TÀI LIỆU THAM KHẢO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẦM NHÌN ĐẾN 2030 ĐỂ LẤY Ý KIẾN.

Cập nhật lúc: 03:41 | 06/06/2017

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Số: /2017/NQ-HĐND CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày tháng năm 2017


NGHỊ QUYẾT
Về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ4
(Từ ngày / /2017 đến ngày / /2017 )

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015;`
Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2012;

Sau khi xem xét Tờ trình số: /TTr-UBND ngày /11/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội dự thảo Nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế; ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 với các nội dung chính như sau:
I. Các giải pháp thực hiện tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030
1. Giải pháp quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông
- Biện pháp hành chính:
Lập Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020;
Đối với xe hợp đồng đến 9 chỗ ngồi sử dụng phần mềm hoạt động tương tự như xe taxi: quy định quản lý như xe taxi (quản lý về số lượng, quản lý về chất lượng, quản lý phạm vi hoạt động), đối tượng này sẽ được đưa vào trong Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...) trên địa bàn Thành phố: cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
Đối với ô tô điện: rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng phương tiện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Đối với xe đạp điện, xe máy điện: quản lý tương tự như xe máy.
- Biện pháp kinh tế:
Đối với xe ô tô: quy định đối với chủ sở hữu xe ô tô trên địa bàn Thành phố phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...).
Đối với xe taxi: đấu giá số lượng taxi thay thế hàng năm.
2. Giải pháp quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông
- Biện pháp hành chính:
Đối với các phương tiện giao thông đường bộ: rà soát, thu hồi và loại bỏ đối với các phương tiện tự hoán cải, cũ nát, quá niên hạn sử dụng khi tham gia giao thông.
Đối với các loại ô tô: thực hiện quản lý chất lượng theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng.
Đối với xe taxi và các loại hình hoạt động tương tự xe taxi: ban hành quy chế quản lý chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ và quy định tỷ lệ số lượng xe taxi sử dụng nhiên liệu sạch CNG, LPG, năng lượng điện...
Đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi: đề xuất quy định niên hạn sử dụng.
Đối với xe máy:
Điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi xử lý.
Đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động trên địa bàn Thành phố.
- Biện pháp kinh tế:
Đối với các loại xe cơ giới: Đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành thông qua đăng kiểm phương tiện.
3. Giải pháp quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông
- Biện pháp hành chính:
Rà soát, bổ sung, đề xuất danh mục các tuyến phố cấm trông giữ phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế.
Cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Rà soát, mở rộng danh mục các tuyến phố cấm dừng, cấm đỗ đối với ô tô; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ.
Rà soát, nghiên cứu quy định các tuyến phố, khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày.
Rà soát, nghiên cứu ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh trên địa bàn Thành phố.
Bố trí “vịnh dừng” cho xe ô tô trên các tuyến phố có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.
Đối với xe tải cung ứng thực phẩm, chở hàng cho siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được phép hoạt động vào ban đêm.
Đối với xe máy:
Thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn Thành phố; Xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại.
Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các Quận nội thành vào năm 2030.
Đối với xe thương binh ba bánh chở hàng: rà soát, thống kê, dừng hoạt động trên địa bàn toàn Thành phố và có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh có xe ba bánh chở hàng đang hoạt động.
Đối với xe xích lô: quy định dừng hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Rà soát, xác định các khu vực đủ điều kiện phát triển không gian đi bộ gắn với các khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch trên địa bàn các quận thuộc Thành phố.
Điều chỉnh, giãn giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh theo Quyết định 315/QĐ-UBND ngày 12/01/2012 nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm tại một số khu vực cụ thể.
- Biện pháp kinh tế:
Rà soát, sửa đổi, ban hành giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng luỹ tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm, lộ trình thực hiện 2017-2018.
Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố.
Khuyến khích các trường học tại một số Quận trung tâm tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô phù hợp với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
4. Giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng
- Biện pháp hành chính:
Tổ chức thực hiện đúng các chỉ tiêu về phát triển vận tải hành khách công cộng trong các Chiến lược, Quy hoạch, Quyết định của toàn quốc và của Thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 03/2013/HĐ-ND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Rà soát, sắp xếp mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt theo Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
- Biện pháp kinh tế:
Rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích về đổi mới đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hoá và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro4, Euro5, sử dụng nhiên liệu sạch.
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng vi phạm các quy định trong quá trình khai thác.
5. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý
Thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của Thành phố. Đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông.
Ban hành bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với ô tô điện.
Ban hành quy định phải lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô, mỗi chủ phương tiện phải đăng ký tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố và quản lý phương tiện trên địa bàn Thành phố (quy định này sẽ được ban hành sau khi Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố được phê duyệt).
6. Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Rà soát và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về giao thông, vận tải đảm bảo đúng người, đúng trách nhiệm.
Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch giao thông tĩnh (bến xe, bãi đỗ xe) làm cơ sở để tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe.
Tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị (lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...).
II. Lộ trình thực thực hiện các giải pháp
Lộ trình thực hiện các nhóm giải pháp được chia thành 03 giai đoạn (chi tiết tại Phụ lục 1):
Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối...
Lộ trình dừng hoạt động của xe máy: Theo lộ trình đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030 (chi tiết tại Phụ lục 2).
III. Kinh phí thực hiện
Được trích từ nguồn ngân sách Thành phố và huy động từ nguồn ngoài ngân sách.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Giao UBND Thành phố:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017 về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, triển khai đồng bộ 06 nhóm giải pháp: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thành phố; phát triển và nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh); tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.
b) Hoàn thiện, phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố; Đề án về thay đổi giờ học tập, giờ làm việc trên địa bàn Thành phố.
c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các Bộ ngành liên quan đối với những vấn đề vượt thẩm quyền khi triển khai các giải pháp của Đề án. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp cuối năm của HĐND Thành phố để kịp thời xem xét, điều chỉnh những nội dung cần thiết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua./.

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban công tác đại biểu UBTV Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành Trung ương;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn ĐB Quốc hội thành phố Hà Nội;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ Thành phố;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- VP: TU, các ban Đảng TU; VP Đoàn ĐBQH& HĐND, VP UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã;
- Các cơ quan thông tấn báo chí;
- Lưu. CHỦ TỊCH







Nguyễn Thị Bích Ngọc


PHỤ LỤC 1

Lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường
(kèm theo Báo cáo Số: /2017/NQ-HĐND ngày tháng 5 năm 2017
của HĐND Thành phố)

Lộ trình Nội dung giải pháp
Giai đoạn 2017-2018 Thực hiện biện pháp hành chính
- Thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của Thành phố. Đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải
- Rà soát, bổ sung, đề xuất danh mục các tuyến phố cấm trông giữ phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế.
- Cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Rà soát, mở rộng danh mục các tuyến phố cấm dừng, cấm đỗ đối với ô tô; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ.
- Rà soát, nghiên cứu quy định các tuyến phố, khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày.
- Rà soát, nghiên cứu ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh trên địa bàn Thành phố.
- Bố trí “vịnh dừng” cho xe ô tô trên các tuyến phố có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.
- Đối với xe tải cung ứng thực phẩm, chở hàng cho siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được phép hoạt động vào ban đêm.
- Đối với xe thương binh ba bánh chở hàng: rà soát, thống kê, dừng hoạt động trên địa bàn toàn Thành phố và có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh có xe ba bánh chở hàng đang hoạt động.
- Đối với xe xích lô: quy định dừng hoạt động trên địa bàn Thành phố.
- Rà soát, xác định các khu vực đủ điều kiện phát triển không gian đi bộ gắn với các khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch trên địa bàn các quận thuộc Thành phố.
- Điều chỉnh, giãn giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh theo Quyết định 315/QĐ-UBND ngày 12/01/2012 nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm tại một số khu vực cụ thể.
- Rà soát và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về giao thông, vận tải đảm bảo đúng người, đúng trách nhiệm.
- Tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
- Xử lý nghiêm các doanh nghiệp VTHKCC vi phạm các quy định trong quá trình khai thác.
- Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch giao thông tĩnh (bến xe, bãi đỗ xe) làm cơ sở để tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe.
Thực hiện biện pháp kinh tế
- Rà soát, sửa đổi, ban hành giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng luỹ tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm.
- Khuyến khích các trường học tại một số Quận trung tâm tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô phù hợp với hệ thống VTHKCC.
Giai ðoạn 2017-2020 Thực hiện biện pháp hành chính
- Đối với xe ô tô: không áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế về số lượng phát triển, riêng đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi cụ thể:
+ Lập Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
+ Đối với xe hợp đồng đến 9 chỗ ngồi sử dụng phần mềm hoạt động tương tự như xe taxi: quy định quản lý như xe taxi (quản lý về số lượng, quản lý về chất lượng, quản lý phạm vi hoạt động), đối tượng này sẽ được đưa vào trong Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
+ Đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...) trên địa bàn Thành phố: cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
- Đối với các phương tiện giao thông đường bộ: rà soát, thu hồi và loại bỏ đối với các phương tiện tự hoán cải, cũ nát, quá niên hạn sử dụng khi tham gia giao thông.
- Đối với các loại ô tô: thực hiện quản lý chất lượng theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng.
- Đối với xe taxi và các loại hình hoạt động tương tự xe taxi: ban hành quy chế quản lý chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ và quy định tỷ lệ số lượng xe taxi sử dụng nhiên liệu sạch CNG, LPG, năng lượng điện...
- Đối với ô tô điện: rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng phương tiện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
- Đối với xe máy:
+ Điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi xử lý.
+ Đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động trên địa bàn Thành phố
- Đối với xe máy: Thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn Thành phố; Xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại.
- Tổ chức thực hiện đúng các chỉ tiêu về phát triển VTHKCC trong các Chiến lược, Quy hoạch, Quyết định của toàn quốc và của thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
- Tiếp tục triển khai Nghị quyết 03/2013/HĐ-ND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân về ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn.
- Rà soát, sắp xếp mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt theo Đề án “Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
- Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông
- Ban hành bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với ô tô điện
- Ban hành quy định phải lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô, mỗi chủ phương tiện phải đăng ký tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố và quản lý phương tiện trên địa bàn Thành phố (quy định này sẽ được ban hành sau khi Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố được phê duyệt)
Thực hiện biện pháp kinh tế
- Đối với xe ô tô: quy định đối với chủ sở hữu xe ô tô trên địa bàn Thành phố phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...).
- Đối với xe taxi: đấu giá số lượng taxi thay thế hàng năm.
- Đối với các loại xe cơ giới: Đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành thông qua đăng kiểm phương tiện.
- Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố.
- Rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, tiếp tục trợ giá đối với VTHKCC.
- Có cơ chế, chính sách khuyến khích về đổi mới đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hoá và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5, sử dụng nhiên liệu sạch.
Giai đoạn 2017-2030 1. Phát triển KCHT GT theo Quy hoạch, kế hoạch phát triển của Thành phố
- Triển khai kế hoạch thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới VTHKCC khối lượng lớn.
2. Phát triển và nâng cao chất lượng hiệu quả VTHKCC
- Triển khai đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt đô thị và các tuyến BRT phù hợp với điều kiện hạ tầng và phục vụ việc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị.
- Mở rộng phát triển phương tiện xe buýt với sức chứa khác nhau (xe buýt sức chứa nhỏ, xe buýt 2 tầng,...) phù hợp với điều kiện hạ tầng các khu vực, các tuyến đường có mặt cắt khác nhau.
- Xây dựng kế hoạch đưa vào khai thác các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (LPG, CNG, xe buýt sử dụng năng lượng điện,...), xe buýt hỗ trợ người khuyết tật.
- Phát triển mạng lưới tuyến buýt liên đô thị kết nối với các tỉnh xung quanh thành phố Hà Nội (cự ly <200km).
- Xây dựng định mức, đơn giá và quy trình vận hành khai thác cho hệ thống xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, làm cơ sở để quản lý điều hành.
- Phát triển hợp lý các loại hình VTHKCC khác như: xe hợp đồng, xe trung chuyển, xe đạp công cộng, ô tô điện,... nhằm hỗ trợ VTHKCC khối lượng lớn, hình thành mô hình VTHKCC đô thị đồng bộ, liên hoàn.
- Rà soát, sắp xếp điều chỉnh tối ưu mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt (điều chỉnh phương tiện, tần suất, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn); tăng cường kết nối đến các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, các phố, các khu dân cư tập trung đông đảm bảo cự ly tiếp cận hợp lý để tạo sự thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng (cự ly tiếp cận <500m).
- Xác định các điểm trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa trục đường chính với tuyến vành đai làm cơ sở để tạo ra các điểm thu hút, hình thành các điểm dừng cho khách chuyển tiếp phương tiện và đỗ xe tạo kết nối các tuyến VTHKCC với nhau.
- Đảm bảo thời gian đi lại hợp lý của phương tiện giao thông công cộng phục vụ hành khách nhanh gọn (chú trọng 03 yếu tố: thời gian phương tiện lưu thông trên đường; thời gian dừng đón trả khách tại các điểm dừng; thời gian chậm xe).
- Lắp đặt bảng điện tử, hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến tại các cơ sở hạ tầng phục vụ VTHKCC và trên phương tiện.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành hệ thống VTHKCC xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành VTHKCC. Thường xuyên tổ chức, đào tạo, tập huấn cho lái xe, nhân viên bán vé, những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách về kỹ năng xử lý tình huống, văn hoá ứng xử, bảo quản phương tiện.
- Ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý quá trình vận hành phương tiện trên tuyến; ứng dụng hệ thống vé điện tử hiện đại, xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh (Smartcard), vé liên thông các loại hình VTHKCC; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, cập nhật thông tin về VTHKCC nhằm tối ưu hóa chuyến đi, giảm ùn tắc giao thông và xử lý vi phạm.
- Giám sát nâng cao chất lượng công tác quản lý chất lượng VTHKCC thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại (camera, thiết bị giám sát hành trình) kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ánh của hành khách để kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.
3. Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường
- Đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi: đề xuất quy định niên hạn sử dụng.
- Đối với xe máy: phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các Quận nội thành vào năm 2030.
- Đối với xe đạp điện, xe máy điện: quản lý tương tự như xe máy.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông (hệ thống giao thông thông minh) nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông, quản lý các dịch vụ phục vụ giao thông, công tác giám sát xử lý vi phạm giao thông, công tác khắc phục sự cố giao thông...
- Tiếp tục mở rộng không gian đi bộ ra khu vực các tuyến phố bảo tồn cấp I quận Hoàn Kiếm (Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào,...), khu vực các tuyến đường quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Độc Lập, 1 đoạn đường Hoàng Văn Thụ,...) và một số khu vực khác trên địa bàn 04 quận nội thành chủ yếu là xung quanh các khu di tích lịch sử, quảng trường, công viên...
- Nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổ chức giao thông theo hướng cân đối hài hòa số lượng phương tiện tham gia giao thông phù hợp với hạ tầng giao thông theo từng khu vực phục vụ phát triển KT-XH Thành phố và giảm ùn tắc giao thông.
- Rà soát công suất hệ thống bến xe khách để phân luồng tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh phù hợp, hạn chế các phương tiện đi xuyên tâm và chồng chéo luồng tuyến.
- Tiếp tục đầu tư các bến xe khách liên tỉnh ra ngoài khu vực Vành đai 3 và Vành đai 4 nhằm hạn chế xe khách liên tỉnh đi vào khu vực trong Vành đai 3 để giảm ùn tắc giao thông.
4. Rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ kết nối thuận tiện giữa phương tiện giao thông cá nhân và giao thông công cộng
- Tiếp tục rà soát quy hoạch hệ thống giao thông công cộng đảm bảo phát triển đô thị gắn với phát triển VTHKCC; Đối với các khu đô thị, khu dân cư, khu chung cư đã hình thành phải bố trí điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng nhà chờ của hệ thống VTHKCC đảm bảo cự ly tiếp cận hợp lý.
- Tiếp tục rà soát tổ chức di dời bến xe, cơ quan, trường học, bệnh viện theo quy hoạch, ưu tiên sử dụng quỹ đất dành cho mục đích công cộng (công viên cây xanh, bãi đỗ xe, điểm trung chuyển,...).
- Thực hiện đúng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phù hợp lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạn chế tối đa việc điều chỉnh và khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải đồng bộ với quy hoạch GTVT.
- Hoàn thiện và triển khai đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ theo Quy hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối thuận tiện. Bố trí hợp lý hệ thống giao thông tĩnh phục vụ kết nối thuận tiện giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Bố trí hợp lý các điểm trông giữ xe để phục vụ các tuyến phố đi bộ.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh)
- Đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông phục vụ nhu cầu tổ chức giao thông, quản lý giao thông và xử phạt vi phạm giao thông.
- Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại (GIS, ITS) trong việc thu phí tự động (thu không dừng) nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
- Quy định đối với các loại ô tô phải lắp đặt trang thiết bị phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố (thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu phí tự động) theo đúng lộ trình áp dụng và phù hợp với công nghệ thu phí.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vị trí đỗ xe như: sử dụng thẻ thông minh (Smart-card) và camera trang bị tại các bãi đỗ xe khu vực trung tâm Thành phố.
6. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng giao thông công cộng thay thế phương tiện giao thông cá nhân.
- Đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền về lộ trình thực hiện các biện pháp nhằm quản lý phương tiện tham gia giao thông tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
- Tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng VTHKCC (an toàn, thuận lợi, tiết kiệm xã hội,...).
- Tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông và xây dựng hình ảnh VTHKCC thân thiện, an toàn. Xây dựng thói quen đi bộ và đi xe đạp.
- Nghiên cứu bổ sung vào chương trình giáo dục tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở về lợi ích của VTHKCC và định hướng hạn chế phương tiện giao thông trong khu vực nội đô.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng mạng lưới VTHKCC thông qua mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo lộ trình hạn chế phương tiện giao thông.



PHỤ LỤC 2

Lộ trình dừng hoạt động của xe máy nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường
(kèm theo Báo cáo Số: /2017/NQ-HĐND ngày tháng 5 năm 2017
của HĐND Thành phố)


STT Nội dung Năm thực hiện
1 Tuyên truyền lộ trình dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030. Hàng năm
2 Điều tra rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất). 2017-2020
3 Nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động trên địa bàn Thành phố. 2017-2020
4 Thu hồi, tiêu hủy phương tiện xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn; ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện. 2017-2030 (*)
5 Thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của Thành phố. 2025-2029
6 Dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các Quận. 2030
(*) Khi đảm bảo đủ điều kiện pháp lý về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải



 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 125
Lượng người truy cập:: 102.909.990