Ngày 28/11, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã có văn bản đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại lô đất có diện tích 10.331m2 ở số 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng. Lô đất này trước đây từng được thành phố Hà Nội giao cho Công ty Liên danh SAS Hà Nội Royal Hotel LTD xây dựng Khách sạn SAS Hà Nội Hotel. Khi triển khai dự án đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía dư luận. Ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng thi công công trình trên, đến nay toàn bộ khu đất này đã được thu hồi và giao cho Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý, đơn vị này cho thuê làm bãi giữ xe tạm, gara ôtô, điểm rửa xe…

Ông Bùi Danh Liên

Theo lý giải của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, khu đất trên có vị trí khá thuận lợi, đã được đầu tư một số hạng mục như cọc khoan nhồi, tường vây nên việc đầu tư điểm đỗ xe ngầm ba tầng với công suất lớn là hoàn toàn khả thi. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng còn góp phần cải tạo cảnh quan môi trường bằng cây xanh, tiểu cảnh kết hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch đến thủ đô. Tổng mức đầu tư dự án hơn 96 tỉ đồng, nếu được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, dự án sẽ triển khai trong năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm.

Đề xuất của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là vậy nhưng trên thực tế đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của người dân và tốn không ít giấy mực của báo chí. Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất sẽ khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa, công viên là của tất cả mọi người, giờ xây bãi đỗ xe thì chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm người”.

Ở khía cạnh xây bãi đỗ xe làm ùn tắc giao thông, ông Liên phân tích: “Ở nước ta có một điều vô lý là trước cửa nhà dân hay trên vỉa hè không cho để xe, buôn bán. Ở dưới lòng đường thì Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội lại cứ kẻ vạch sơn trắng cho đỗ xe. Một Thanh tra Giao thông Công chính nói với tôi rằng, Công ty điểm đỗ chiếm đất từ khi có bản vẽ, tức là cứ có bản vẽ đường đến đâu thì đã vạch đường để chiếm đất rồi. Chẳng phải nói đâu xa lạ, trên đường Đại Cồ Việt bây giờ, phần đường cho người đi bộ thì dành cho ôtô đỗ. Giờ xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất ắt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo ông Liên: “Nếu xây dựng bãi đỗ xe ngầm chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông sẽ nghiêm trọng hơn mà không có cách giải quyết. Hiện trên đoạn đường này đã rất đông người đi lại, diện tích mặt đường lại không thể mở rộng vì một bên là hệ thống đường sắt, một bên là phố. Khi xây dựng bãi đỗ xe, lượng xe đi vào và đi ra mỗi ngày cũng phải gần 1.000 lượt thì thử hỏi tại sao lại không tắc đường?”.

Về khía cạnh xây bãi đỗ xe phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, ông Liên nói: “Công viên Thống Nhất đã quá nhỏ bé, nay xây dựng bãi đỗ xe rõ ràng chỉ phục vụ cho gần 400 chủ xe và một số người khác chứ đâu còn là của chung nữa. Gần 400 chủ xe có lợi nhưng bắt hàng nghìn người dân phải chịu chung cảnh tắc đường là điều không nên”.

Sau khi Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội có đề xuất, chiều ngày 23/12, tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chánh văn phòng UBND TP Hà Nội đã cho rằng, việc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội xin hơn 10.000m2 đất tại Công viên Thống Nhất để xây dựng bãi đỗ xe ngầm là để tránh lãng phí.

Lô đất hơn 10.000m2 được quây kín phục vụ việc trông, giữ xe…

Ông Thịnh lý giải, để tránh lãng phí thành phố cần tận dụng những phần các nhà đầu tư đã làm để xây dựng siêu thị hay bãi đỗ xe… phục vụ lợi ích công cộng. Còn phần ngầm Hà Nội sẽ khai thác làm bãi đỗ xe, phần bề mặt vẫn trồng cây xanh, việc quản lý sẽ giao cho nhà đầu tư hoặc phía Công viên Thống Nhất…

Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, cách giải thích của thành phố Hà Nội là chưa thuyết phục. Nếu xây bãi đỗ xe dưới lòng đất thì sẽ không thể trồng cây xanh ở trên mặt được vì lấy đâu đất mà trồng? Việc xây dựng bãi đỗ xe chắc chắn sẽ làm diện tích đất bị co hẹp lại, ảnh hưởng đến không gian vui chơi giải trí của người dân.

“Một số người nói, việc xây dựng bãi đỗ xe không đụng chạm đến mặt bằng là cách nói lấy được. Lãnh đạo chúng ta hay nói thuộc lòng câu: “Vì sao chúng ta hay ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe?”. Điều này là vì thành phố hiện chỉ có 7% đất giao thông tĩnh còn trên thế giới là 15-16%. Nhưng theo tôi, Hà Nội không phải không có đất để xây dựng mà có nhiều khu đất tĩnh được dùng cho việc xây dựng nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, đất của ngành giao thông lại cho sử dụng vào mục đích khác như bến xe Kim Liên ngày xưa đã cho xây khách sạn, bến xe Hà Đông bị biến thành khu nhà cao tầng. Hay giữa đường Kim Liên và đường Đại Cồ Việt có một khoảng đất đẹp có thể đỗ được hàng nghìn xe nhưng không làm mà lại cho tư nhân xây dựng nhà hàng, Ngân hàng Bắc Á rồi bệnh viện ở đó. Có thể thấy, Hà Nội chưa quyết tâm làm chứ không thể nói Hà Nội không có quỹ đất giao thông tĩnh để làm. Tôi đảm bảo, nếu thay đổi tư duy Hà Nội sẽ không chỉ có 7% đất giao thông tĩnh mà có đến 10-15%” - ông Liên nói thêm.

Từ những ý kiến trên, ông Liên cho rằng UBND thành phố Hà Nội cần xem xét thật kỹ đề xuất trên để đưa ra quyết định có lợi nhất cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đức - Phó giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết đây mới chỉ là dự án, đang đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét. “Lô đất trên hiện đang thuộc sở hữu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trước đây đã từng được cấp để xây dựng một dự án nhưng sau đó phải dừng lại. Khi chúng tôi tiếp nhận bản vẽ thì thấy nơi đây đã có hệ thống cọc khoan nhồi và hệ thống tường vây sâu 14m so với mặt đất, rất hợp lý để làm tầng hầm đỗ xe. Trên cơ sở đó chúng tôi mới đề xuất được đầu tư và đưa vào sử dụng. Hiện tất cả dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất, xem xét hồ sơ. Nếu đề xuất được đồng ý thì mới được thực hiện” - ông Đức cho biết.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu, lập phương án, quy hoạch khu đất trên với yêu cầu hoàn thiện các hạng mục đã thi công dở của bãi đỗ xe của Hà Nội SAS Hotel trước đó với diện tích 5.652m2 với 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng dự kiến 16.956m2. Diện tích trên mặt đất dùng để trồng cây xanh, thảm cỏ và các kiến trúc phụ trợ khác.

Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng được giao làm chủ đầu tư, tự huy động vốn, kết hợp với các sở ban ngành liên quan thống nhất, góp ý để lên phương án hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình lên Chính phủ và UBND TP xem xét.


 

( Theo Petrotimes )