TƯỚC BẰNG LÁI VĨNH VIỄN VỚI LÁI XE GÂY TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG: ĐỀ XUẤT VỘI VÀNG
Cập nhật lúc: 03:47 | 18/01/2019
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn của các tài xế gây tai nạn nghiêm trọng. Chuyên gia giao thông cho rằng, đó là đề xuất nóng vội, mang tính chất đổ hết lỗi lên đầu người lao động.
Mạnh tay với lái xe
Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành GTVT năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tới dự và có những phát biểu gây chú ý. Tư lệnh ngành GTVT đưa ra con số không mấy lạc quan về tình hình TNGT trong năm 2018. Cụ thể là năm 2018 cả nước chỉ đạt được 2 mục tiêu: giảm số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương (5 - 10%). Đặc biệt, số người chết chỉ giảm 0,4%, không đạt mục tiêu. Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đưa ra nhiều nguyên nhân về TNGT trong năm qua.
Trong đó, ông nhấn mạnh đến ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của lái xe chưa tốt. Đơn cử như việc các tài xế đều được cấp bằng lái theo quy định, trong khi việc chấp hành lại chưa tốt như sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu... Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Một số tiêu chí quan trọng sẽ được đưa lên hàng đầu như khi sát hạch, tài xế vượt đèn đỏ, vi phạm tại gác chắn đường sắt thì sẽ đánh trượt ngay.
Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua đa số nguyên nhân do lái xe có vấn đề về sức khỏe. Ngoài việc sử dụng chất kích thích còn do cường độ công việc quá cao dẫn đến mệt mỏi. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới sẽ có một số quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện, theo hướng là xử lý nặng những lỗi tương tự, với một số tai nạn gây chết người. Đặc biệt, một trong những ý kiến “gây bão” của Bộ trưởng Thể là ông đề nghị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những tài xế gây TNGT nghiêm trọng. “"Bộ sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tập trung nêu trách nhiệm của DN trong quản lý phương tiện, tài xế, thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu.
Đừng như ném đá ao bèo
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, đề xuất tịch thu bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế gây TNGT nghiêm trọng mà Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra là nóng vội. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, khi một vụ TNGT xảy ra thì nguyên nhân đến từ nhiều phía chứ không phải mỗi từ lái xe. Do đó không thể đưa ra giải pháp theo kiểu đổ hết lỗi cho người lao động là lái xe như đề xuất của lãnh đạo Bộ GTVT được. Ngay cả những vụ TNGT liên hoàn, nghiêm trọng vừa xảy ra trong thời gian gần đây, lỗi trực tiếp là do lái xe và một phần nào đó do DN vận tải nhưng ông Bùi Danh Liên cho rằng, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Bộ GTVT. “Đó là do họ (Bộ GTVT) chưa có những giải pháp hữu hiệu để quản lý, phòng tránh TNGT. Việc này người dân biết, DN vận tải cũng biết, có đề xuất rồi nhưng họ không làm, không nghe thì cũng chịu” - ông Liên cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, “liều thuốc” tốt nhất để kéo giảm TNGT không phải là nhằm vào một đối tượng cụ thể nào mà phải xây dựng được một gói giải pháp tổng thể và bền vững. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mang tính chất quyết định. Đó là tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; xử lý triệt để những “điểm đen” giao thông, những đoạn đường hư hỏng, xuống cấp; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp DN vi phạm chế độ về giờ lao động, không đảm bảo sức khỏe lái xe... “Phòng tránh TNGT là trách nhiệm chính của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải chỉ biết đổ lỗi cho người lao động. Việc thu bằng lái xe vĩnh viễn của tài xế là tước đi quyền lao động của họ” - ông Bùi Danh Liên khẳng định.
Cách đây 5 năm chúng tôi từng đề xuất hạn chế tốc độ ở những nơi rừng sâu, đèo cao nhưng Bộ GTVT không nghe, bảo là phải để hoạt động liên tục để phát triển kinh tế và đảm bảo quyền đi lại của người dân. Giải quyết vấn đề tai nạn là quá trình lâu dài, từng bước một và tùy theo mức độ phát triển của xã hội và ý thức của người dân.
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội |
(Trích Báo Kinh tế Đô thị)
Tin khác: