Từ ngày 1-6: xe máy, ôtô phải đóng phí bảo trì đường bộ

Cập nhật lúc: 02:25 | 15/03/2012

- Theo nghị định 18/2012/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ban hành, quy định về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-6, các loại ôtô, xe máy sẽ phải đóng phí này.  

Ông Nguyễn Văn Quyền, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng mức phí thu cho từng loại phương tiện và tuần sau ban hành mức thu, cách tổ chức thu cụ thể. Theo đó, ôtô sẽ được thu qua kỳ đăng kiểm, xe máy giao cho địa phương thu.

Trước đó, trong dự thảo trình Thủ tướng về quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất mức thu phí ôtô theo bảy nhóm. Mức thấp nhất đối với ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng/tháng; mức cao nhất đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với môtô, xe gắn máy mức thu 80.000-120.000 đồng/năm (tùy theo dung tích xilanh).

Số phí thu được theo phương án này là 5.987 tỉ đồng/năm và ngân sách nhà nước bổ sung 6.312 tỉ đồng/năm để đảm bảo nhu cầu bảo trì, sửa chữa đường bộ. Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu thực hiện cách thu này sẽ bỏ hết các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước trên quốc lộ, chỉ giữ lại các trạm BOT.

Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách thuế, quan điểm của Bộ Tài chính là sẽ cân nhắc trên cơ sở làm sao mức thu phí không quá cao trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, gây khó khăn cho người dân mà vẫn đảm bảo nguồn để bảo trì đường sá.

* Sáng 14-3, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc sau thời gian ngắn triển khai việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học, cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết sau khi thực hiện giải pháp điều chỉnh giờ, mật độ phương tiện giảm 10-15% trong khung giờ cao điểm. Thời gian từng chuyến đi của các phương tiện tham gia giao thông như xe máy, ôtô cũng giảm trung bình 10-15 phút tùy theo chặng đường. Tức từ việc ùn tắc nghiêm trọng thành ùn tắc nhẹ và ùn tắc cục bộ tại một số nút giao thông chứ chưa làm thay đổi hẳn tình trạng giao thông ở thủ đô.

Về giải pháp cấm trông giữ xe, ông Trần Thùy - phó giám đốc Công an TP Hà Nội - cho rằng giải pháp này đã trả lại đường thông hè thoáng nhưng cũng nảy sinh bức xúc về vấn đề điểm đỗ giao thông tĩnh cho các phương tiện. Để cấm tổ chức trông giữ xe tại các tuyến phố, vấn đề đầu tiên là phải bố trí, sắp xếp các điểm đỗ mới, đặc biệt việc thực hiện các dự án bãi đỗ xe lắp ghép phải triển khai trước. “Ngay bây giờ cấm thì nhu cầu đỗ xe vẫn còn. Do vậy việc yêu cầu làm 4-5 bãi đỗ xe lắp ghép từ nay đến cuối năm 2012 phải thực hiện quyết liệt” - ông Thùy nói.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng tất cả giải pháp Hà Nội đang triển khai nhằm giảm ùn tắc đều mang tính cấp bách, tình thế. “Trong triển khai có nhiều vấn đề bất cập đã được báo chí phản ánh. TP chủ trương sẽ thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc một cách cương quyết và mạnh dạn điều chỉnh bất cập vì với hạ tầng không đáp ứng nổi như hiện nay, nếu không áp dụng các giải pháp cấp bách thì không còn cách nào khác” - ông Thảo nói.

Trước mắt, ông Thảo đồng ý với kiến nghị của Sở Giáo dục - đào tạo cho phép các trường THPT tại các khu vực không gây ùn tắc, xa trung tâm của các quận huyện Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm được học theo lịch học cũ. Đồng thời chấp thuận cho các quận huyện được sử dụng các vị trí đất trống, đất chưa sử dụng để bố trí làm bãi đỗ xe.

Liên quan đến chủ trương lập lại trật tự hè phố, ông Thảo chỉ đạo các quận huyện phải quyết liệt trong việc xử lý tình trạng các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 
htahn.org
(tuoi tre)

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 184
Lượng người truy cập:: 103.077.794