Theo quy định tại Nghị định 10/2020, ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách có sức chứa từ chín chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Thời hạn lắp đặt là trước ngày 31-12-2021. Như vậy, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa để xe KDVT hoàn thành việc lắp camera theo quy định, tuy nhiên tỉ lệ xe đã lắp đặt còn rất thấp.

Các hiệp hội tiếp tục đề xuất gia hạn

Ông Dương Việt Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bình Phước, cho biết: “Theo tôi nắm được thì hiện có khoảng 9-10 hiệp hội vận tải các tỉnh đã có văn bản đề xuất gia hạn việc lắp camera trên xe KDVT đến hết ngày 31-12-2022”.

Theo ông Hùng, tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngành vận tải đã và đang gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Cụ thể, xe không hoạt động, tiền góp tiền vay ngân hàng hằng tháng phải trả, các loại chi phí như bảo dưỡng, bảo trì hằng tháng vẫn phải thực hiện... “Việc lắp đặt camera trên xe KDVT là chính đáng, đảm bảo an toàn giao thông. Việc này phải thực hiện nhưng với tình hình hiện nay, lắp đặt camera là khó khăn và là gánh nặng của ngành vận tải. Do đó, hiệp hội đề xuất gia hạn việc lắp camera đến hết ngày 31-12-2022” - ông Hùng cho hay.

Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bình Thuận cũng cho biết tính đến tháng 12-2021, tại tỉnh Bình Thuận dịch COVID-19 đã và đang đứng thứ năm trong cả nước. Trong đó, ngành vận tải là một trong những ngành cực kỳ khó khăn, hàng trăm ô tô không thể hoạt động sáu tháng nay, có những doanh nghiệp vận tải (DNVT) đứng trên bờ vực phá sản. Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bình Thuận cũng đề xuất dừng việc lắp camera đến khi tỉnh thực sự kiểm soát được dịch và ngành vận tải có thể hoạt động tối thiểu ba tháng liên tục hoặc cho phép gia hạn đến ngày 31-12-2022.

Khó thực hiện lắp camera cho xe kinh doanh vận tải trước 31-12 - ảnh 1
Việc lắp camera sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: V.LONG

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh này, cũng cho biết thời gian gần đây một số DNVT hành khách đã được hoạt động lại nhưng chỉ mục đích tạo dựng lại thương hiệu chứ thu nhập không thể đủ trang trải các khoản chi. Do vậy, việc lắp camera trong bối cảnh này sẽ thêm một gánh nặng cho các DNVT dù họ vẫn muốn chấp hành.

Tương tự, một số tỉnh như Đắk Lắk, TP.HCM cũng đồng tình với các đề xuất của các hiệp hội trên và đã có văn bản gửi tới Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Bộ GTVT.

Doanh nghiệp ủng hộ nhưng cần thời gian

Một DNVT hành khách từ Bến xe Miền Tây đi các tỉnh chia sẻ: “Hiện nay, mỗi ngày một xe chạy chỉ có 5-6 khách, mỗi tuyến cũng chỉ chạy được một chiếc. Do đó, chúng tôi chưa thể lắp camera vì còn đang khó khăn”. Vị này cho hay lắp một camera giá 4-5 triệu đồng, một xe phải lắp 3-4 camera là gánh nặng cho DNVT bởi sau thời gian tạm dừng hoạt động vì dịch, (DN) đã phải tốn kém rất nhiều loại chi phí khác.

Bà Nguyễn Ngọc Trang, Chủ nhiệm HTX Sen Việt, cho biết: “Hiện chúng tôi đã liên hệ được một đơn vị lắp đặt camera có khả năng cho đơn vị lắp đặt theo hình thức trả góp và chỉ cần trả trước 50%. Do vậy, HTX cũng đang vận động anh em thực hiện đúng quy định bởi một xe phải gồng chi phí hơn 20 triệu đồng thì các anh em không có đủ để trả”.

Bà Trang cũng chia sẻ hiện nay hành khách không có nên một số DNVT đang lừng khừng nửa muốn lắp camera nửa không. Một số DNVT khác còn có ý định bán xe, ngừng kinh doanh. “Nếu lắp camera xong nhưng xe không chạy thì các DNVT cũng không muốn thực hiện” - bà Trang nói.

 

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, sở thường xuyên đôn đốc các DNVT thực hiện theo quy định. Ông Hải cũng cho biết thêm trong văn bản Sở GTVT TP gửi tới Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cũng nêu ý kiến về việc các DNVT, hiệp hội vận tải về việc tiếp tục đề xuất gia hạn thời hạn lắp camera hết năm 2022.

Còn theo thanh tra giao thông, Sở GTVT TP, sở đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý việc lắp đặt camera trên xe KDVT trên địa bàn TP chia thành hai đợt. Theo đó, đợt 1 sẽ tiến hành kiểm tra từ ngày 10 đến 31-12, trong đợt này sẽ tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị KDVT thực hiện việc lắp đặt camera; đợt 2 từ ngày 1-1-2022, sẽ tiến hành và xử lý đối với đơn vị không tuân thủ quy định tại Nghị định 10.•

Doanh nghiệp không thực hiện sẽ xử lý theo quy định

Chiều 9-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cho biết trong một năm qua, đơn vị nhiều lần có văn bản, họp đốc thúc các DNVT thực hiện lắp camera theo đúng quy định (trước ngày 31-12-2021), tuy nhiên một số địa phương triển khai còn chậm. Gần đây nhất là ngày 6-12, Tổng cục ĐBVN tiếp tục họp trực tuyến với Sở GTVT trên cả nước yêu cầu tuyên truyền cho các DNVT đẩy nhanh tiến độ lắp camera vì thời hạn không còn nhiều.

Về kiến nghị lùi thời gian lắp camera, bà Hiền cho biết Tổng cục ĐBVN đã nhận được văn bản và giải thích rõ với các DN. “Cạnh đó, đến nay Chính phủ cũng chưa có chỉ đạo gì nên chúng tôi vẫn triển khai theo lộ trình, DN nào không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định” - bà Hiền khẳng định.

Bà Hiền cho biết hiện Tổng cục ĐBVN đã thành lập hai đoàn kiểm tra công tác lắp đặt camera trên ô tô KDVT trong cả nước. Thời gian bắt đầu kiểm tra từ ngày 13-12-2021. Các đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với các sở GTVT, DNVT về công tác triển khai đôn đốc lắp đặt camera và kết quả lắp đặt camera trên xe KDVT tại địa phương và khó khăn, vướng mắc, kiến nghị hoặc đề xuất.

Liên quan đến việc lắp camera trên xe khách, Tổng cục ĐBVN cũng vừa có văn bản đề nghị UBND 15 tỉnh, thành có tỉ lệ lắp camera thấp, khẩn trương chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu DNVT lắp đặt camera trên ô tô KDVT theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện KDVT.

Các tỉnh, TP được Tổng cục ĐBVN điểm danh gồm Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An.
( Theo plo.vn)