Sau khi Nhà sử học Dương Trung Quốc nói sẽ gửi thư xin lỗi vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, vì một câu trong bài báo đã đăng tải gây ra hiểu lầm, Báo Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với ông Bùi Danh Liên để ghi nhận những chia sẻ xung quanh vấn đề này, và những phản biện khác liên quan tới việc xây cầu vượt quan khu vực Đàn Xã Tắc.
“Tôi nghĩ anh Quốc và phóng viên không hiểu nhau”
Ông Liên cho hay, đã đọc được thông tin Nhà sử học Dương Trung Quốc lý giải rằng không có chủ định nhằm vào ai, mà chỉ nói riêng với phóng viên viết bài đó, nhưng cũng thừa nhận nói như vậy là không nên.
Ông Liên chia sẻ: “Sự việc xảy ra như vậy cũng là điều đáng tiếc, nhưng tôi cho rằng nó không xuất phát từ tâm can của anh Quốc. Tôi tin là anh ấy không có chủ ý nói như vậy, có lẽ do sự trao đổi giữa anh ấy và phóng viên chưa rõ ràng, nên sử dụng từ ngữ chưa được chuẩn mực thôi. Anh Quốc là Đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ rồi, còn là một nhà nghiên cứu có tiếng, cho nên việc báo chí đăng câu nói ấy mà chưa có sự thống nhất với anh ấy thì không nên.
Dù sao thì với tôi việc ấy thực ra không quan trọng lắm, lây nay Hiệp hội hoạt động không có quyền lợi hay lương bổng gì, chúng tôi cũng chỉ vì đồng nghiệp, vì cộng đồng, xuất phát từ cái tâm mà làm thôi, còn khi nói ra thì có thể sẽ có hạn chế, đó là do hiểu biết của chúng tôi có hạn”.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội còn cho hay, đã nhận được vài nguồn tin cho biết ông Dương Trung Quốc rất băn khoăn về từ ngữ có phần nặng nề khi tranh luận xung quanh vấn đề xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. “Tôi nghĩ anh ấy băn khoăn là đúng thôi, vì bản thân anh ấy cũng không chủ định nói thế. Tôi sẵn sàng chấp nhận lời xin lỗi của anh Quốc, chuyện cũng chẳng có gì đáng để nói đi nói lại. Chúng tôi làm việc đều vì cái chung, vì dân, vì nước chứ không phải vì riêng cá nhân ai cả”, ông Liên bày tỏ.
Đề cập tới thông tin Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số cơ quan khác đề nghị sớm làm rõ những quan điểm trái chiều trước khi thực hiện dự án tại khu vực Đàn Xã Tắc, ông Liên vẫn bảo vệ quan điểm là cần phải làm cầu ngay để thông vành đai 1.
“Chúng ta phải tôn trọng lịch sử, bảo vệ di tích nào đã có, nhưng phải có hồ sơ, hiện vật thì mới khẳng định được. Còn bây giờ không có cơ sở khoa học pháp lý để khẳng định, chúng ta phải xây dựng hạ tầng giao thông, đồng thời phát hiện đến đâu xử lý đến đấy, còn đợi khai quật xong thì không biết đến khi nào mới xây dựng được đời sống”, ông Liên nói.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị làm rõ mọi thông tin trước khi tiến hành xây dựng cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc. |
Xây cầu vượt chưa chắc đã vi phạm Luật Di sản?
Đề cập tới vấn đề xây cầu qua đây có thể vi phạm Luật Di sản, ông Bùi Danh Liên cho rằng, bảo vệ di sản phải theo luật, nhưng luật không cứng nhắc. Thí dụ, đánh người, vi phạm thân thể người khác rất có thể phạm luật hình sự, nhưng nếu khám mà chỉ có tổn hại chưa tới 1% sức khỏe thì cũng chưa chắc đã vi phạm luật hình sự.
“Có người còn nói rằng xây cầu ở đây thì xe cộ đi lại gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới yếu tố tâm linh, vậy tôi xin hỏi: Các ông có cấm được máy bay bay qua khu vực ấy không? Chắc các ông phải ngăn chặn cả sấm sét nữa à? Chỉ vì những quan điểm khác nhau chưa được làm rõ mà bây giờ người ta đang đồn rằng có thể nhiều người phải lên chung cư ở để lấy đất dùng cho nghiên cứu Đàn Xã Tắc, rồi còn có tin đồn giá đất ở khu vực này lên tới cả tỷ đồng/m2”, ông Liên cho hay.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội còn cho biết, có nhận được ý kiến của một kỹ sư điện đang sống tại Hà Nội, đưa ra một quan điểm mới:
Nước Việt Nam ta thời xưa là một nước thuần nông nghiệp, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa rất nhiều, nên các vị vua thời phong kiến hàng năm thường lập đàn để cúng tế thần xã (thần đất) và thần tắc (thần nông - chủ về lúa, lương thực), cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Xã hội phong kiến Việt Nam thời trước chịu ảnh hưởng của Nho giáo (do Khổng tử khởi xướng), nên các hành xử trong xã hội cũng lấy Nho giáo làm chuẩn mực, các tư tưởng chủ đạo về quản lý xã hội, hành xử giữa con người với con người, giữa con người với các bậc thần linh… nằm cả trong bộ Tứ Thư (gồm 4 quyển: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử). Tuy nhiên, ngay ở thời này, cha ông ta cũng không coi trọng xã tắc hơn dân, họ có thể bỏ đàn này, lập đàn khác.
Ngoài ra, ông Bùi Danh Liên cũng dẫn ra quan điểm của một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ là ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học với câu nói: “Tại Ô Chợ Dừa không có Đàn Xã Tắc!".
Ông Hảo cho hay, thời điểm năm 2007, khi thi công đường Xã Đàn (Kim Liên mới), các cơ quan chức năng phát hiện có di tích. Sau đó, công trình giao thông phải tạm dừng để khoanh vùng mở hố khai quật, tìm vết tích của Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, dấu vết kiến trúc trong hố khai quật ấy không có một đặc điểm nào của Đàn Xã Tắc.
Có hai vết tích xây dựng, một của thời Lý, một của thời Lê. Dấu tích của hai lớp này lại hoàn toàn giống nhau về hình dáng kiến trúc, vật liệu kiến trúc... và cùng không phải là bề mặt của Đàn Xã Tắc. Bởi bề mặt của Đàn Xã Tắc phải là gò đất cao, bên trên là đất 5 màu, nhưng trong khi tìm thấy 4 nền gạch, diện tích của mỗi cái nền quá nhỏ so với Đàn Xã Tắc.
“Tôi nghĩ là cần dùng các giải pháp khoa học để có biện pháp tìm hiểu xem ở khu vực đó có gì không chứ không thể đào hàng nghìn mét vuông lên rồi chẳng có cái gì chắc chắn, sẽ rất tổn kém mà không giải quyết được gì. Liên quan tới vấn đề bảo tồn di tích này, tôi cho rằng các nhà sử học phải cảm ơn ngành giao thông vận tải vì khi họ làm con đường đó thì tình cờ phát hiện ra các dấu tích được cho rằng đó là Đàn Xã Tắc”, ông Liên nói.
(giaoduc.net.vn)
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |