Trao đổi với báo Lao Động, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng vụ Vận tải Bộ Giao thông Vận Tải khẳng định việc dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07.01.2016) kể từ ngày 01.4.2020 là để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.01.2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Do đó, việc này không ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường nhưng sẽ cần có một số điều chỉnh để tuân thủ theo quy định mới. Theo ông Ngọc, các quy định mới trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.01.2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô còn giúp doanh nghiệp "rộng cửa" hoạt động hơn và họ "không cần lo lắng".
Việc dừng thí điểm được nhận định là sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây.
Trước đó, Bộ GTVT đã có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07.01.2016) kể từ ngày 01.4.2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.01.2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm (bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia Kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng thí điểm và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Theo Nghị định 10, trường hợp xe ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1.4.2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ôtô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1.7.2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10.
Với quyết định này, xe ôtô công nghệ nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1.7.2021.
Liên quan tới quyết định này, Đại diện Grab cho biết Quyết định 146 thông báo về việc hết hiệu lực của Đề án thí điểm không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường hiện nay và Grab đang nghiên cứu Nghị định 10 của Chính phủ để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó. Nhưng dù lựa chọn phương án nào thì tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến.
Trên thực tế, quyết định dừng thí điểm này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Hành khách vẫn có thể đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng bình thường. Đối tác tài xế của Grab vẫn hoạt động bình thường trên nền tảng ứng dụng Grab.
Grab vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trên tất cả các dịch vụ. Grab cũng đã tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam, cho thấy cam kết gắn bó lâu dài của Grab với thị trường Việt Nam nên chắc chắn không có chuyện Grab dừng hoạt động từ 1.4.2020 như nhiều thông tin đồn đoán.
( Theo laodong.vn)
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |