THƯ GỬI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

Cập nhật lúc: 01:58 | 15/05/2017

 

 

BÙI DANH LIÊN

Chủ Tịch Hiệp Hội Vận Tải Tp. Hà Nội

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2017

 

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Nhân dịp Thủ Tướng gặp đại diện các Doanh nghiệp lần thứ 2 diễn ra vào ngày 17/05/2017, Tôi xin gửi đến Chính Phủ một số đề xuất để các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải đường bộ như sau:

1.     Tổ chức lại sản xuất cho phù hợp sự phát triển năng động của thị trường:

a.     Về tuyến cố định liên tỉnh: Hạn chế tối đa phương tiện vận tải khách từ xã, huyện hoạt động liên tỉnh. Đối với các tuyến huyện nếu đi qua Bến trung tâm Tỉnh thì nên tổ chức cho người dân đi lại bằng xe Buýt để giảm bớt mật độ giao thông trên quốc lộ, giảm thiểu ô nhiễm khí thải, hạn chế tai nạn giao thông và tránh tranh giành khách dọc đường.

b.     Đối với xe Buýt nội đô: Cho đa dạng loại hình xe Buýt: Cho phép xe dưới 17 chỗ và xe chạy bằng điện hoạt động. Loại hình này hoạt động theo nhu cầu của Khách để kết nối Bến xe, nhà Ga, Sân bay, Khu đô thị giảm bớt và thay thế tuyến xe Buýt cố định. (Tại Bằng Tường họ cho xe 3 bánh hoạt động tự do (cứ 1 tệ là Khách có thể đi theo yêu cầu, ở Pattaya – Thái Lan thành phố du lịch nổi tiếng không có xe Buýt mà cho xe Bán tải hoán cải, bố trí 2 hàng ghế dọc để khách lên xuống dễ dàng và khách lên xuống phía sau. Đặt xe, giá cả và tuyến đi lại theo yêu cầu của khách, xe có thể đi sâu và ngõ, xóm, v.v…

Loại hình này không cần quản lý của Trung tâm điều hành giao thông đô thị, không cần cơ quan Nhà nước phê duyệt luồng tuyến và Bến bãi (chỉ cần đăng ký phương tiện, người lái và giá cước, đón trả khách như Taxi).

c.      Đối với tuyến đường dài: Nên lựa chọn và cho những Đơn vị có năng lực phương tiện, năng lực tài chính, bộ máy điều hành chuyên nghiệp đấu thầu đảm bảo an toàn cho Khách đi đường dài (có trạm thay lái xe dọc đường, có trạm bảo dưỡng thay thế phụ tùng, có phương tiện thay thế khi xe gặp sự cố).

d.     Cần xem xét lại quy định tốc độ, đặc biệt tại các điểm đen, những cung đường đèo cao, vực sâu và đặc biệt xem xét và hạn chế tốc độ xe chạy ban đêm trong đó quan tâm đến xe giường nằm và xe tải nặng.

e.      Quan tâm đến lực lượng lái xe tải trọng nặng từ khâu đào tạo, nâng cấp bằng lái xe v.v…

2.     Sửa đổi các văn bản pháp quy:

a.     Bãi bỏ hoặc sửa đổi Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 21/06/2015 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh toàn quốc.

Quyết định ban hành vội vàng: Chưa khảo sát lượng hành khách các địa phương đi các Tỉnh, chưa khảo sát cụ thể năng lực của Bến xe, lộ trình thay đổi thường xuyên vì hạ tầng luôn biến động…, mỗi lần thay đổi bổ sung, chuyển làn, chuyển bến xe đều phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ, phải mất từ 3 tháng đến 6 tháng mới được phê duyệt.

b.     Xem xét lại việc quản lý khai thác thiết bị GPS: Sau khi xảy ra tai nạn Tổng cục Đường bộ mới thông báo cho cơ quan Chức năng biết tốc độ của phượng tiện, kết quả này chỉ để làm tài liệu để xử lý vi phạm.

Chúng tôi cho rằng GPS là công cụ quản trị của Doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải là Sở GTVT. Việc Tổng cục Đường bộ quản lý hàng triệu phương tiện trong cả nước không có tác dụng nhắc nhở, giám sát, răn đe, lạm quyền, tác dụng hạn chế và tăng thêm định viên biên chế cơ quan nhà nước.

Hơn nữa chất lượng thiết bị GPS không ổn định, kết quả truyền về Tổng cục Đường bộ không chính xác (Thí dụ: Phương tiện đã ngừng hoạt động, phương tiện thay thế, v.v…), những trường hợp này chỉ có cơ quan quản lý trực tiếp là Sở GTVT mới nắm được. Việc Tổng cục Đường bộ thông báo không chính xác làm các Doanh nghiệp phải đi giải trình mất rất nhiều thời gian.

c.      Nên giữ nguyên số lượng tối thiểu phương tiện của Doanh nghiệp vận tải theo Nghị định 86.

Vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện: Phải có số lượng phương tiện, Doanh nghiệp phải có năng lực để điều hành quản lý, có năng lực tài chính để xử lý các sự cố. Không để một Doanh nghiệp chỉ có 1 xe chạy suốt chiều dài Đất nước từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau. Một phường – xã có tổ dân phố để giúp Phường – Xã quản lý hoạt động. Riêng vận tải không thể để hộ cá thể kinh doanh một mình, nên khuyến khích họ thành lập HTX vận tải để đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

d.     Giảm bớt các loại giấy tờ dán trên xe: Trên xe hiện nay quá nhiều loại giấy tờ, doanh nghiệp phải chi phí những thứ không hiệu quả. Thí dụ: trước kính xe phải dán khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”. Khẩu hiệu này có lẽ ra đời hàng nghìn, năm từ trẻ tới già ai cũng biết. Không dán thì tài xế bị phạt và Doanh nghiệp cũng bị phạt. Hơn nữa lái xe bị phạt lại phải nộp tiền 2 lần: một cho lái xe và một cho Doanh nghiệp.

3.     Cải cách thủ tục hành chính:

Bộ GTVT cần rà soát các thủ tục hành chính để Doanh nghiệp đỡ bị hành hạ mệt mỏi. Quá nhiều quy định, quá nhiều biểu mẫu làm Doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Đề nghị hàng năm Bộ GTVT, các Sở GTVT nên lấy ý kiến của Doanh nghiệp, của các Hiệp hội về các vướng mắc trên thủ tục hành chính: cần thiết gì? cần bãi bỏ cái gì? Bình chọn các cá nhân, tổ chức đã giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp Doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, thay thế nhân viên thi hành công vụ hạch sách Doanh nghiệp.

4.     Cân nhắc khi tăng các loại phí: Phí môi trường qua xăng dầu:

Dự thảo về phi bảo vệ môi trường qua xăng dầu, dự kiến nâng lên 8000đ/l xăng dầu. Đề nghị Nhà nước cân nhắc điều chỉnh có lộ trình lâu dài để khỏi ảnh hưởng đến giá thành vận tải và phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay.                      

5.     Cổ phần hóa:

Riêng Hà Nội, cần tiến hành cổ phần hóa Tổng Công ty Vận tải (Cổ phần thực chất) thoái vốn cho Nhà nước để tăng thêm nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông.

6.     Về đầu tư xây dựng Bến xe:

Ngoài các Bến xe đã có trong quy hoạch, nên sửa đổi tiêu chí Bến xe. Cho phép các thành phần kinh tế lựa chọn địa điểm xây dựng các Bến xe (kể cả trong nội thành) gần khu dân cư để phục vụ người dân thuận tiện. Khuyến khích các đơn vị vận tại làm Bến xe, đầu tư các dịch vụ phục vụ hành khách: Nhà ăn, nhà nghỉ, siêu thị, có phương tiện kết nối như: Taxi, xe Buýt, v.v đáp ứng các tiêu chí an toàn giao thông và trật tự xã hội (Như trạm xe khách Sơn La trước đây). Loại hình bến xe này nên để địa phương xem xét, phê duyệt.

7.     Đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế:

-       Nghiên cứu giao cho Bến xe in phát hành vé do các đơn vị vận tải ủy thác để nộp thuế cho Nhà nước và nắm được lưu lượng hành khách.

-       Đối với xe chạy hợp đồng (không phát hành vé) đề nghị ngành thuế áp dụng thuế khoán cho từng đầu xe để tránh thất thu và đảm bảo công bằng trong kinh doanh, hạn chế xe dù, bến cóc.

          Đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính phối hợp xây dựng quy chế việc kiểm tra chứng từ nộp thuế khi cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng du lịch.

 

Con tàu kiến tạo đã khởi động, nhiều ngành đã vào cuộc một cách quyết liệt, tạo sức bật mới: khắc phục thảm họa môi trường, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chống buôn lậu đạt được thành tích đáng ghi nhận, thủ tục kê khai thuế và xuất nhập khẩu thông thoáng, thu hút được Nhà đầu tư vào Việt Nam, v.v. Nhưng ngành vận tải đường bộ chuyển biến rất chậm, tai nạn có chiều hướng gia tăng. Theo chúng tôi nguyên nhân vẫn là cán bộ của các địa phương vẫn chưa thấm nhuần sự chỉ đạo của Trung Ương, vẫn tư duy theo cơ chế quan liêu, lạm dụng quyền lực, chưa thực sự hướng về cơ sở. Do đó chúng tôi nghĩ rằng phải đổi mới cán bộ cơ sở có như vậy mới tạo ra động lực mới, mới đáp ứng được yêu cầu nền kinh tế thị trường.

 

          Trân trọng kính trình!

 

             BÙI DANH LIÊN

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 126
Lượng người truy cập:: 103.795.000