Theo nhiều chuyên gia giao thông, nếu so sánh “độ chuẩn” giữa ba thiết bị đo tốc độ của phương tiện vận tải gồm máy đo tốc độ của lực lượng CSGT, thiết bị GSHT trên xe, và công tơ mét trên xe thì cả ba đều chính xác nếu thiết bị đảm bảo chất lượng. Người ta thường sắp xếp độ chuẩn như sau: 1. GSHT; 2. Máy đo tốc độ; 3. Công tơ mét.
Hơn nữa, xét về mặt nguyên tắc pháp lý, trường hợp khi thiết bị GSHT và máy bắn tốc độ ghi nhận hai kết quả tốc độ khác nhau như trên, thì phải xử lý theo hướng có lợi cho người vi phạm. Ở đây PC67 Hà Tĩnh đã không làm như vậy.
Chuyên gia: “PC67 Hà Tĩnh xử lý không thuyết phục”
Theo các hồ sơ tài liệu PLVN có được, không chỉ Công ty Minh Thành khiếu nại kết quả đo tốc độ “phạt nguội” của PC67 Công an Hà Tĩnh, mà trước đó Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Văn Minh (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) cũng gặp tình huống tương tự, phải “kêu cứu” nhà sản xuất thiết bị GSHT giúp đỡ.
Theo phản ánh của Công ty Văn Minh, doanh nghiệp này cũng ký hợp đồng lắp đặt thiết bị GSHT kí hiệu BA4-BLACKBOX phiên bản V3 theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN31:2014/GBTVT. Công ty Văn Minh sử dụng thiết bị GSHT để giám sát tốc độ xe taxi trong kinh doanh.
Điều trùng hợp bất thường rằng, cũng tại Km469+800 QL1A, các xe taxi BKS 37A-34708, 37A-35170 và xe 37A-36698 bị thiết bị đo tốc độ của PC67 Hà Tĩnh ghi nhận lưu thông vượt tốc độ cho phép. Tuy nhiên kết quả tốc độ trên thiết bị GSHT của công ty không trùng khớp với thiết bị đo tốc độ của lực lượng CSGT Hà Tĩnh.
Khi nhận được thông báo vi phạm, Công ty Văn Minh đã gửi đơn kiến nghị Công an Hà Tĩnh xem xét lại tốc độ của các xe. Cũng giống như Công ty Minh Thành, doanh nghiệp vận tải Văn Minh được Công an Hà Tĩnh trả lời thiết bị GSHT của công ty chưa được Viện đo lường Việt Nam kiểm định, hiệu chuẩn nên kết quả không chính xác.
Trao đổi với PLVN về sự việc, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định việc xử phạt vi phạm giao thông đã được pháp luật quy định rõ, phải thực hiện nghiêm minh, khách quan và căn cứ vào chứng cứ.
Ông Liên nêu quan điểm: Thiết bị GSHT đặt trên xe là công cụ của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, theo dõi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông. Thiết bị GSHT được quy định trong Luật Giao thông Đường bộ. Cơ quan cao nhất theo dõi, quản lý thiết bị GSHT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Vì vậy kết quả của thiết bị GSHT là kết quả cuối cùng khi xem xét vấn đề vi phạm Luật Giao thông, được làm căn cứ xử lý vi phạm giao thông.
“Quy định về thiết bị GSHT nằm trong Luật Giao thông đường bộ, còn “phạt nguội” chưa có luật nào quy định mà chỉ có mức xử phạt căn cứ theo Nghị định 71 của Chính phủ”, ông Liên nói.
Ông Liên nhấn mạnh, thiết bị GSHT có văn bản pháp luật quy định về kiểm định chất lượng. Thiết bị GSHT hiện lắp đặt trên hơn hai triệu xe, có luật pháp quy định, có cơ quan nhà nước quản lý hẳn hoi. Trong khi các thiết bị đo tốc độ đặt dọc đường của lực lượng công an nhập từ nước ngoài, nhập của nhiều nước: “Vì vậy vấn đề cần làm rõ là ai kiểm định, có minh bạch hay không?”, ông Liên nói. Chuyện tài xế khi đem kết quả của thiết bị GSHT ghi lại đến khiếu nại thì được lực lượng CSGT trả lời “chỉ căn cứ vào thiết bị của Công an để xử phạt”, ông Liên cho rằng CSGT trả lời như thế không thuyết phục.
Ông Liên khẳng định lại, thiết bị GSHT là công cụ quản lý của Nhà nước, cơ quan cao nhất quản lý là Tổng cục Đường bộ. Còn “phạt nguội” thực hiện bằng thiết bị đo tốc độ của ngành Công an là quy định riêng, như vậy cấp độ của thiết bị GSHT cao hơn máy đo tốc độ. Ông Liên cho rằng cần có bàn bạc thống nhất giữa Tổng cục Đường bộ với Tổng cục Cảnh sát để làm rõ trong tình huống trên thì căn cứ vào kết quả của thiết bị nào.
Nên kiểm định lại, hoặc thực nghiệm hiện trường
Một số chuyên gia giao thông thì đặt vấn đề, thậm chí nếu các bên muốn đi đến tận cùng sự việc để ngã ngũ, các bên “tâm phục khẩu phục”, nên đưa sự việc ra hội đồng đánh giá, mời đơn vị thứ ba vào kiểm định lại chất lượng các thiết bị. Cách nữa là chạy test thử nghiệm để biết thiết bị nào đúng, thiết bị nào sai. Có thể sử dụng chính phương tiện vi phạm chạy thử.
Theo chuyên gia Bùi Danh Liên, trường hợp CSGT nhất quyết “một mình một chợ” như PC67 Hà Tĩnh trong vụ việc này, cần phải xác định thiết bị “phạt nguội” có chính xác hay không? Vì có sự “vênh” nhau về kết quả giữa các thiết bị, và các bên đều nhất quyết cho rằng mình đúng, cần phải đưa ra hội đồng phân tích xem xét bên nào đúng bên nào sai.
“Quan điểm của tôi với những trường hợp như thế cần một tổ chức kiểm định lại. Nếu xử lý vi phạm chỉ áp đặt theo kết quả thiết bị ghi hình của CSGT là chưa khách quan. Cần xem xét lại thiết bị của CSGT có chất lượng hay không”.
Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) thì đồng tình với phương án chạy thử. Luật sư Bình cho biết người vi phạm có thể yêu cầu đơn vị thứ ba có chức năng thực nghiệm lại tình huống để đánh giá thiết bị đo tốc độ của CSGT có chính xác hay không. Từ đó đưa ra kết luận để việc xử lý vi phạm hành chính đảm bảo khách quan, chính xác.
Trường hợp người vi phạm cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng, có thể thực hiện thủ tục khiếu nại hành vi hoặc quyết định hành chính đó theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 (được quy định tại khoản 1 Điều 7).
Cụ thể, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người vi phạm khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến thủ trưởng cấp trên của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Hoặc người vi phạm có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
Trở lại với Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Liên cho rằng câu chuyện này phản ánh một nghịch lý nhức nhối, rằng doanh nghiệp phải bỏ tiền lắp thiết bị GSHT để quản lý phương tiện, chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng khi bị cho là vi phạm luật giao thông, kết quả của thiết bị GSHT không được xem xét, điều này chẳng khác nào doanh nghiệp làm một việc vô nghĩa. Ông Liên nói: “Việc mỗi đơn vị “đẻ” ra “luật” riêng như ví dụ nêu trên là gây khó cho dân, làm hại cho công cuộc đổi mới hành chính của đất nước. Tôi sẽ có đề xuất lên Hiệp hội, gửi lên Chính phủ đề nghị xem xét sự việc”.
Trước sự việc nêu trên, cơ quan trung ương nói gì? Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ sau.
Oái oăm ở chỗ lái xe khẳng định là tài xế chuyên nghiệp nên không quá tốc độ, luôn để mắt công tơ mét trên xe, chưa nói GSHT đặt trên xe. Theo kết quả thiết bị GSHT được nhà sản xuất cung cấp thì tài xế không chạy quá tốc độ. Sai số giữa thiết bị GSHT và máy bắn tốc độ của CSGT có khi lên tới 40%. Tuy nhiên phớt lờ những lập luận này của chủ xe, PC67 Hà Tĩnh vẫn cho rằng thiết bị bắn tốc độ của mình là “chuẩn”, ra quyết định xử phạt.
Tài xế điều khiển xe tải 29C-47911 và chủ xe sau đó vì ngại rầy rà nên đã từ Hà Nội vào Hà Tĩnh nộp phạt, tuy nhiên đưa tiền “nhờ” phòng CSGT đóng hộ kho bạc. Lý do đã hết giờ làm việc buổi sáng, cơ quan xử lý vi phạm hẹn buổi chiều làm việc, nhưng chủ xe phải về Hà Nội có việc gấp.
Tài xế điều khiển xe tải 29C-47911 đặt nghi vấn về thời gian bị thiết bị của CSGT ghi tốc độ xử phạt. Anh nói thời gian đó thường xuyên di chuyển qua đoạn đường có lắp thiết bị đo tốc độ “phạt nguội” nên nhớ rất rõ thời gian đi về. Chiếu theo thời gian ghi trên thông báo vi phạm, anh cho rằng xe của anh bị đo tốc độ sớm hơn 30 - 35 phút trước khi di chuyển tới vị trí bị đo tốc độ vi phạm. Nói cách khác, theo anh, máy đo tốc độ của CSGT bị lỗi nghiêm trọng.
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |