- Lãnh đạo Hà Nội vừa giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Việc đưa xe đạp vào sử dụng trong thành phố là việc không có gì mới. Lịch sử phát triển giao thông của Thủ đô hiện nay đã bỏ qua xe đạp. Bỏ qua ở đây không phải do cấm mà do sự đào thải của sự phát triển tự nhiên. Họ không dùng nữa thì bỏ đi.
Còn tại sao người dân không dùng xe đạp nữa mà dùng xe máy, ô tô thì phải suy nghĩ cho đúng quy luật. Thứ nhất, xe đạp đi chậm. Thứ hai, cuộc sống hiện tại đòi hỏi tốc độ nhanh để giải quyết công việc. Nhất là khi thành phố mở rộng, nhiều người phải đi hơn 10 km từ trung tâm thành phố xuống Hà Đông chẳng hạn. Hơn nữa, khi lưu thông bằng xe đạp, tuy diện tích chiếm lòng đường ít nhưng do di chuyển chậm nên dễ xảy ra ùn tắc giao thông, giống năm 1970 và 1975.
Tôi nhớ, vào những năm ấy, BBC gọi Hà Nội là Thủ đô của xe đạp. Giờ tan tầm tắc đường liên tục. Cụ thể, các tuyến phố trước ga đường Nam Bộ, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi, Bạch Mai, Khâm Thiên… đều là các tuyến tắc đường.
Bản thân chúng tôi bây giờ chứng kiến việc tắc đường buổi chiều ở phố Khâm Thiên càng nhớ đến cảnh tắc đường trước đây mà tôi đi xe đạp Phượng Hoàng phải dùng hai tay đưa qua đầu, luồn qua con đường này. Nói thế để khẳng định rằng, nếu toàn thành phố mà đi xe đạp thì cũng sẽ tắc đường. Bây giờ nhiều ô tô quá cũng tắc đường.
Giả sử bây giờ, thành phố cho thuê xe công cộng để lưu thông trong nội đô, chủ yếu là phố Cổ. Việc này, có nghĩa là người đi các phương tiện khác sẽ phải đi đến khu vực đó gửi xe vào đâu đó xong thuê xe đạp đi vào nội đô.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
|
Theo tôi, cho thuê xe là một hình thức kinh doanh do phải hạch toán và phải có bãi đỗ xe ở đầu và cuối. Hiện có một số doanh nghiệp đưa ra ý kiến dùng bãi đỗ xe kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, ví dụ như ở Bờ Hồ hiện nay, xe buýt đến đây, khách xuống xe phải xuống bãi đỗ xe để thuê xe đạp, sau đi vào chợ Đồng Xuân. Vào đây, họ lại phải gửi xe để đi vào chợ nhưng khi ra về họ không trở lại Bờ Hồ nữa mà phải đi vào phố khác, thế nên lại phải thuê một xe khác….cho nên doanh nghiệp phải có nhiều bãi giữ xe để điều hòa.
Tóm lại, để thực hiện dịch vụ này, tổ chức của nó sẽ rất cồng kềnh. Ngay việc thuê ô tô tự lái như hiện nay cũng vậy. Khách muốn thuê được thì phải đặt giấy tờ, tiền, chứng minh thư… nhưng với xe đạp trị giá không đáng bao nhiêu, nếu bảo người ta đặt chứng minh thư hoặc tiền để thuê xe thì không ai đặt.
Hơn nữa, doanh nghiệp phải có kế hoạch bảo quản xe đó như thế nào. Có thể lắp định vị vào để biết nhưng lắp định vị giá cao gấp mấy lần xe đạp nên sẽ rất khó để triển khai.
Ở một số nước người ta cũng có dịch vụ cho thuê xe đạp nhưng đây là 2 cái khác nhau. Vì trình độ dân trí, kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở của người ta khác nước mình. Ở các nước này, người ta chỉ cần để chiếc xe đạp vào góc khuất là được và người dân hầu như không có lòng tham cho nên không thể đưa kinh nghiệm của các nước khác vào Việt Nam.
- Vậy theo ông, Hà Nội nên triển khai dịch vụ này như thế nào?
Theo tôi, việc triển khai cho thuê xe đạp cộng cộng là ý kiến tốt nhưng chỉ nên khuyến khích người dân sử dụng xe đạp để khỏi ô nhiễm môi trường và đi ở những đoạn đường ngắn, đến các trường học, hoặc trong các khu đô thị: Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính….
Còn đi vào phố Cổ thì không hiệu quả do cơ sở hạ tầng không đủ đảm bảo an toàn giao thông. Hơn nữa, không thể cho xe đạp đi chung với các phương tiện khác vì như thế rất nguy hiểm, do đó đòi hỏi phải có đường đi riêng.
Theo quan điểm của tôi, thành phố nên để cho các doanh nghiệp làm thí điểm, từ đó nghiên cứu, rút ra bài học để có thể triển khai đại trà còn thành phố, chính quyền không nên tham gia vào việc này cũng như không thể lấy ngân sách nhà nước hỗ trợ cho việc này được.
- Như ông vừa đề cập, việc sử dụng xe đạp hiện nay đã bị loại bỏ do quá trình đào thải của sự phát triển tự nhiên. Nếu như vậy, tới đây khi triển khai việc này, thành phố cần làm gì để người dân quay lại đi xe đạp?
Về tâm lý thì nhiều người cho rằng làm như thế là đúng, là hay, đảm bảo môi trường nhưng đại đa số người dân sẽ không sử dụng. Người ta không phản đối nhưng sẽ không ai phóng xe máy lên Bờ Hồ gửi xe máy thuê xe đạp để đi vào chợ Đồng Xuân cả. Đi xe đạp tốc độ chậm, lại mất thời gian, tiền bạc vô lý.
Theo tôi được biết, việc này xuất phát từ Đề án Hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông trình Thủ tướng Chính phủ. Và Sở Thương mại Hà Nội xin 900 triệu để khuyến khích phát triển xe đạp công cộng….nhưng loay hoay 2-3 năm nay, Hà Nội vẫn không tìm được chỗ đặt cửa hầm ở Bờ Hồ cho tàu điện ngầm chạy qua Hàng Ngang, Hàng Đào. Bây giờ xung quanh Bờ Hồ lại lập một lô bãi đỗ xe đạp. Hơn nữa, nếu phố Cổ mà cấm xe thì kinh doanh coi như là bằng không. Nhà hàng, khách sạn cũng vậy…
Ở đây phải hiểu rõ là Thủ tướng Chính phủ chỉ yêu cầu thí điểm thôi chứ chưa triển khai đại trà cho nên theo tôi, thành phố cần phải lấy ý kiến người dân và phải có đủ cơ sở hạ tầng mới nên triển khai.
- Xin hỏi hiện nay thi thoảng ông có đi xe đạp không và nếu có ông cảm thấy thế nào?
Nhà tôi hiện có một chiếc xe đạp Nhật xịn để trong nhà nhưng đi ra đến phố Khâm Thiên rất khó. Đi đến đèn xanh đèn đỏ mọi người dừng, xe máy len lên. Đèn xanh bật cho phép đi, xe máy lại vọt lên vèo vèo. Trong khi đó mình còn đang ấn bàn đạp để xe qua. Xe qua giữa chừng thì xe máy này chặn đầu, xe ô tô kia chặn đuôi, chưa qua được ngã tư thì đèn đã đỏ nên rất khó đi.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
( Theo VnMedia.vn )
|