Những quyết định phản cảm?
Đề xuất của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về việc loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng A95, chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học là E5 RON 92 và E5 RON 95 đang gây phản ứng gay gắt từ phía người tiêu dùng cũng như các chuyên gia.
Thế nhưng, nhìn lại diễn biến của thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay, có thể thấy đây không phải là lần đầu tiên trên thị trường này có những động thái gây phản ứng trái chiều như vậy.
Lần thứ nhất, xăng A92 bị khai tử và xăng E5 được đưa vào bán đại trà kể từ ngày 1/1/2018 nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Dù giá xăng E5 thấp hơn xăng A95 thế nhưng xăng E5 vẫn chưa tạo được sự tin tưởng về chất lượng khiến người tiêu dùng lưỡng lự và chạy sang xăng A95. Tuy nhiên, xăng A95 lại bị thả nổi với lý do đây là mặt hàng "không phổ biến" và để doanh nghiệp tự định giá khiến giá loại xăng này tăng mạnh.
Lần thứ hai, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo dự thảo này, từ ngày 1/7/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.
Trong đó, đối với mặt hàng xăng, khung mức thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít. Bộ Tài chính đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít.
Lần thứ ba, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đề xuất loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng A95, sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học trên toàn quốc là E5 RON 92 và E5 RON 95.
Ý kiến của Saigon Petro nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đánh giá cao kiến nghị này và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Nhìn vào những diễn biến nói trên của thị trường xăng dầu, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tuân thủ quy luật thị trường? Phải chăng quyền và lợi ích của người tiêu dùng đang bị xem nhẹ?
Bán xăng E5 không được như kỳ vọng, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu muốn khai tử xăng A95. Ảnh: Zing |
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội chia sẻ, cá nhân ông thấy buồn và bức xúc trước những sự việc này và cho rằng người tiêu dùng đang bị chèn ép quá đáng. Cơ quan Nhà nước đã không nghiên cứu chu đáo tâm tư, nguyện vọng của người dân mà cứ đưa ra những đề xuất, quyết định phản cảm.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, ông rất hoan nghênh việc sử dụng xăng E5 để bảo vệ môi trường và trước đây, ông đã nhiều lần đề nghị Nhà nước cố gắng phục hồi và phát triển các nhà máy sản xuất ethanol để tăng nguồn cung trong nước.
"Tuy nhiên, lẽ ra không nên xóa sổ xăng A92 ngay lập tức, hãy cứ để xăng A92 và E5 lưu hành song song để người dân làm quen với loại xăng mới, đồng thời có biện pháp khuyến khích, tập cho người tiêu dùng làm quen với xăng E5.
Tâm lý, thói quen của người dân không thể thay đổi như chong chóng. Trong khi chất lượng của xăng E5 chưa được khẳng định, xe đổ xăng E5 với xăng A92 hay A95 chạy rất khác nhau khi xăng E5 khiến động cơ chạy ì hơn. Chính vì thế, không thể đưa ra một quyết định cực đoan, không cho người dân cửa nào lựa chọn như thế.
Hơn nữa, cũng không nên ép người dân dùng xăng E5 bằng cách tăng mạnh giá xăng A95. Đó không phải là việc làm dân chủ, không tạo ra sự đồng thuận xã hội, thậm chí có thể coi là một hình thức gò ép thô bạo.
Ngay cả với đề xuất khai tử xăng A95 bây giờ cũng thế. Tôi cho rằng kéo dài việc sử dụng xăng A95 để người dân tiếp tục làm quen với loại xăng mới và có sự lựa chọn. Đồng thời phải có một hội đồng thẩm định xem xét chất lượng xăng thế nào, người dân tiêu thụ bao nhiêu, có lợi cho người dân, xã hội ra sao... Thay vì ép dân, hãy tuyên truyền, động viên người dân", ông Bùi Danh Liên chỉ rõ.
Tương tự, ông cũng nhắc lại đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung của Bộ Tài chính và cho rằng quyền lợi của người dân chưa được xem xét đến, đặc biệt trong bối cảnh xăng dầu đã phải cõng quá nhiều thuế, phí.
"Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Không thể vì lợi ích của nhóm mình, ngành mình mà đưa ra những biện pháp tận thu", ông Liên nhận xét.
Bài học từ nước Nhật
Nhấn mạnh rằng, thay vì cưỡng ép phải làm cho dân thông, ông Bùi Danh Liên dẫn lại một câu chuyện ông quan sát được khi sang thăm Nhật.
Theo đó, từ tòa nhà cao tầng nhìn xuống thành phố Tokyo của Nhật Bản, anten analog dày đặc như Việt Nam ngày xưa. Điều ông băn khoăn là tại sao một nước hiện đại như Nhật Bản lại vẫn còn dày đặc anten analog? Đem thắc mắc này ra hỏi những người bạn Nhật thì ông được trả lời rằng, người dân có nhu cầu sử dụng những thiết bị cũ nên Nhà nước cứ để cho người dân dùng, không ép người phải bỏ và chuyển sang loại hình mới.
"Chúng ta có làm được như vậy không hay hễ thấy có lợi là ép luôn? Đó là độc quyền và không thể chấp nhận được", nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nói.
Theo báo Đất Việt
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |