxi vi phạm khi đang hoạt động kinh doanh, xử lý theo quy định và quyền hạn. - Phối hợp với Sở, Ban, ngành liên quan trong công tác giữ gìn trận tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. 4.5. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - Có trách nhiệm tuân thủ sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi. - Thực hiện các chỉ thị thông tư hướng dẫn của các ngành chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động vận tải taxi. - Xây dựng quy định chế độ xử lý kỷ luật đối với người lái xe taxi phù hợp với hoạt động của từng hãng. - Thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng và đào tạo lại những đội ngũ lái xe đủ tiêu chuẩn và có trình độ giao tiếp, trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu. |
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |