Nhưng điều “bất bình đẳng” đang xảy ra, tài xế dừng xe ở dọc đường theo yêu cầu của hành khách, đã bị xử phạt rất nặng, trong khi trách nhiệm của lực lượng chức năng phải bố trí các điểm phù hợp vẫn “giẫm chân tại chỗ”…
Tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện…
Nhằm tạo điều kiện cho hành khách, tiết kiệm được thời gian, kinh phí, khi không cần bắt buộc phải đến các bến xe, mới có thể thực hiện các hành trình đi lại của mình. Thông tư 18/2013/TT – BGTVT, có nội dung quy định cho phép lập các điểm đón trả khách do UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức quản lý theo các tiêu chí cụ thể như: Phải đảm bảo ATGT; có đủ diện tích cho xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường; phải có biển báo hiệu; khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm dừng đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ, hoặc bến xe hai đầu tuyến là 5km – tránh tình trạng các điểm này quá gần nhau, ảnh hưởng tới thời gian đi lại của người dân.
Các điểm dừng đón, trả khách này chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định đón, trả khách, nghiêm cấm sử dụng cho các hoạt động khác. Mỗi xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định chỉ được dừng tối đa không quá 3 phút/điểm.
Việc xác định vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định do Sở GTVT địa phương (đối với QL do Bộ GTVT, thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ) thực hiện và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời Sở GTVT ra văn bản thông báo về việc đưa vào khai thác, hoặc ngừng khai thác điểm đón, trả khách nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách. Tránh việc tùy tiện cắm điểm dừng đỗ, đón trả khách ảnh hưởng đến ATGT.
Về đầu tư xây dựng các điểm dừng đón, trả khách: Đối với các tuyến đường bộ mới xây dựng, hoặc nâng cấp, mở rộng thì chủ đầu tư có trách nhiệm đưa vào thành một hạng mục trong dự án xây dựng; đối với các tuyến đường bộ hiện đang khai thác thì cơ quan quản lý đường bộ đầu tư xây dựng theo vị trí đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Về duy tu, bảo trì các điểm đón, trả khách: Cơ quan quản lý đường bộ chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì các điểm trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý; đối với các tuyến QL do Tổng cục Đường bộ thực hiện; các tuyến đường còn lại do các địa phương thực hiện.
Cơ quan chức năng không bố trí được điểm dừng đỗ, nhưng vẫn phạt tài xế về lỗi “dừng đỗ sai quy định”. Ảnh: Sỹ Hào
“Lãng phí” và “bất bình đẳng”…
Kể từ thời điểm Thông tư 18 có hiệu lực từ tháng 10 – 2013 đến nay, đã hơn 7 tháng trôi qua, theo phản ánh của nhiều DN vận tải, trên các tuyến đường vẫn chưa thấy cắm biển và bố trí các điểm dừng, đón trả khách theo quy định.
“Điều này khiến tài xế rất băn khoăn, nếu dừng đỗ dọc đường theo yêu cầu của hành khách, vừa gây mất ATGT vừa hạn chế chất lượng phục vụ hành khách. Nhưng, điều đáng nói là, lực lượng chức năng bắt được có hành vi này thì xử phạt rất nặng” – anh Toàn, một tài xế chạy tuyến Nước Ngầm – Nghệ An cho biết.
Ông Bùi Danh Liên: “Cơ quan chức năng không bố trí được các điểm dừng đỗ đúng quy định, khiến tài xế không có điểm cho khách xuống dọc đường. Việc chậm trễ trong thực hiện trách nhiệm của mình, mà lại nhanh chóng trong xử phạt người dân như thế là thiếu công bằng” .
Được biết, Nghị định 171/2013/NĐ-CP, quy định đối với hành vi đón trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón trả khách, sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng.
Có thể thấy, việc xử phạt theo quy định trên là đúng, nhưng việc cơ quan chức năng không chịu thực hiện trách nhiệm của mình, trong việc bố trí các điểm dừng, đón trả khách theo chỉ đạo của Bộ GTVT rõ ràng đã khiến các DN vận tải lúng túng. Khi vừa phải nâng cao chất lượng phục vụ theo yêu cầu của hành khách, vừa lo lắng cơ quan chức năng xử phạt. Trong chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng chậm thực hiện trách nhiệm của mình, nhưng lại nhanh chóng tích cực trong việc xử phạt người dân, như thế là thiếu công bằng.
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, “thực trạng” trên đang khiến nhiều tài xế kêu trời. Thực tế, đối với tuyến cố định, có những hành khách lên xe nhưng đi không đến điểm cuối của hành trình, mà chỉ dừng ở khoảng giữa. Việc bố trí những điểm dừng, đỗ đón trả khách theo đúng quy định ở dọc đường là cần thiết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như DN vận tải. Tránh việc dừng đỗ tùy tiện, gây mất ATGT.
“Tuy nhiên cơ quan chức năng lại chậm trễ trong việc thực hiện, dẫn đến tài xế không có điểm dừng đỗ cho khách xuống dọc đường – nếu cứ dừng cho khách xuống, thì lại bị xử phạt. Ví dụ cụ thể, ngày 23 – 5, Sở GTVT Hải Phòng ra thông báo số 134/TB – SGTVT đình chỉ 14 trường hợp có hành vi dừng đón trả khách với thời gian 3 - 4 phút, ở khu vực chợ Sắt. Nhiều trường hợp tài xế khác cũng cho biết, thời gian gần đây họ bị phạt vì lỗi dừng đón trả khách không đúng nơi quy định với số tiền 1 – 2 triệu đồng. Trước các ý kiến kêu ca của tài xế, hiện Hiệp hội Vận tải Hà Nội đang làm kiến nghị gửi đến Tổng cục Đường bộ, đề xuất ý kiến mong cơ quan chức năng sớm triển khai các điểm dừng đỗ theo quy định tại Thông tư 18” – ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Có thể thấy, với nội dung của Thông tư 18, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng một mặt siết chặt quản lý vận tải. Mặt khác lại hướng về giải quyết những khó khăn bức xúc của DN, của người lao động, cũng như khó khăn của hành khách trong việc đi lại. Quy định việc lập các điểm dừng đỗ dọc đường nhằm tạo điều kiện cho các DN kinh doanh vận tải, hoạt động đúng pháp luật; đảm bảo ATGT; giảm tải cho các bến xe; tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân.
Thế nhưng, sau khi Thông tư 18 được ban hành, cơ quan chức năng đã lập tức xử phạt các trường hợp tài xế vi phạm điểm dừng đỗ. Trong khi trách nhiệm của cơ quan chức năng đã được Bộ GTVT giao nhiệm vụ, phải bố trí các điểm hợp lý thì họ lại không triển khai. Điều này rõ ràng tạo ra sự bất bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và người dân khi thực hiện pháp luật GTVT. Trước “thực trạng” này nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng xử phạt người dân thì nhanh, còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ chấp hành các quy định của pháp luật lại rất từ từ. Sự thiếu công bằng như vậy thật khó chấp nhận.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc quy hoạch các điểm dừng đón trả khách là đúng, nhưng nếu triển khai thực hiện theo quy mô yêu cầu, của Bộ GTVT là quá mức cần thiết. “Cho đến nay, không có bất kỳ địa phương nào bố trí được điểm dừng đón trả khách theo các tiêu chí quy định trong Thông tư 18. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ GTVT về vấn đề này. Chúng tôi đã kiến nghị tạm thời, trước mắt cứ dùng ngay 1.500 điểm đỗ đã được Tổng cục Đường bộ bố trí trước đó, dọc QL 1, cho xe khách làm nơi dừng đỗ đón trả khách. Nhưng nội dung kiến nghị đó đã không được chấp nhận. Thực tế, để cắm được một điểm như thế, cũng tốn nhiều công sức tiền của, mà lại bỏ phí như vậy là không nên. Trong khi tài xế, dừng xe đúng những điểm có biển cắm của Tổng cục Đường bộ lại vẫn bị phạt, chứ đừng nói dừng đỗ ở các nơi khác. Điều này đã khiến họ rất băn khoăn bức xúc” – ông Thân Văn Thanh cho biết. |
Theo PL&XH