Xe khách đường mòn HCM, doanh nghiệp lo thất thu
Cập nhật lúc: 04:59 | 12/02/2012
Theo chỉ thị của Bộ GTVT và văn hướng dẫn thi hành của Tổng Cục đường bộ Việt Nam từ ngày 1-2, xe khách tuyến có cự ly từ 300km trở lên xuất phát từ Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đi các tỉnh thành phía Nam buộc phải đi theo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội đến Vinh (và ngược lại).
Đó là những băn khoăn lo lắng của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô khi thực hiện đề án phân luồng đường Hồ Chí Minh giai đoạn một.
Theo chỉ thị của Bộ GTVT và văn hướng dẫn thi hành của Tổng Cục đường bộ Việt Nam từ ngày 1-2, xe khách tuyến có cự ly từ 300km trở lên xuất phát từ Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đi các tỉnh thành phía Nam buộc phải đi theo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội đến Vinh (và ngược lại).
Hiện có rất ít xe khách đi trên đường Hồ Chí Minh. (Ảnh Internet)
Giai đoạn 1, Tổng cục Đường bộ đã gửi công văn đề nghị 22 sở GTVT điều chỉnh hành trình đối với một số tuyến xe khách liên tỉnh cố định, có cự ly từ 300 – 1.000 km. Đồng thời, 117 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trên 1.000km cũng đã nhận được thông báo điều chỉnh hành trình. Các sở GTVT chịu trách nhiệm lựa chọn 30% tổng số phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên các tuyến trên để điều chỉnh sang lộ trình mới và bố trí phương án tổ chức giao thông hợp lý.
Đồng tình nhưng phải có cơ chế
Để triển khai thực hiện quy định một cách nhanh chóng thuận lợi nhất, ngày 10/02 sở GTVT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp bàn về cách thức thực hiện, phương an tổ chức giao thông trên tuyến với lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh và lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô có liên quan.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Sở GTVT Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi đều đồng tình với việc cần phải tiếp tục tăng cường khai thác sử dụng hiệu quả đường Hồ Chí Minh, giảm tải cho quốc lộ 1 đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa. Ông Nguyễn Việt Thắng, PGĐ Sở GTVT Hà Tĩnh cho rằng: Từ 2006, tuyến đường Hồ Chí Minh đã được đưa vào khai thác nhưng hiệu quả chưa cao, trong khi QL1 đã quá tải và hư hỏng nặng, tai nạn và ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến khả năng phát triển của ngành vận tải”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội chủ trì buổi họp.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp vận tải “né” đường Hồ Chí Minh cũng có nguyên nhân riêng. Theo đại diện Sở GTVT Đà Nẵng: “Hiện đường Hồ Chí Minh không thu hút được các phương tiện vận tải là do cự ly phương tiện đi trên tuyến đường thường xa hơn rất nhiều so với QL1. Cùng với đó hạ tầng giao thông của tuyến đường này chưa hoàn thiện, các đường dẫn, khớp nối đều nhỏ, hẹp và đặc biệt là thiếu các dịch vụ như: trạm nghỉ, cứu hộ, cứu nạn, cây xăng... gây mất an toàn cho phương tiện”.
Chính vì thế nên khi triển khai thực hiện Thông tư 14 của Bộ GTVT và Văn bản hướng dẫn của Tổng Cục đường bộ VN các Sở GTVT đã gặp không ít khó khăn. Các sở đều kiến nghị Bộ GTVT và TCĐB VN cần phải hướng dẫn cụ thể và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng. Ví như: Việc quy định 30% số phương tiện của doanh nghiệp các Sở sẽ phải làm gì với những doanh nghiệp chỉ có 1 – 2 xe?, duy định mới có áp dụng với các xe bổ sung, xe đăng ký mới của các doanh nghiệp vận tải hay không?, các xe hợp đồng, xe du lịch theo tour cũng tham gia vận tải phải xử lý như thế nào?, Khi buộc các phương tiện chạy theo đường Hồ Chí Minh quãng đường tăng thêm, chi phí nhiên liệu phát sinh sẽ tính thế nào?.
Đại diện Sở GTVT đều lo ngại về nguy cơ mất an toàn đối với các phương tiện lưu thông trên đường Hồ Chí Minh.
Ông Minh, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT Quảng Bình kiến nghị, hiện tỉnh chỉ có 5 đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô với 12 phương tiện hoạt động, hầu hết các phương tiện này đều khởi hành trong đêm nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giảm tại QL1. Thêm vào đó, số lượng hành khách lên xe tại bến rất ít, nguồn thu của các doanh nghiệp vận tải khách chủ yếu dựa trên số khách lẻ nên nếu buộc họ đi vào đường Hồ Chí Minh chắc chắn họ sẽ gặp không ít khó khăn. Nên chăng TCĐB VN cần tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thông qua trợ giá nhiên liệu, giá vé...
Quy định không rõ ràng dễ tạo cơ chế xin cho
Theo văn bản hướng dẫn của TCĐB, các sở GTVT chịu trách nhiệm lựa chọn 30% tổng số phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên các tuyến trên để điều chỉnh sang lộ trình mới. Như vậy, các sở GTVT và các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc xác định phương tiện nào phải chạy theo lộ trình mới và phương tiện nào chạy theo lộ trình cũ. “Điều này địa phương không thể làm được và rất dễ nảy sinh tiêu cực, cơ chế xin cho” – Đại diện Sở GTVT Đà Nẵng khẳng định.
Các doanh nghiệp đều lo ngại việc đi đường Hồ Chí Minh họ sẽ không được
đón khách dọc đường. (Ảnh Internet)
Bên cạnh đó, việc TCĐB buộc các xe chay đang chạy tuyến cố định chuyển sang tuyến mới chắc chắn gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp. Bởi, khi đăng ký kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp đã nghiên cứu rất kỹ lộ trình, luồng tuyến, nhu cầu đi lại, số lượng hành khách, thấy có lãi họ mới làm. “Bây giờ, đột nhiên bắt họ thay đổi lộ trình thua lỗ thì chẳng ai chạy nữa. Hoặc họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu “làm luật” để được chạy tuyến cũ, thấp hơn nhiều so với chi phí phát sinh” - ông Bùi Danh Liên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Lãnh đạo các Sở GTVT cũng chỉ ra số lượng xe khách lưu thông trên QL1 thấp hơn rất nhiều so với xe tải chạy đường dài nên để giảm gánh nặng cho tuyến đường TCĐB cần xem xét việc thay đổi lộ trình hoạt động của loại phương này. Như vậy đề án mới thực sự đạt hiệu quả.
Khó nhưng vẫn có thể thực hiện được
Ông Nguyễn Hoàng Linh, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Việc thực hiện quyết định mới là đúng, quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn các sở cần tìm ra phương án tổ chức giao thông hợp lý và thông báo cho các doanh nghiệp lộ trình hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.
|
Đại diện Tổng Cục đường bộ Việt Nam phản bác ý kiến của các Sở về nguy cơ
mất an toàn trên đường Hồ Chí Minh.
|
“Nếu các Sở viện lý do phương tiện đi đường Hồ Chí Minh không an toàn để “né” quy định là không hợp lý. Bởi hiện vẫn có doanh nghiệp vận tải Văn Minh thường xuyên vận chuyển hành khách bằng tuyến đường này. Còn nếu so sánh số vụ TNGT xảy ra trên QL 1 với đường Hồ Chí Minh thì sẽ thấy đường nào an toàn hơn” – Đại diện Vụ vận tải pháp chế, Tổng Cục đường bộ VN.
Đường mới, xa khu dân cư chuyện thiếu các dịch vụ là chuyện phổ biến chứ không phải riêng đường Hồ Chí Minh. Ông Liên cho biết thêm: “Nhưng một khi có cầu ắt sẽ có cung, trong lúc nguồn cung chưa có các tỉnh có thể đi trước bằng việc lập ra các trạm cứu hộ khẩn cấp để hỗ trợ phương tiện trong trường hợp cần thiết”.
Ông Võ Hồng Sơn, GĐ Công ty TNHH Thanh Hồng Sơn kiến nghị: Thay vì ban hành quy định bắt buộc, Bộ GTVT, TCĐBVN có thể ra hạn hạn thực hiện, khuyến khích các doanh nghiệp tự bố trí phương án khai thác và có thời gian thử nghiệm sau đó mới điều chỉnh, như vậy, doanh nghiệp sẽ không bị động và chủ động được doanh thu. Với các tuyến xuất phát từ Bến xe Mỹ Đình, bến xe Yên Nghĩa buộc phải đi đường Hồ Chí Minh; tuyến Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm thì vẫn cho chạy theo tuyến cũ.
Qua cuộc họp có thể thấy, thời gian triển khai thực hiện đề án lần này quá gấp rút. Thời gian bắt đầu thực hiện từ 01/02 nhưng đến tận 26/01 các Sở mới nhận được văn bản chính thức khiến cho cả các Sở GTVT lẫn các doanh nghiệp đều bị động.
Dự kiến thời gian tới Tổng Cục Đường bộ sẽ tổ chức họp với 22 địa phương phải có xe chạy đường HCM để quán triệt, và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Văn Thanh
(GTVT)
Tin khác: