NÊN ĐƯA NGƯỜI SAY RƯỢU VÀO ... TRỤ SỞ CÔNG AN GẦN NHẤT ?

Cập nhật lúc: 01:42 | 08/10/2015

- Chiến dịch “đã uống rượu bia - không lái xe”, đang triển khai ở Hà Nội và TP HCM. Người say rượu bia, sẽ được hãng taxi Uber đưa về nhà an toàn miễn phí. Băn khoăn về “tác dụng” ngược của chiến dịch này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Nên đưa người say đến trụ sở CA gần nhất, để họ có thời gian tỉnh rượu…

 “Say tới bến” có taxi đưa về nhà…

Ủy ban ATGT quốc gia và Cty TNHH Uber Việt Nam đã chính thức phối hợp thực hiện chiến dịch “đã uống rượu bia - không lái xe”. Chiến dịch này được triển khai thí điểm ở TP Hà Nội và TP HCM, với sự “góp mặt” của khoảng 20 - 30 nhà hàng, quán bia tham gia chương trình được hỗ trợ để đưa khách say rượu, bia về nhà. 

Cụ thể, mỗi nhà hàng “tham gia chiến dịch” sẽ được cung cấp 2 – 3 tài khoản với tổng hạn mức 5 triệu đồng/tháng để đưa khách say về nhà miễn phí. Đồng thời, khách hàng cũng sẽ được cung cấp mã khuyến mãi miễn phí chuyến đi đầu tiên trị giá 200.000 đồng tại các quán tham gia chương trình.

Đồng thời, tại Hà Nội và TP HCM sẽ lắp đặt thiết bị cho phép đo lượng cồn trong máu của người thổi (UberSafe) tại các điểm đông dân cư qua lại; trung tâm tiêu thụ rượu bia, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng đồ uống có cồn.

Đây là thiết bị đo nồng độ cồn thiết kế như một ki - ốt có khả năng đo lường chính xác nồng độ cồn trong cơ thể người bằng cách yêu cầu thổi hơi qua ống hút rời, có khả năng tự phân hủy. Nếu nồng độ cồn vượt quá mức quy định, thiết bị sẽ tự động yêu cầu một xe miễn phí cho người dùng và đến đón tại vị trí ki-ốt để đưa hành khách về nhà an toàn.

Theo chiến dịch “đã uống rượu bia - không lái xe”, người say rượu bia có thể được hãng taxi Uber đưa về nhà an toàn, miễn phí.   

Vô tình khuyến khích “uống thả ga”?

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10% - 30%; làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. Mỗi năm có trung bình 16 – 20% nguyên nhân số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra.

Từ “thực trạng” trên có ý kiến bày tỏ sự đồng tình ủng hộ khi cho rằng chiến dịch “đã uống rượu bia – không lái xe”, tổ chức mô hình kinh doanh bia rượu kết hợp dịch vụ đưa người say về nhà như thế là rất nhân văn, nhằm bảo vệ tính mạng tài sản, của khách hàng, bảo đảm ATGT cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, sự “nhân văn” này, vô tình lại thành khuyến khích người ta vi phạm pháp luật.

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ lo ngại: Chiến dịch “uống rượu bia – không lái xe” có khả năng gây… tác dụng ngược, thay vì hạn chế rượu bia vô tình lại khiến người ta có tâm lý “uống thả ga, say tới bến”, yên tâm vì đã có người đưa về nhà.  

“Luật pháp quy định, đối với lái xe ô tô cấm tuyệt đối hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện. Còn đối với lái xe máy, cũng chỉ cho phép uống có mức độ. Bất kỳ người nào đi học bằng lái xe cũng được giảng dạy rất kỹ về những tác hại của việc sử dụng bia rượu, tham gia giao thông – đề thi cũng có những câu hỏi để kiểm tra nhận thức của tài xế về vấn đề liên quan đến sử dụng rượu bia. Rượu bia cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ TNGT, thế nên việc nghiêm cấm và hạn chế tài xế sử dụng rượu bia là đúng đắn, được xã hội đồng tình” – ông Bùi Danh Liên nói.  

Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính vi phạm an toàn giao thông đang tiếp tục đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe có nồng độ cồn quá mức cho phép. 

Cụ thể, đối với người đi ô tô mà nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu bị đề xuất mức phạt tiền 8 - 12 triệu đồng; tước GPLX từ 4 - 6 tháng (so với mức phạt hiện hành từ 7 - 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 2 tháng). Nếu vi phạm nặng hơn, mức phạt có thể là tước GPLX 10 - 12 tháng phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (so với mức 10 - 15 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng đang áp dụng). Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà nồng độ cồn quá mức cho phép cũng bị tăng mức phạt gấp đôi hiện nay. Thậm chí, vi phạm ở mức cao nhất sẽ bị phạt tiền 5 - 7 triệu đồng và bị tước GPLX 4 - 6 tháng. Có thể thấy, ngoài việc bị pháp luật “nghiêm trị” thì người say xỉn cũng gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng do sức khỏe giảm sút. Và thậm chí có trường hợp mượn rượu bia cà khịa, gây rối trật tự công cộng, đánh đập vợ con… nên cũng bị cộng đồng xa lánh. Nhiều vụ trọng án cũng đã xảy ra do nguyên nhân rượu bia quá mức. 

“Nếu nhìn ở góc độ gốc rễ vấn đề thì không nên có động thái “bảo vệ” người say xỉn, đặc biệt động thái “bảo vệ” ấy lại dễ khiến người ta có tâm lý “thả phanh” - thực khách đến quán cứ rượu bia thoải mái, say “tới bến” sẽ có người dùng xe taxi đưa về tận nhà an toàn. Các động thái “bảo vệ người say” như thế, tôi cho là vô tình lại kích thích người ta sử dụng rượu bia nhiều hơn, đi ngược lại với các quy định của pháp luật, cũng như chủ trương của Nhà nước trong vấn đề hạn chế bia rượu. Dịch vụ “đưa người say về nhà”,  dường như là sự “đồng cảm” với chủ các quán ăn, nhà hàng kinh doanh hơn là vì mục đích hạn chế bia rượu, ngăn ngừa những tác hại do bia rượu đối với an toàn giao thông” - ông Bùi Danh Liên bày tỏ.  

Giải pháp hiệu quả hơn để hạn chế tác hại của rượu bia đảm bảo ATGT, ông Bùi Danh Liên cho rằng, hãy căn cứ trên quy định của pháp luật và có chế tài xử lý các vi phạm một cách triệt để. 

Luật sư Hoàng Văn Hướng: “Cách làm theo chiến dịch “đã uống rượu bia - không lái xe” cần phải xem xét đến khả năng lợi bất cập hại.”

Khả năng lợi bất cập hại…

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng chia sẻ: Việc hạn chế người dân sử dụng bia rượu (nói chung) là cần thiết, nhưng cách làm theo chiến dịch “đã uống rượu bia - không lái xe” cần phải xem xét đến khả năng lợi bất cập hại. 

“Tôi thấy vận động một người thường xuyên uống rượu, bia (nghiện) lúc họ còn tỉnh táo chưa uống, cũng đã là việc khó nói gì đến lúc đã có hơi men trong người. Trong tình huống một người đã “ngà ngà” hoặc đã say, được một người không quen biết đến thuyết phục anh ta đừng uống nữa, để đưa về nhà, không khéo lại thành ra đôi co, xúc phạm hoặc chuyển sang cà khịa nhau, dễ dẫn đến xô xát. Mặt khác, việc triển khai chiến dịch kiểu như trên, vô tình lại khuyến khích khách hàng vào quán nhậu có tâm lý “uống thả ga” – không lo bị phạt, say đã có người trông xe, đưa về tận nhà, thậm chí miễn phí tiền taxi, nếu vậy thì việc này lợi bất cập hại” – luật sư Hoàng Văn Hướng nói.  

Theo quan điểm của luật sư Hoàng Văn Hướng, để hạn chế tác hại của bia rượu cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp cứng rắn hơn. Thứ nhất, gốc rễ của vấn đề là cần phải quản lý “nguồn cung cấp” –  sản xuất rượu bia, vì hiện nay tình trạng nấu rượu, mua bán rượu ở ta diễn ra tùy tiện, tràn lan… đến mức trẻ con cũng dễ dàng mua được rượu bia. 

Thứ hai, tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, để có tác động rộng lớn, đảm bảo tính răn đe đối tượng uống bia, rượu say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ở các nước phát triển, hành vi uống bia, rượu điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được tác hại của rượu bia đối với sức khỏe, cũng như những nguy hiểm cho cộng đồng do vấn đề lạm dụng rượu bia gây nên. 

Ông Bùi Danh Liên: “Không cần triển khai chiến dịch “đã uống rượu bia - không lái xe” với nội dung có thể gọi taxi miễn phí đưa người say về nhà an toàn, như UBATGT quốc gia, phối hợp với Cty Uber và một số quán ăn nhà hàng đang tổ chức. Hãy căn cứ trên quy định của pháp luật và có chế tài xử lý các vi phạm một cách triệt để, cũng sẽ hạn chế được tác hại của rượu bia đối với ATGT. Còn nếu vẫn cứ muốn duy trì thực hiện chiến dịch, thì thay vì đưa họ về nhà nên “điều chỉnh nội dung” đưa thẳng ra trụ sở CA gần nhất, để người say có thời gian “hồi tỉnh”. Nhằm tránh việc trong cơn say họ có những hành động quậy phá, gây rối trật tự công cộng, hoặc về nhà đánh đập vợ con. Như thế, vừa có ý nghĩa giáo dục hơn, và cũng phát huy hiệu quả của chiến dịch hơn.” 

 

BÁO ĐIỆN TỬ PHÁP LUẬT&XÃ HỘI

 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 85
Lượng người truy cập:: 86.825.656