Nội dung chủ yếu của đề án: Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể kết hợp với phát triển du lịch, thương mại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tạo nét đẹp về văn hoá và văn minh đô thị đặc trưng của Hà Nội. Xây dựng các giải pháp tổ chức giao thông (phân luồng các tuyến vận tải hành khách công cộng và các phương tiện cá nhân; bố trí các điểm gửi xe phục vụ cho nhân dân; giải quyết các vấn đề về giao cắt giữa các tuyến phố với trục tyến phố đi bộ tại khu vực phố cổ triển khai đi bộ...) nhằm tạo ra không gian đi bộ tại các tuyến phố được xác định như sau: + Tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân. + Khu vực các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay). + Một đoạn phố Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền). + Tuyến phố Lê Thạch, Lê Lai (cạnh tượng đài Lý Thái Tổ). 2.1. Sự cần thiết tổ chức tuyến phố đi bộ Thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố năm 2004, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng "Tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển thương mại – du lịch – dịch vụ" trên tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân. Mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng trong quá trình hoạt động, tuyến phố đi bộ, chợ đêm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Khách du lịch khi đến đây đều có chung nhận xét, việc bố trí, sắp xếp gian hàng quá dầy đặc cũng như tình trạng các sạp hàng tự phát trên vỉa hè không theo quy hoạch đã gây khó khăn cho khách tham quan, điều này làm ảnh hưởng đến mục đích đi bộ và thưởng ngoạn của du khách. Phần lớn hàng hóa bày bán trên tuyến phố đơn điệu, lại không được niêm yết giá gây khó khăn cho du khách đến đây mua sắm. Tuyến phố đi bộ, chợ đêm chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, thời gian kinh doanh ngắn làm tăng chi phí lưu thông. Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, các làng nghề, phố nghề chưa muốn đầu tư, tham gia kinh doanh trên tuyến phố đi bộ chợ đêm. Tình trạng thiếu bãi gửi xe cho người dân và khách đến tham quan, mua sắm ngày càng trở nên trầm trọng; mức phí trông giữ xe cũng không tuân thủ theo qui định của nhà nước. Các phương án tổ chức giao thông tại các phố có nút giao với tuyến phố đi bộ còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là vào các ngày lễ, tết. Do đó việc tổ chức giao thông cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn. Cũng như nhiều thủ đô khác trên thế giới, nhu cầu về các khu phố đi bộ tại khu vực đô thị trung tâm là tất yếu đối với một đô thị mang nhiều nét văn hóa truyền thống như Hà Nội. Việc phát triển mở rộng thêm khu phố đi bộ ở khu vực trung tâm Hà Nội sẽ tạo cho Hà Nội có không gian đi bộ nhằm phát huy nét giá trị văn hóa cổ, đồng thời phát huy tiềm năng về du lịch, thương mại, dịch vụ vốn có của "Hà Nội 36 phố phường". Vì vậy, cần có một đề án “Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm – Hà Nội" trong đó tập trung cho công tác tổ chức giao thông tạo nhằm tạo ra một không gian đi bộ cho người dân đến tham quan, mua sắm, vui chơi tại khu vực phố cổ Hà Nội. Trên cơ sở đã triển khai tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho công tác tổ chức, khai thác và vận hành phố đi bộ phù hợp với điều kiện đặc trưng của khu vực phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đề án tập trung nghiên cứu sâu về việc tổ chức giao thông, tính toán bố trí chỗ đỗ xe, bố trí điều chỉnh các tuyến xe buýt vào các ngày triển khai tuyến phố đi bộ và đề ra các cơ chế chính sách quản lý vận hành tuyến phố đi bộ phù hợp với thực tế. Phạm vi triển khai đề án sẽ là các tuyến phố đi bộHàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền) và thời gian tổ chức đi bộ vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn. 2.2. Khảo sát và điều tra xã hội học a. Mục đích: Đề án tổ chức phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là vấn đề mang tính xã hội cao và đa dạng về đối tượng chịu ảnh hưởng, không chỉ người dân sinh sống trực tiếp tại khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khu vực các tuyến phố lân cận và toàn bộ các hộ kinh doanh buôn bán. Bên cạnh đó, khi tổ chức tuyến phố đi bộ cũng ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch, thương mại của thành phố. Do đó, để có cơ sở dữ liệu chính xác và tăng tính khả thi thì rất cần phải tiến hành điều tra xã hội học và lấy ý kiến của nhân dân. b. Kết quả điều tra xã hội học: Tháng 10/2011 đề án đã tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học cho khu vực triển khai tuyến phố đi bộ gồm 2 khu vực chính: khu vực ảnh hưởng trực tiếp tại các tuyến phố triển khai đi bộ (925 hộ) và khu vực ảnh hưởng gián tiếp (5.890 hộ). Kết quả điều tra như sau: v Khu vực ảnh hưởng trực tiếp: Trên các tuyến phố: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền(từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền) có 925 hộ dân tương ứng với 3.253 nhân khẩu. Kết quả điều tra có phiếu ủng hộ 657 phiếu ủng hộ (chiếm 71%) và số phiếu không ủng hộ và ý kiến khác là 268 phiếu (chiếm 29%). v Khu vực ảnh hưởng gián tiếp: Gồm 44 tuyến phố có liên quan khi triển khai tuyến phố đi bộ thuộc địa bàn 10 phường gồm: Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Đào, Hàng Trống, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Lý Thái Tổ, Hàng Bồ với tổng số 29.549 nhân khẩu. Kết quả điều tra cho thấy sự ủng hộ cao của nhân dân trên địa bàn các phường tiến hành điều tra xã hội học. Số phiếu ủng hộ 4.147 phiếu (chiếm 70,4%), số phiếu không ủng hộ và ý kiến khác 1.743 phiếu (chiếm 29,6%). c. Điều tra về số phương tiện và nhu cầu gửi xe: Khu vực triển khai tuyến phố đi bộ (925 hộ) có 1.529 phương tiện trong đó chủ yếu là xe máy chiếm trên 95%. Kết quả điều tra cho thấy phần lớn phương tiện được để tại nhà của người dân (chiếm 78,54%) và số phương tiện còn lại là được gửi tại các bãi gửi xe lân cận khu vực kinh doanh buôn bán của người dân (chiếm 21,46%). Số xe ô tô (38 xe) của người dân khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ hiện đã được gửi tại các bãi gửi xe nên việc tổ chức phố đi bộ không ảnh hưởng nhiều đến các hộ này. Do đó, khi tổ chức tuyến phố đi bộ cần tính toán bố trí các điểm gửi xe đủ đáp ứng cho người dân sinh sống tại khu vực đề án triển khai và cả cho khách đến tham quan, mua sắm nhằm giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian triển khai tuyến phố đi bộ. 3. Phương án tổ chức tuyến phố đi bộ 3.1. Về thời gian đề xuất thực hiện Đề án kiến nghị thời gian tổ chức tuyến phố đi bộ tại các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền) cụ thể:
3.2. Nguyên tắc tổ chức giao thông khi triển khai phố đi bộ - Không tổ chức kinh doanh dưới lòng đường để không ảnh hưởng đến việc đi bộ của nhân dân. - Cho phép xe điện được hoạt động trong khu vực phố đi bộ phục vụ khách du lịch. - Các xe công vụ, xe thư báo, xe đưa đón học sinh... sẽ được xem xét cấp phù hiệu để đi vào các tuyến phố trên (điều kiện xe ô tô chỉ được chạy với vận tốc <15km/h và theo sự hướng dẫn của người điều khiển giao thông). - Các phương tiện vệ sinh môi trường, vận tải hàng hoá...sẽ được vào các tuyến phố đi bộ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng. 3.3. Phương án tổ chức giao thông tại các nút giao thông với tuyến phố đi bộ Tại các nút giao thông với tuyến phố đi bộ (tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân) triển khai lắp đặt ngay hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Người đi bộ và các dòng phương tiện khi tham gia giao thông qua khu vực phố đi bộ đều phải chấp hành theo tín hiệu điều khiển giao thông để đảm bảo an toàn giao thông. Trong thời gian đầu triển khai tuyến phố đi bộ đề nghị cần bố trí thêm người điều khiển giao thông tại các nút giao để hỗ trợ và điều tiết giao thông nhằm tạo thói quen cho người tham gia giao thông. 3.4. Phương án bố trí các điểm gửi xe v Nguyên tắc bố trí các điểm gửi xe máy, ô tô của đề án: + Đối với xe máy: Được gửi vào các vị trí được đề xuất của đề án. + Đối với ô tô: Được gửi tại các vị trí đề xuất của đề án, ngoài ra còn tận dụng để tăng khả năng phục vụ giữ xe tại các điểm trông giữ ô tô Phùng Hưng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…. vào các dịp lễ lớn. + Bố trí các điểm gửi xe cho người dân người dân sinh sống tại khu vực phố đi bộ đảm bảo khoảng cách từ vị trí gửi xe đến nhà không quá 500m. + Trong các dịp lễ hội lớn sẽ tận dụng thêm các tuyến phố lân cận khu vực tổ chức đi bộ để tăng khả năng phục vụ nhu cầu gửi xe gửi. v Phương án bố trí các điểm gửi xe cho người dân: Theo tính toán của đề án, tổng diện tích của 14 điểm đỗ xe đề án bố trí được là: 5.670 m2 (chi tiết trong Phụ lục 2). Tổng diện tích đáp ứng cho người dân khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ được tính toán là: 3.823 m2 (chi tiết trong Phụ lục 2). Do đó, diện tích dự phòng cho việc trông giữ xe đạp, xe máy là: 1.847 m2(sức chứa trên 600 xe máy) đảm bảo đáp ứng một phần nhu cầu gửi xe cho khách đến tham quan, mua sắm tại khu vực triển khai tuyến phố đi bộ. Trường hợp đặc biệt, vào các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước khi lượng phương tiện tăng đột biến sẽ tổ chức tận dụng các tuyến phố lân cận khu vực triển khai tuyến phố đi bộ để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu gửi xe. v Phương án rào chắn: Được thực hiện nhằm phân vùng giữa khu vực triển khai phố đi bộ và khu vực lưu thông bình thường. Hệ thống rào chắn phải đảm bảo tính cơ động cao, chi phí thấp và tạo mỹ quan đô thị. 4. Các quy định khi tổ chức triển khai phố đi bộ 1. Người dân trong khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ được cấp phù hiệu riêng để dắt xe vào nhà hoặc gửi xe tại các bãi xe do Sở giao thông vận tải và UBND quận Hoàn Kiếm bố trí. 2. Khi đưa phương tiện (xe máy, xe đạp) ra khỏi khu vực phố đi bộ trong thời gian qui định, người dân có thể gửi vào tại các bãi gửi xe đến hết thời gian qui định mới đưa phương tiện về hoặc dắt phương tiện vào nhà. 3. Xe ô tô được gửi tại các bãi đỗ xe qui định (điểm trông giữ ôtô Phùng Hưng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật….). 4. Đối với ô tô thuộc các cơ quan có trụ sở tại khu phố tổ chức đi bộ được cấp phù hiệu và để xe trong khu vực của cơ quan. 5. Đối với xe công vụ, xe thư báo, xe đưa đón học sinh…sẽ được xem xét cấp phù hiệu để đi vào tuyến phố trên (điều kiện xe ô tô chỉ được chạy với vận tốc <15km/h và theo sự hướng dẫn của người điều khiển giao thông). 6. Đối với các xe chở khách du lịch sẽ bố trí đón trả khách tại vị trí điểm đỗ xe Trần Quang Khải hoặc trước cửa Nhà hát lớn Thành phố. Sau đó khách sẽ đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện. 7. Đối với các tuyến xe buýt có lộ trình tuyến đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh tại khu vực tuyến phố lân cận theo nguyên tắc tiếp cận gần nhất khu vực tuyến phố đi bộ. 5. Tổ chức thực hiện 5.1. Tạo không gian đi bộ và các hoạt động thương mại: Với các phương án tổ chức giao thông bằng cách phân luồng tại các tuyến phố triển khai đi bộ và tạo thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt và buôn bán cho nhân dân sinh sống tại khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ đã được nhân dân đồng tình cao. Phương án tổ chức tuyến phố đi bộ khi triển khai sẽ tạo không gian đi bộ hợp lý nhất và cũng sẽ dành được không gian cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các họat động kinh doanh, buôn bán. Các phương tiện (ô tô, xe đạp, xe máy) của nhân dân trong khu vực triển khai tuyến phố đi bộ và khách đến tham quan du lịch, buôn bán... đã được tính toán bố trí chỗ gửi xe với khoảng cách hợp lý tạo sự thuận tiện. Trong không gian phố đi bộ do Sở Giao thông vận tải tổ chức, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng với các Sở, ngành và các hộ kinh doanh sẽ tạo ra một khu vực phát triển thương mại, du lịch tham quan các di tích lịch sử phù hợp tạo nét đặc trưng văn hóa của khu vực các tuyến phố đi bộ: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền). 5.2. Phân công thực hiện 5.2.1. Sở Giao thông vận tải: - Tổ chức phân luồng giao thông, tạo không gian cho phố đi bộ về mặt giao thông vận tải và thuận lợi cho nhân dân. - Tăng cường lực lượng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong các ngày tổ chức tuyến phố đi bộ. - Bố trí, tổ chức giao thông và điều chỉnh lại các tuyến buýt và các tuyến vận chuyển khách du lịch tại khu vực phố cổ phù hợp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. 5.2.2. UBND quận Hoàn Kiếm: - Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành khi triển khai tuyến phố đi bộ. Trước mắt thí điểm thực hiện vào thứ bảy, chủ nhật sau đó mở rộng thêm thời gian và không gian trong giai đoạn tiếp theo. - Chủ động xây dựng các phương án phát triển thương mại, dịch vụ nhằm đảm bảo ổn định hoạt động thương mại và đời sống nhân dân trên địa bàn quản lý trong thời gian tổ chức tuyến phố đi bộ. - Phối hợp với các Ban, ngành và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. - Phối hợp với Sở GTVT, công an Thành phố trong việc bố trí quản lý, khai thác các điểm đỗ xe, bến, bãi đỗ xe trên địa bàn quản lý. |
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP | ĐT: 0933668258 | ||
Văn phòng | ĐT: 0243.8519996 |