Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2014 về quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Nhiều tài xế tỏ ra lo ngại về những phiền toái, bất cập phát sinh…
Dự thảo đưa ra đề xuất đổi biển số của các loại xe kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách từ màu nền trắng, chữ đen sang màu nền vàng cam, chữ số đỏ. Nếu được thông qua, thông tư sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 và quá trình chuyển tiếp để đổi biển số xe cũ sang biển màu mới sẽ kết thúc vào tháng 12/2020. Ban soạn thảo giải thích, mục đích là để phân định rõ đối tượng kinh doanh vận tải nhằm tạo thuận lợi trong quá trình quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, tài xế cho rằng, dự thảo này nếu thành hiện thực sẽ gây ra sự chồng chéo trong quản lý đối với xe hợp đồng và xe taxi. Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86, xe hợp đồng và xe taxi sẽ phải đáp ứng các quy định về việc nhận dạng, phục vụ cho mục đích quản lý Nhà nước bằng việc dán phù hiệu và dán cụm từ phản quang ở cả kính trước và kính sau xe. Đề xuất quy định về màu biển số xe cũng không mấy thuyết phục khi cũng chỉ chung một mục đích nhận dạng loại hình phương tiện như trên.
Với việc “thay màu” biển số sẽ tiêu tốn tới 150 tỷ đồng để tổ chức lại hệ thống cấp và quản lý biển số, cũng như tiến hành chuyển đổi giấy đăng ký và biển số xe đối với khoảng 1 triệu phương tiện đang kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, để thực hiện quy định này, Nhà nước còn sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế chạy xe công nghệ (ngụ quận 7, TP HCM) cho rằng, việc đổi màu biển số xe cũng giống như phải gắn hộp đèn định danh, biến chiếc xe cá nhân thành xe kinh doanh và chịu những quy định ngặt nghèo hơn kể cả khi hoạt động với mục đích cá nhân. Vì vậy, nếu dự thảo nêu trên thành hiện thực, chắc chắn anh sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ vì “một cổ quá nhiều tròng”.
Còn tài xế Trần Quốc Tuấn (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lại tỏ ra lo ngại nếu buộc phải thay biển. Theo tài xế này, chiếc ô tô mà anh đang sử dụng để chạy xe công nghệ đã thế chấp ngân hàng. Nếu muốn lấy các giấy tờ này ra để thực hiện thủ tục cấp đổi, chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, bởi khi chưa trả hết tiền, ngân hàng sẽ không cho anh cầm giấy tờ ra khỏi trụ sở…
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không cần thiết phải có biển số riêng hoặc gắn mào để phân biệt phương tiện kinh doanh vận tải với các phương tiện xe tương tự. Việc cạnh tranh bình đẳng hay không phải dựa vào chính sách quản lý chứ thay biển không thôi cũng chả có tác dụng gì… nên việc thay đổi là không cần thiết và gây phiền hà cho người dân.
Về kinh nghiệm quản lý xe công nghệ trên thế giới, cũng có rất nhiều nước không phụ thuộc vào màu biển số xe mà sử dụng các biện pháp khác để phân biệt giữa xe kinh doanh và không kinh doanh. Tại Singapore, xe hợp đồng có thể được nhận diện bằng việc dán đề can có chữ “PRIVATE HIRE” lên góc trên bên phải kính trước và góc trên bên trái của kính sau xe. Còn ở Hong Kong, xe hợp đồng cần phải dán giấy phép cho thuê xe (“hire car permit”) lên mặt trong phía bên trái của kính trước xe. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đều không phân biệt màu biển số giữa các phương tiện kinh doanh và không kinh doanh.
Mới đây, Bộ GTV đã đề xuất Chính phủ một phương án nhận diện xe kinh doanh và không kinh doanh thông qua màu tem đăng kiểm khác nhau. Trên tem đăng kiểm cũng sẽ có thêm mã QR để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nếu thành hiện thực, phương án này sẽ giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính một cách kịp thời. Đồng thời, không làm phát sinh chi phí trong tổ chức cấp lại/cấp mới biển số xe và cũng phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước.
( Theo baogiaothong.vn )