Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội - khẳng định như vậy khi nói về việc TP Hà Nội xin Chính phủ chấp thuận cho thu phí trên đại lộ Thăng Long.
Đại lộ Thăng Long được đầu tư khoảng 5.687 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Tuyến đường có chiều dài gần 30km và được đưa vào khai thác từ tháng 10/2010. Đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong văn bản đề xuất Hà Nội gửi lên Chính phủ mới đây, lãnh đạo thành phố này nhấn mạnh mục đích thu phí đại lộ Thăng Long là nhằm thu hồi vốn đã đầu tư xây dựng tuyến đường và sử dụng để sửa chữa, duy tu đường.
Nói đến câu chuyện vốn đầu tư xây dựng, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng rằng tuyến đường cao tốc đẹp nhất Việt Nam này đã sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (tức là tiền thuế người dân nộp - PV) nên không thuộc diện được thu phí theo quy định.
Trong khi đó, từ khi có quỹ bảo trì đường bộ và đưa vào sử dụng, theo quy định việc sửa chữa trung tu đường bộ đều lấy tiền từ quỹ này. Cũng từ cuối năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải đã dừng hoạt động rất nhiều trạm thu phí nhà nước trên hệ thống đường bộ quốc gia từ Bắc vào Nam để tránh tình trạng phí chồng phí khi đã có quỹ bảo trì đường bộ, và việc này được người tham gia giao thông đồng tình, ủng hộ. Vì thế, nếu Hà Nội lập trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long để thu phí đường bộ là đi ngược lại với chủ trương, chính sách và quy định về phí và lệ phí.
Bày tỏ quan điểm về việc này, ông Bùi Danh Liên cho rằng: Không chỉ vấn đề vốn ngân sách, mà khi làm đường người dân sống trên tuyến đã phải hiến đất đề phục vụ thi công, vì thế nay họ có quyền được đi trên con đường mà họ đã góp công sức tiền của để xây dựng và không thể bắt họ nộp phí mới được đi, còn không nộp thì phải đi dưới đường gom và sử dụng công trình phụ trợ.
“Đã có pháp lệnh về phí và lệ phí, mức phí như thế nào, điều kiện thu phí ra sao đều có quy định chung và được quyết định bởi Bộ Tài chính. Nhưng trong việc này, Hà Nội không lấy ý kiến của dân, “qua mặt” cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông là Bộ Giao thông Vận tải để đề xuất thu phí đường bộ trên đại lộ Thăng Long. Hà Nội không thể vì Luật Thủ đô mà cho mình những quyền đặc thù như vậy. Nếu Chính phủ chấp thuận thì sẽ tạo tiền lệ cho các địa phương khác, thành phố khác có lí do để tách ra khỏi cái chung và đề xuất những vấn đề riêng của họ.” - ông Liên lập luận.
Trên thực tế, tuy là đại lộ lớn nhất Việt Nam, đẹp nhất Việt Nam nhưng do không thuận tiện nên đại lộ Thăng Long rất ít phương tiện đi lại. Song song với tuyến đại lộ này có Quốc lộ 32 mới xây dựng xong, hiện nay các phương tiện đa phần tập trung lưu thông trên Quốc lộ 32 để đi các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Nếu thiếu tiền để sửa chữa đường thì phải xin thêm bổ sung thêm từ ngân sách chứ không thể nghĩ ra việc thu phí được. Nếu thu phí trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội sẽ không thu được nhiều và chắc chắn sẽ xảy ra việc người dân bỏ tuyến đường này để đi sang các tuyến Quốc lộ 32 và Quốc lộ 6. Khi đó, phí không những không thu được mà còn lãng phí cả một tuyến đại lộ. Thu phí đại lộ Thăng Long là phạm luật.” - ông Liên khẳng định.
Không bàn về vốn đầu tư xây dựng tuyến đường nhưng PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ của trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng Hà Nội cần loại bỏ mục đích duy tu, sửa chữa đường trong đề xuất thu phí đại lộ Thăng Long.
“Sẽ là không công bằng và thiệt thòi cho người dân khi họ phải nộp 2 lần phí bảo trì để sửa chữa trung tu cùng 1 con đường” - ông Toản nhìn nhận.
Ông Toản cũng cho biết sự khó hiểu về chủ trương đề xuất thu phí của TP Hà Nội, theo ông Toản thành phố này cần có sự cân nhắc kỹ để nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc quản lý và khai thác tuyến đại lộ đẹp nhất Việt Nam.
( Theo dantri.com.vn )
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |