DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN KIỂM TRA

Cập nhật lúc: 03:39 | 20/03/2012

Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đã soạn thảo bản kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp vận tải và người dân khi thực hiện nghĩa vụ đóng các loại phí vận tải.  

 Hiệp hội giới thiệu toàn văn bản Kiến nghị và lấy ý kiến của Hội viên tạo ra sự đồng thuận xã hội.

            
       UBND TP HÀ NỘI
                                           Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

HIỆP HỘI VẬN TẢI TP HÀ NỘI                                        Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
   Số: 13 / Phản biện/2012/HH                                               
                                                                                                     Hà Nội, ngày 22 tháng  03 năm 2012

 KIẾN NGHỊ CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI THÀNH PHỐ HÀ NỘI 

VỀ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THU PHÍ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ
VÀ CÁC ĐỀ ÁN CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG

                                               Kính gửi :      - Bộ GTVT.

                          - Bộ Tài Chính.

                          - Bộ Tư Pháp.

                                               - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.

                          - Hội Đồng Nhân Dân TP Hà Nội.

                          - UBND TP Hà Nội.

                          - MTTQVN TP Hà Nội.

                          - Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội.

 Hiệp hội vận tải TP Hà Nội.
Trụ sở: Phòng101, Nhà B5, ngõ 1 Phố Khâm Thiên, Quận Đống Đa – Hà Nội.
ĐT: 04.38519996 - FAX: 04.35180040 - 0903435852
Email: lanbui69@gmail.com - Web : htahn.org

 Xin phép báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chính trị xã hội nghiên cứu, xem xét tháo gỡ các khó khăn thử thách của các Doanh nghiệp vận tải, của người dân (liên quan đến 40% dân số cả nước: 2 triệu 500 ngàn ô tô và 32 triệu xe máy) đồng thời xin đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm thực hiện Luật giao thông đường bộ, Nghị định thu phí bảo trì đường bộ, đề án hạn chế phương tiện cá nhân, phí lưu thông giờ cao điểm, các giải pháp cấp bách giảm thiểu ách tắc giao thông, đề án quản lý taxi, v.v...


A - Phí bảo trì đường bộ:

Luật GTĐB được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, điều 49 ghi rõ: “Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm

b) Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo qui định của pháp luật.

Khẩu hiệu của chúng ta là : “Mọi người sống và làm việc theo pháp luật”, vậy tất cả chúng ta phải chấp hành. Tuy nhiên Luật ra đời đã hơn 4 năm, người dân ít biết đến, Nghị 88/NQ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24/8/2011, công văn số 1702/TTg-KTN do phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 24/9/2011, trong dự thảo “Năm An toàn giao thông - 2012" của UBATGT có kế hoạch xây dựng văn bản, pháp luật, đề án: có 12 tên loại văn bản do các Bộ GTVT, Bộ công an soạn thảo, không có danh mục: Đề án thu phí lưu hành. Thế nhưng, ngày 29/12/2011 Bộ trưởng Bộ GTVT trình Thủ tướng đề án thu phí bảo trì đường bộ, ngày 13/3/2012 Thủ tướng ký nghị định số 18/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/6/2012. Thật là bất ngờ, người làm vận tải chưa chuẩn bị về tâm lý và tài chính để thực hiện.

Ở đây có một điều không thuận là: Thủ tướng Chính phủ ra nghị quyết số 30 về việc “đơn giản thủ tục hành chính” hạn định đến 30/3/2011 phải xong. Nếu đề án được thực hiện thì có lợi cho doanh nghiệp vận tải giảm thiểu thủ tục giấy tờ. Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Sở, Ban, Ngành các Hiệp hội vận tải, nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn mỏi mắt trông chờ, trong lúc đó thu tiền của các doanh nghiệp thì nói là làm ngay. Đó là điều không thuận lòng dân. Để có sự đồng thuận xã hội, giảm và giãn gánh nặng cho người dân, đề nghị các cơ quan “tiên lượng” trước để thực hiện các văn bản pháp luật có hiệu quả, đừng để phải lùi thời hạn hiệu lực như bằng FC, lắp đặt GPS.v.v...

Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận thấy:

1 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần thời gian để chuẩn bị quy trình lập quỹ, quản lý và sử dụng quỹ một cách chu đáo. Khối lượng văn bản hướng dẫn khá nhiều, phải tập huấn cho các Trạm kiểm định và các địa phương về nghiệp vụ, chứng từ, biểu mẫu, hạch toán v.v... Phối hợp với Bộ tài chính để hoàn thành Thông tư hướng dẫn và còn phải vượt được qua 2 cơ quan: Bộ Tư pháp và Cục kiểm soát hành chính – Văn phòng Chính phủ (tập huấn cho các Phường, Xã trong cả nước phải có thời gian).

2 - Phải bổ sung vào Nghị định 34/2010/NĐ-CP về thủ tục xử phạt hành chính để làm chế tài thực hiện (cần có thời gian, vì quy trình ban hành văn bản pháp luật phải lấy ý kiến các Bộ, Ngành).

3 - Về chính sách xã hội: đề nghị miễn hoàn toàn hoặc có lộ trình thu phí xe máy đối với thương binh vì họ đã bỏ một phần xương máu để có đời sống tốt đẹp hôm nay và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập còn chưa đủ ăn và các đối tượng chính sách khác .v.v...

4 - Thu ngay lập tức làm cho doanh nghiệp rất khó khăn bởi vì điện vừa tăng, xăng dầu tăng, trước ngày 01/7 phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (mỗi đầu xe gần 7 triệu đồng) thu ngay thì doanh nghiệp rất khó khăn.

Ví dụ:

- Công ty Giang Anh (Hải Phòng) 120 đầu container, ngày 01/6/2012 phải đóng 120 xe x 1.400đ x 6 tháng = 1.008.000đ (trong lúc đó còn phải trả nợ ngân hàng, sau tết hàng xuất nhập khẩu rất ít, luật lá trên đường nhiều).

-Công ty Hoàng Hà (Thái Bình) 300 đầu xe phải đóng một khoản phí rất lớn.

Ai đã làm vận tải thì mới thông cảm: lái xe lam lũ một nắng hai sương, ráo mồ hôi là hết tiền, dừng xe là hết tiền. Có ai làm giàu được nghề xe đâu ? (vốn hầu hết vay ngân hàng).

5 - Ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế: nếu không đủ tiền nộp phí thì xe không được lưu hành, hàng hóa xuất nhập khẩu ách tắc, công nhân lái xe thất nghiệp thì hậu quả khôn lường.

6 - Về lâu dài nên thu phí bằng công nghệ tin học, xe chạy nhiều thu nhiều để đảm bảo công bằng.

7 - Giải thể các trạm thu phí, nhà nước cần bố trí công ăn việc làm cho công nhân hết việc làm.

Bởi những lẽ trên, Hiệp hội vận tải Hà Nội kiến nghị:

a) Để cơ quan Nhà nước chuẩn bị quy trình thu phí và chủ phương tiện chuẩn bị tài chính, đề nghị lùi đến 01/01/2013 mới thu phí.

b) Mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay.

c) Phấn đấu sang năm 2014 thu phí bằng thẻ, lúc ấy sẽ tính lại và công bằng hơn.

d) Dự toán thu phí được 5.900 tỷ đồng, theo phương án đề xuất thì Nhà nước bổ sung hơn 6.300 tỷ đồng. Tình thế như thế này thì Nhà nước với nhân dân cùng chịu, cùng nhau chia sẻ. TƯ và địa phương áp dụng câu ghi trong Luật: “Các nguồn thu khác theo quy định của Pháp luật” sử dụng vốn các dự án còn thừa., tiền thu được từ xử phạt hành chính, tiền tiết kiệm khi điều chỉnh đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm ô tô, trang bị nội thất, giảm bớt hội họp, liên hoan, du lịch, trong và ngoài nước và đặc biệt là ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; địa phương thì đổi đất lấy hạ tầng, vận động nhân dân tham gia đóng góp công sức, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân hảo tâm ủng hộ chia sẻ với nhân dân.

 

B - Phí lưu thông trong nội đô:

 
Việc thu phí lưu thông phương tiện mới là đề xuất của Bộ GTVT, các mức thu đặt ra, các phương pháp thu chưa hợp lý. Thẩm quyền thu loại phí này thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm vụ Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND Thành phố Hà Nội, TPHCM soạn thảo. Vì vậy, Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Hiệp hội chưa có cơ sở để phản biện.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã đưa 2 loại: phí hạn chế xe cá nhân và phí hoạt động trong giờ cao điểm – Nếu có “lộ trình” thì thời gian còn dài, nếu là giải pháp “cấp bách” để giảm bớt ùn tắc giao thông Hiệp hội xin đề xuất:

-  Phương pháp thứ nhất: cấm ô tô là xe cá nhân, taxi hoạt động trong một số tuyến phố dễ ùn tắc trong giờ cao điểm. Cá nhân nào cần đi trong giờ cao điểm thì xin cấp "giấy phép vào phố cấm", ngoài giờ cao điểm đi lại tự do như xe tải nhỏ. Từ lâu nay Thành phố vẫn cấp giấy phép cho các loại xe du lịch vào phố cấm.

-  Phương pháp thứ 2: Cấm xe ô tô vào vành đai 1 – tiếp theo cấm vào vành đai 2 – xe ngoài vành đai 3 tự do hoạt động. Việc cấm xe máy chắc phải 5-10 năm nữa mới thực hiện được khi hạ tầng giao thông được cải thiện. Bây giờ cấm xe máy thì dân đi bằng phương tiện gì? Bây giờ có tăng thêm xe buýt thì không có đường cho xe buýt chạy và cũng không có vốn đầu tư, bến bãi tập kết, xưởng sửa chữa bảo dưỡng, nhân lực .v.v...

-  Đề nghị Bộ tài chính miễn thuế nhập khẩu cho phương tiện dùng làm xe buýt vì xe sản xuất trong nước chất lượng kém, sớm xuống cấp.

-  Phí lưu hành trong phố cấm chỉ thực hiện khi sử dụng chíp tài khoản, người dân phải làm quen với sử dụng thẻ từ để đảm bảo công bằng và thuận lợi, giảm bộ máy quản lý, xe chạy nhiều đóng nhiều, xe tải trọng lớn đóng cao hơn xe nhỏ.

 C - Đề án quản lý taxi: của UBND TP: xin để lại bàn chuyên đề riêng về taxi.

Hiệp hội xin đề nghị: Taxi là loại hình vận chuyển hành khách chở nhiều người, luân chuyển hành khách trên một phương tiện cả ngày, nên không đánh đồng nó vào phương tiện cá nhân. Đề nghị Nhà nước đưa loại hình taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng để địa phương quản lý quy hoạch có kế hoạch hạn chế, đầu tư điểm đỗ, bến bãi, ưu đãi với các loại phí v.v...

Trước mắt đề nghị Thành phố cho Hiệp hội thuê đất ở một số khoang gầm cầu: từ Linh Đàm - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng để làm điểm đỗ taxi và xe du lịch.

Bản kiến nghị này đã được Hội nghị Hiệp hội vận tải TP Hà Nội thông qua ngày 22 tháng 03 năm 2012.

Kính thưa các cơ quan Đảng và Nhà nước, qua các thông tin Hiệp hội nhận được: thu phí Bảo trì Đường bộ về cơ bản đồng thuận xã hội nhưng phí Lưu thông nội đô còn nhiều vấn đề cần cân nhắc, nhất là tính công bằng xã hội, tính minh bạch. Bà con ở Ba Vì, Phú Xuyên nói: “Chúng tôi có xe nhưng có vào nội đô đâu mà mỗi năm phải đóng 20 triệu trở lên và hàng năm tăng thêm 5% nữa – Sát nhập về Hà Nội mới chịu “quả” này !”.

Phí lưu thông trong Thành phố đương nhiên không ảnh hưởng đến việc đi lại của các Đại gia, của những người giàu có do làm ăn bất chính: buôn lậu, tham nhũng .v.v...

Chủ xe lách luật đăng ký xe tại các tỉnh lân cận, vậy xe mang biển kiểm soát các tỉnh vào Hà Nội có phải chịu phí này không ?

Phí Bảo trì Đường bộ thực hiện ngay sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, các Doanh nghiệp vận tải và sự đồng thuận của xã hội.

Nếu như lùi lại thời gian thực hiện, giảm một phần mức phí, đảm bảo sự bình đẳng công bằng thì sẽ tạo nên sự đồng thuận xã hội. Ngược lại, sẽ gây sự bức xúc của xã hội, tác động xấu đến sự phát tiển kinh tế xã hội, tiềm tàng tạo nên sự mất ổn định chính trị.

Xin kính trình các cơ quan Đảng và Nhà nước xen xét tìm được các giải pháp hợp lý nhất để đạt được các mục tiêu nhằm bảo trì Đường bộ và hạn chế được phương tiện cá nhân lưu thông nội đô.

Trân trọng cảm ơn!

 Nơi gửi:
- Như trên.
- Ban Bí thư TƯ Đảng.
- Ban Tuyên huấn TƯ.
- UB Thường vụ Quốc hội.
- Tổng liên đoàn LD VN.
- Liên minh HTX VN.
- MTTQ VN
- Hiệp hội vận tải ô tô VN.
- .........................................
- .........................................

HIỆP HỘI VẬN TẢI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 Bùi Danh Liên

 

 

                        

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 126
Lượng người truy cập:: 102.938.030