GIẢM MỨC PHẠT, CÓ GIẢM TAI NẠN

Cập nhật lúc: 09:39 | 24/11/2013

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

 Theo đó, kể từ thời điểm 1 – 1 – 2014 tới đây, nhiều mức phạt vi phạm trong giao thông đường bộ sẽ giảm. Quy định này đang được dư luận đồng tình ủng hộ, bởi đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế. 


“Đồng loạt” giảm mức xử phạt vi phạm

Theo Nghị định 171/2013/ NĐ-CP, đối với các lỗi vi phạm, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/g; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy... mức phạt giảm xuống còn 7 – 8 triệu đồng, so với mức phạt cũ quy định tại Nghị định 71 là 8 - 10 triệu đồng. 

Phạt tiền từ 300 - 400 nghìn đồng, thấp hơn so với mức phạt hiện tại đang áp dụng là 300 - 500 nghìn đồng, đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tại nơi đường giao nhau... 

Nghị định 171 cũng giảm mức phạt người điều khiển ôtô chở khách không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động, từ mức phạt 2 - 3 triệu xuống còn 1 - 2 triệu đồng...

Mức phạt đối với vấn đề “xe chính chủ” cũng được  điều chỉnh theo hướng giảm. Nếu như trong nghị định 71 áp dụng mức phạt 6 - 10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ, thì Nghị định 171 quy định, mức phạt với ô tô từ 1 - 2 triệu đồng với cá nhân, 2 - 4 triệu đồng với tổ chức; mức phạt cho việc không sang tên, đổi chủ xe máy là 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân và 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức. Áp dụng việc xử lý và mức phạt này từ ngày 1-1-2015 với phương tiện ôtô, từ 1-1-2017 đối với môtô, xe máy. Với người đi xe đạp, nếu đi không đúng phần đường quy định, mức phạt theo Nghị định 171 giảm còn 50.000 - 60.000 đồng.

Đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống đến 7 ngày (trước đây là đến 10 ngày). Đối tượng và các hành vi bị giữ xe máy cũng được thu hẹp lại. Theo đó, Nghị định mới ban hành chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ… hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện như điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số), điều khiển xe ôtô không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, điều khiển xe mà không có Giấy phép lái xe…

Lý giải về việc giảm một số mức phạt so với trước, cũng như sự khác biệt về mức phạt đối với cá nhân và tổ chức đối với cùng một hành vi vi phạm, theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), Bộ GTVT nhất quán quan điểm mức xử phạt phải phù hợp, khả thi. Giảm mức phạt với một số hành vi nhưng tập trung tăng cường việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, siết chặt quản lý vận tải sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các chế tài đối với chủ doanh nghiệp và lái xe được quy định rõ. Mức phạt của tổ chức cao gấp đôi cá nhân, để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.

 

Xử lý vi phạm giao thông cần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội để tăng tính khả thi, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.      Ảnh: Sỹ Hào

 

Tăng tính khả thi…

Nghị định 171 được ban hành với những nội dụng cơ bản như trên, đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, có nhiều ý kiến lo ngại rằng giảm mức tiền phạt sẽ không đủ sức răn đe dẫn đến tăng vi phạm giao thông. 

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định: “Tinh thần của Nghị định 171 là tiếp thu ý kiến đóng góp của tổ chức cá nhân về những điều chưa phù hợp trong các Nghị định 34 và Nghị định 71, từng bước tháo gỡ những khó khăn hoàn thiện văn bản pháp luật, để sát với cuộc sống. Do vậy Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Nghị định 171 là phù hợp trong điều kiện hiện tại và khả thi”. 

Theo khảo sát của PV báo PL&XH, nhiều người dân, đặc biệt là những lái xe ô tô khi được hỏi cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh giảm mức xử phạt vi phạm theo tình thần của Nghị định 171 là đúng đắn. Thể hiện sự “cầu tiến” của cơ quan chức năng trong việc xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật.  

“Nếu như trước đây, theo Nghị định 71, có những lỗi vi phạm có mức xử phạt mất cả tháng lương, khiến chúng tôi không khỏi có tâm lý bức xúc, trốn chạy hoặc chống đối. Ở Nghị định 171 mới này, nhiều mức xử phạt đã giảm xuống, khiến cánh lái xe chúng tôi rất vui mừng. Tôi nghĩ rằng, việc so sánh mức phạt ở những nước có điều kiện kinh tế phát triển, rồi áp dụng cho hoàn cảnh ở Việt Nam là khiên cưỡng và không phù hợp. Chính vì thế nên cơ quan chức năng đã phải điều chỉnh mức xử phạt để phù hợp với thu nhập và điều kiện kinh tế xã hội của người dân…” – anh Nguyễn Văn Toàn, tài xế một hãng taxi tại Hà Nội cho biết.   

Trước đây khi xây dựng Nghị định 34, sau đó là Nghị định 71 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có rất nhiều những quan điểm khác nhau. Trong đó, quan điểm thứ nhất cho rằng phải nâng mức xử phạt cao mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Quan điểm thứ hai, lại viện dẫn so sánh mức phạt ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực để áp dụng mức phạt tại Việt Nam. Do vậy các quy định về mức xử phạt ở cả hai Nghị định trên, đều vấp phải nhiều ý kiến cho rằng quá cao và không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thu nhập của người Việt Nam. 

Về phía các doanh nghiệp vận tải, cũng như người dân đều không đồng tình với mức phạt quá cao. Người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ, do mức phạt cao ngoài khả năng chi trả, nên cố tình trốn chạy hoặc chống đối lại gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Thậm chí có trường hợp điều khiển xe mô tô vi phạm luật, mức phạt hơn cả giá trị xe nên nhiều người xác định: “vứt” luôn xe, còn hơn bị phạt. Những hành vi tiêu cực này, cũng dẫn đến nguy cơ “nhờn luật”. 

Ở các Nghị định cũ, đối với các lỗi không trực tiếp gây hậu quả cũng bị phạt rất nặng, ví dụ thiếu bản đăng ký chất lượng vận tải dán trên kính xe, bị phạt tới 2,5 triệu đồng; hoặc sổ nhật trình thiếu xác nhận một đầu bến, vì lý do bất khả kháng (sự cố trên đường, thậm chí không có khách nhà xe phải quay về), mà không đóng được dấu của bến đến, mức phạt cũng là 1,2 triệu đồng. Hoặc vấn đề tạm giữ xe vi phạm ở Nghị định cũ còn ô tô đang lưu hành, không vi phạm luật giao thông như do phương tiện khác vi phạm luật đâm vào, dù đã phân rõ lỗi thuộc vào bên nào thì cả hai phương tiện đều bị cơ quan chức năng tạm giữ. Những quy định xử phạt như trên được cho là vô lý, gây thiệt hại cho chủ phương tiện, dễ gây bức xúc nên việc điều chỉnh càng sớm càng tốt.   

Mặt khác, cơ quan chức năng xử phạt vẫn còn thủ công nên khả năng không minh bạch vẫn còn rất lớn. Nếu như “du di” trong xử lý vi phạm, phạt không nghiêm, không đúng người đúng tội và không minh bạch, thì cho dù mức quy định xử phạt có cao cũng khiến “luật bị nhờn”. Dẫn đến không thuyết phục người dân và không đi vào cuộc sống. 

Xuất phạt từ những “nguy cơ” và thực trạng đã được cảnh báo trên. Cơ quan chức năng đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức xã hội và người dân, để xây dựng hoàn thiện hơn các văn bản pháp luật, mà Nghị định 171 vừa qua là một ví dụ cụ thể. Theo đó, nhiều mức phạt đã được giảm một cách đáng kể để phù hợp hơn với điều kiện thu nhập và hoàn cảnh sống của người dân. Do vậy, Nghị định nhận được nhiều quan điểm đồng tình ủng hộ cũng là điều dễ hiểu. 

Nhìn nhận sự việc ở góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 171 với việc giảm mức xử phạt là một bước tiến đáng ghi nhận. Hướng tới các mục tiêu: Khả thi, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người dân, của người bị xử lý vi phạm. Như vậy vừa đảm bảo hiệu năng, hiệu quả của các lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Đồng thời cũng tăng cường sự ủng hộ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 

Có thể thấy, bên cạnh việc siết chặt quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm đúng người đúng tội, phù hợp để tăng tính khả thi hiệu quả, Nghị định 171 khi áp dụng cũng sẽ tạo điều kiện cho người dân bớt khó khăn, đồng thuận với những chủ trương giải pháp nhằm xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Bên cạnh nội dung giảm mức xử phạt, Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định thêm một số hành vi mới bị xử phạt như: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn với người điều khiển xe ôtô phạt từ 4 - 6 triệu đồng, mô tô là 2 - 3 triệu đồng; Người điều khiển xe ôtô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Mức phạt này với người lái xe mô tô, xe đạp điện là 2 - 3 triệu đồng.
Riêng với xe đạp điện, từ đầu năm 2014 sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ với mức thấp nhất từ 60.000 đồng và cao nhất là 20 triệu đồng tùy từng hành vi vi phạm.

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT: “Bộ GTVT nhất quán quan điểm mức xử phạt phải phù hợp, khả thi. Giảm mức phạt với một số hành vi nhưng tập trung tăng cường việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, siết chặt quản lý vận tải sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các chế tài đối với chủ doanh nghiệp và lái xe được quy định rõ. Mức phạt của tổ chức cao gấp đôi cá nhân, để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.”

 

 

Trước ý kiến lo ngại giảm mức tiền xử phạt sẽ làm tăng hành vi vi phạm của người dân, trong lĩnh vực giao thông. Ông Bùi Danh Liên (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng sẽ không có chuyện đó: “Việc giảm mức xử phạt, theo tôi nghĩ cũng không làm tăng hành vi vi phạm của người dân. Thực tế, tâm lý người dân thì bất kỳ ai cũng không muốn bị phạt, dù là hình phạt có nhẹ đi chăng nữa, thì cũng không ai muốn vi phạm để rồi phải nộp phạt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp đi kèm như tăng cường vai trò quản lý của doanh nghiệp và chủ phương tiện; cũng như việc các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra xử lý vi phạm. Và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. ”

( Theo phapluatxahoi.vn )

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 139
Lượng người truy cập:: 102.745.414