HIỆP HỘI VẬN TẢI HÀNG HÓA TP HCM ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THU PHÍ QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

Cập nhật lúc: 09:10 | 14/10/2012
hiep-hoi-van-tai-hang-hoa-tp-hcm-de-nghi-sua-doi-m


 

                            Kính gửi:  THỦ TƯỚNG CHÍNH CHÍNH PHỦ

              Đồng kính gửi:  BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

 BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 13/03/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số18/2012/ĐN-CP về thu phí Qũy Bảo trì đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2012. Tuy nhiên, đến thời điểm áp dụng thì Bộ Tài Chính và Bộ Giao thông vận tải chưa ban hành kịp văn bản hướng dẫn thi hành. Lý do là các Bản dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài Chính và Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành trước đó vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp nên người dân và doanh nghiệp vận tải còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Vì thế Chính Phủ đã quyết định cho lùi thời hạn áp dụng việc thu phí bảo trì đường bộ trong thời hạn 06 tháng để yêu cầu Bộ Tài Chính và Bộ Giao Thông Vận Tải phải trình lại phương án thu phí sao cho hợp tình, hợp lý và khoa học.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính Phủ nói trên, Hiệp hội chúng tôi hy vọng sẽ nhận được thông tin từ các Bộ Giao Thông Vận Tải và Bộ Tài Chính liên quan đến các Bản Dự thảo mới có sự thay đổi phương án thu phí quỹ bảo trì đường bộ để chúng tôi tiếp tục đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, thời hạn áp dụng phí bảo trì đường bộ ngày càng đến gần ( ngày 01/01/2013 Nghị định mới chính thức có hiệu lực thi hành ) nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ website của hai Bộ hoặc thông qua các văn bản gửi đến để chúng tôi có cơ hội góp ý sửa đổi, bổ sung các Bản dự thảo mới này.

Trước tình hình băn khoăn, lo lắng của nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa về vấn đề này, Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị đến Chính Phủ, Bộ Tài Chính và Bộ GTVT xem xét sửa đổi một số nội dung về phương thức thu phí, thời gian thu phí và đối tượng thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa hiện nay. Cụ thể như sau:

1/ Kiến nghị sửa đổi về phương thức thu phí bảo trì đường bộ.

Tại khoản 1 điều 5 Nghị Định số 18/2012/NĐ-CP về nguồn hình thành quỹ quy định Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là xe ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô).

Chúng tôi kiến nghị sửa đổi phương thức thu phí: Từ thu phí hàng năm trên đầu phương tiện giao thông chuyển qua phương thức thu “ Phí sử dụng đường bộ được thu qua xăng dầu tính trên khối lượng xăng dầu nhập khẩu và số lượng xăng dầu sản xuất tiêu thụ trong nước”

Ý nghĩa: của việc chuyển đổi phương thức thu phí này : bảo đảm được tính công bằng cho người nộp phí dựa trên nguyên tắc: người nào sử dụng dịch vụ đường bộ nhiều thì phải có nghĩa vụ đóng phí nhiều cho nhà nước, người nào sử dụng đường bộ ít hơn thì nghĩa vụ nộp phí ít hơn, không sử dụng đường bộ thì không phải đóng phí bảo trì theo đúng bản chất của phí giao thông–  được quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành năm 2002. Mặc khác, áp dụng phương thức này Nhà nước sẽ thu đúng, thu đủ trong khi giảm được chi phí cho việc tổ chức bộ máy thu cồng kềnh và tốn kém. Việc áp dụng phương thức thu này sẽ gặp vấn đề hoàn cho các đối tượng có sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia sử dụng dịch vụ đường bộ. Theo chúng tôi Nhà nước sẽ hoàn tiền phí dựa trên định mức tiêu hao nhiên liệu của từng ngành nghề mà Cơ quan Thuế đang áp dụng đối với mỗi ngành nghề để tính hạch toán chi phí kinh doanh.

Trong trường hợp nếu Chính Phủ và các Bộ không chuyển đổi được phương thức thu phí qua xăng dầu thì cần xem xét giải quyết việc chuyển đổi phương thức thu phí “ hàng năm” trên đầu phương tiện sang phương thức thu phí “hàng tháng” trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Ý nghĩa: của việc chuyển đổi phương thức thu phí từ hàng năm qua hàng tháng là: Nếu phương tiện nào đang bị tạm giữ do vi phạm, bị tai nạn giao thông, chưa có hàng để vận chuyển hoặc vì bất cứ lý do gì mà xe chưa hoạt động, chưa lưu hành thì chưa phải đóng phí bảo trì đường bộ cho phương tiện đó trong tháng đó. Mặt khác, một số loại xe cơ giới chạy nội bộ trong Cảng, trong Khu Công nghiệp, Khu Chế Xuất, Trung tâm Đào Tạo Lái xe…vv không sử dụng đường bộ thì cũng không phải đóng phí bảo trì đường bộ.

2/ Kiến nghị sửa đổi một số nội dung về phương tiện bị thu phí.

Kiến nghị bỏ phương tiện bị thu phí là : rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo. Vì bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc” không phải là “ đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” như quy định tại khoản 1 điều 5 Nghị Định số 18/2012/NĐ-CP.

Lý do: Rơ moóc, sơ mi rơ moóc” chỉ là tổ hợp cơ khí đơn giản, không gắn động cơ nên không thể tự hành trên đường bộ. Rơ moóc, sơ mi rơ moóc phải được kéo bởi ô tô, máy kéo mới tạo thành tổ hợp xe chuyên dụng tham gia giao thông trên đường bộ để vận chuyển hàng hóa.  Tại Nghị Định đã quy định “máy kéo” là đối tượng bị thu phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể quy định sơ mi rơ moóc là phương tiện bị đánh thuế nữa. Do đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, nên số lượng rơ mi rơ moóc trong mỗi doanh nghiệp thường nhiều gấp từ 2 đến 7 lần so với số lượng “máy kéo” để đáp ứng yêu cầu kịp thời của khách hàng, của Cảng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu . Mặt khác quy định mức thu phí đánh trên rơ mi rơ moóc lại cao gấp từ 3 đến 4 lần so với mức thu của máy kéo càng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy số lượng sơ mi rơ moóc nhiều hơn số lượng máy kéo nhưng mỗi lần tham gia giao thông trên đường mỗi chiếc đầu kéo cũng chỉ kéo theo được một rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc. Do vậy Nghị Định Chính Phủ quy định tách tổ hợp xe này thành hai thiết bị riêng biệt để đánh phí là hoàn toàn chưa phù hợp và sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp vận tải.

Nếu không nghiên cứu để sử đổi quy định này e rằng sẽ tạo nên những hệ lụy xấu khác như việc mua bán xe nhưng không sang tên xe, dễ thất thu đối với xe không tham gia đăng kiểm dẫn đến có khả năng ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi các phương tiện, thiết bị này tham gia đường bộ.

3/ Kiến nghị thay đổi cách thu phí “hàng năm theo kỳ đăng kiểm” như trong Dự thảo thông tư quy định sang cách thu phí hàng tháng đối với mỗi phương tiện

Hiện nay kỳ đăng kiểm của phương tiện xe cơ giới là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm…tùy theo đời xe cũ hay mới. Nếu phải đóng phí theo kỳ đăng kiểm nghĩa là buộc các doanh nghiệp vận tải phải đi vay và trả lãi hai lần để cho phương tiện hoạt động ( vay để đầu tư phương tiện và vay để nộp phí bảo trì đường bộ ), vì chắc chắn doanh nghiệp phải nộp trước một lần cho nhà nước một khoản tiền rất lớn. Ví dụ với doanh nghiệp có 120 xe  đầu kéo và 800 sơ mi rơ moóc và áp dụng thời hạn đăng kiểm là 1 năm/lần thì mỗi tháng doanh nghiệp phải đóng khoảng 1,520,000,000 đồng/tháng và một năm phải đóng  gần 18,240,000,000 đồng cho quỹ bảo trì đường bộ. Việc phải nộp phí trước cho việc sử dụng dịch vụ sau chẳng khác nào ép buộc để chiếm dụng vốn của doanh nghiệp.  Vì thế, như chúng tôi đã kiến nghị nói trên, nhà nước áp dụng cách thu phí hàng tháng đối với từng loại phương tiện. Tháng nào phương tiện không hoạt động, không tham gia giao thông đường bộ thì không phải nộp phí bảo trì đường bộ cho nhà nước.

4/ Kiến nghị sửa đổi cách thức tổ chức thu phí.

Theo nội dung các bản Dự Thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị Định trước đây quy  định các Trạm Đăng Kiểm kết hợp thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô, máy kéo. Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn thu phí bảo trì đối với các loại xe mô tô, gắn máy. Theo chúng tôi, Cơ quan Đăng Kiểm là đơn vị chuyên về kiểm định chất lượng kỹ thuật xe cơ giới còn Ủy ban nhân dân xã, phường thị trần là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương nên rất khó để thực hiện tốt việc kết hợp thu phí bảo trì đường bộ. Chưa nói đến việc giao tổ chức thu phí cho các cơ quan này sẽ tạo ra một mộ máy thu cồng kềnh, tốn kém khoản ngân sách của Qũy. Vì thế Chính phủ nên quy định trách nhiệm việc tổ chức thu phí cho các đơn vị chuyên trách như Sở Tài Chính và Phòng Tài Chính các địa phương kết hợp với các đơn vị Đăng Kiểm, Ủy ban dân dân các địa phương  để tổ chức thu phí cho có hiệu quả hơn.

Tóm lại, hiện nay Nhà nước không còn đầu tư vào giao thông vận tải đường bộ nữa, do đó Nhà nước nên có chính sách thuế và phí hợp lý để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, qua đó doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm thay vì bóp chẹt cho doanh nghiệp teo dần sẽ dẫn đến doanh nghiệp phá sản và người lao động thất nghiệp lại ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của nhà nước. Làm sao để phương thức thu, đối tượng thu, cách thức tổ chức thu, thời gian thu cho hợp tình, hợp lý và hợp pháp để việc đóng phí không là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, để cho người dân và doanh nghiệp hiểu và tự nguyện tham gia đóng góp cho Qũy để giúp nhà nước có điều kiện cung ứng dịch vụ đường bộ ngày càng tốt hơn.

       Trên đây là một số nội dung kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh về phí bảo trì giao thông đường bộ. Kính đề nghị  Chính Phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Giao Thông Vận Tải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

TM.BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

 

 

 

BÙI VĂN QUẢN


HTAHN.ORG
 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 92
Lượng người truy cập:: 86.825.271