Doanh nghiệp vận tải đồng loạt tăng giá
Cập nhật lúc: 09:56 | 01/02/2012
Đúng như dự báo, sau Hà Nội, bắt đầu từ tháng 3 các hãng vận tải ở TPHCM và Đà Nẵng bắt đầu đua nhau tăng giá cước theo giá xăng dầu.
TPHCM: Taxi, xe khách, buýt… “rủ nhau” tăng giá
Tăng đầu tiên là các hãng taxi. 2, 3 ngày sau khi giá xăng tăng là đã có doanh nghiệp đăng ký tăng giá. Đến nay thì tất cả các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP đã đăng ký tăng giá chừng 1.000 - 1.500 đồng/km (mức tăng từ 12 - 15%) và lần lượt đưa xe đi điều chỉnh đồng hồ cước. Dự kiến đến hết tuần này thì tất cả taxi trên địa bàn TP sẽ áp dụng giá mới.
Cụ thể, “ông lớn” Vinasun vẫn giữ giá mở cửa là 10.000 đồng, nhưng giá mỗi km đã tăng lên 13.500 đồng đối với dòng xe 4 chỗ (tăng 1.500 đồng/km). Đối với xe innova 7 chỗ, giá cước là 14.000 đồng/km (dòng J) và 14.500 đồng/km (dòng G). Các hãng taxi lớn khác như Mai Linh, Comfort Savico, vinataxi… mức tăng cũng tương tự như Vinasun. Một số hãng khác còn tăng cả giá mở cửa lên thêm 1.500 - 2.000 đồng.
Tính đến ngày 2/3, tại bến xe Miền Tây đã có gần 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đăng ký tăng giá cước với mức từ 10% đến 20% như Công ty Hiệp Thành, Thiên Thiên Hương, Hoàng Vân, Hoàng Xuân… Do các tuyến về miền Tây lộ trình ngắn nên giá tăng chủ yếu là từ 10.000 - 20.000 đồng/vé.
Cùng thời điểm, tại bến xe miền Đông đã có hơn 30 doanh nghiệp kê khai tăng giá, mức tăng cũng là từ 10% đến 20%, chủ yếu là các hãng xe vừa và nhỏ như HTX Đông Bắc, HTX Trung Nam, HTX Vận tải, Du lịch Miền Đông...
Các doanh nghiệp lớn thì thận trọng hơn vì phải để ý đến các hãng cạnh tranh. Như Kumho SAMCO thì tăng trung bình 10.000 đồng/vé tuyến TPHCM đi Phan Thiết từ ngày 4/3, tuyến TPHCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu tăng thêm 5.000 đồng/vé từ ngày 9/4; hãng Phương Trang cũng đã có kế hoạch tăng giá vé trung bình từ 10 - 15% tùy tuyến từ ngày 7/3…
Giá xe buýt có trợ giá vừa được TP chấp thuận cho tăng giá thêm 1.000 đồng/vé từ ngày 1/1/2011 nên sẽ không tăng giá nữa. Tuy nhiên, các tuyến xe buýt không trợ giá vẫn sẽ tăng theo giá xăng dầu. Cụ thể, theo Liên hiệp HTX xe buýt TP thì có khoảng 10 tuyến xe buýt không trợ giá của TP sẽ tăng khoảng 15-20%, tức là tăng 1.000 đồng/vé.
Khoảng 100 doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng đã thỏa thuận xong mức tăng giá cước vận tải từ tháng 3 này. Theo đó, mức tăng sẽ từ 12,5% - 20% tùy theo cự ly vận chuyển và loại hàng vận chuyển là hàng rời, hàng kiện hay container…
Đà Nẵng: Doanh nghiệp vận tải đau đầu với giá
Cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa khác ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Thùy, Giám đốc Công ty vận tải hàng hóa Song Toàn cho biết: Kinh doanh vận tải hàng hóa giờ khó “ăn” quá. Giá xăng dầu lên rồi phụ tùng lên… cuối cùng kinh doanh vận tải chẳng lời được bao nhiêu.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, chi phí chở một container 40 feet từ TPHCM ra Đà Nẵng và trả vỏ về chỗ cũ trước đây hết 20 triệu đồng. Nay phải tăng lên ít nhất 22 triệu đồng doanh nghiệp mới có thể kiếm chút lãi.
Trên phương diện quản lý, ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ TP Đà Nẵng cho biết: “Biên độ tăng xăng dầu lần này quá cao buộc chúng tôi phải tính toán lại. Những hợp đồng nhỏ lẻ thì Hiệp hội đã tăng trên 10% còn các hợp đồng đã ký từ quý 4/2010 thì chúng tôi phải thương thảo lại với chủ hàng cho hợp lý”.
Theo ông Hòe, hiện Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ TP Đà Nẵng đang trong quá trình thương lượng với các chủ hàng để có một mức giá hợp lý, có nơi chấp nhận tăng 10%, có nơi chịu tăng 15%. Tuy nhiên, ông Hòe cho biết mức tăng từ 15 - 18% là hợp lý đối với tình hình vận tải ở khu vực miền Trung.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Ba - Chủ tịch Hiệp hội Vân tải ô tô Đà Nẵng cho biết, bắt đầu từ ngày 4/3, các doanh nghiệp vận tải khách ở Đà Nẵng sẽ áp dụng giá cước mới với mức tăng từ 12% đến dưới 20% tùy tuyến. Nguyên nhân là dầu diezel vốn được sử dụng phổ biến trong ngành vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ đã tăng giá gần 25%.
Tuy nhiên, tại bến xe khách Đà Nẵng, một số tuyến xe đã tăng giá ngay sau khi giá dầu tăng như tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng - Huế tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/chuyến, vé xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam) tăng thêm 5.000 đồng lên 30.000 đồng/lượt ... dù giá vé tại bến vẫn niêm yết theo giá cũ.
Trước đó, từ ngày 28/2, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cũng đã thống nhất điều chỉnh mức giá mới tăng từ 1.000 - 1.200 đồng/km, tương đương với khoảng 10 - 15% so với mức giá trước khi giá dầu tăng.
Tin khác: