Chi 74 tỷ đồng để xây bến xe tạm ở Pháp Vân: Tránh lãng phí, không cần thiết...

Cập nhật lúc: 12:41 | 01/08/2013

 Nhằm “giảm tải” bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội vừa mới trình phương án làm bến xe tạm tại khu vực Pháp Vân – Cầu Giẽ. Phương án này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Trong đó nhiều ý kiến bày tỏ sự không tán thành.

 Phản hồi từ doanh nghiệp

Được biết, phương án trên được “hoàn thành” sau 18 ngày tiến hành lập quy hoạch. Đơn vị thực hiện là TCty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã trình phương án thiết kế bến xe loại 1 với diện tích sử dụng 2,8ha (vị trí là đảo giao thông hiện tại kết nối giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3), tổng mức đầu tư khoảng 74 tỷ đồng (chưa kể các phương án kèm theo làm đường phía ngoài bến xe để phục vụ xe ra vào bến, nhiều khả năng chi phí sẽ còn phát sinh do đội giá).

Theo phương án thiết kế của TEDI, bến xe gồm 3 cửa ra vào ở 3 hướng. Trong đó, một cửa mở thẳng ra đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (tuyến đường đang được khai thác tốc độ cao, đã có dự án nâng cấp thành cao tốc); một cửa dành cho xe khách, ô tô con, xe máy ra vào bến hướng thẳng ra ngã 3 giao cắt giữa tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Vành đai 3, một điểm ùn tắc thường xuyên hiện nay.

Nhiều lý do được đưa ra để “cắt nghĩa” cho sự cần thiết của bến xe tạm này. Trong đó không khó để nhận thấy, ý tưởng xây dựng bến xe tạm trên, bắt nguồn từ sức ép giảm tải ở bến Mỹ Đình. 

Theo kế hoạch “giảm tải” Sở GTVT Hà Nội đưa ra, hơn 300 xe bị chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình và phần lớn bị đưa về bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tuy nhiên, việc điều chuyển như vậy đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của doanh nghiệp vận tải các tỉnh. Bởi lẽ, nếu bị đưa về bến xe Yên Nghĩa rất nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn, vì đó không phải là tuyến thuận lợi với nhiều tỉnh phía Nam và phía Bắc. Đó là chưa kể đến việc hành khách sẽ phải tăng chí phí, mất thời gian để đi sang bến mới bắt xe. 

Ngày 25-7 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý xây dựng bến xe tạm. Tuy nhiên tại cuộc họp này, nhiều ý kiến của các chuyên gia giao thông bày tỏ sự băn khoăn nghi ngại về tính khả thi của dự án; thậm chí có thể nói “phương án” xây dựng bến xe đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận. 

Theo TS. Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT): “Vị trí để xây dựng “bến xe tạm”, theo phương án của Sở GTVT quá nhạy cảm về giao thông, nếu bến tồn tại 7 năm, tức là đến 2020 như đề xuất của Sở GTVT thì nên chọn vị trí khác vì thời gian tồn tại của bến dài như vậy không thể gọi là ngắn hạn, cấp bách. Ở góc độ quy hoạch giao thông – đảm bảo an toàn, thì việc mở cổng bến ra đường cao tốc không bao giờ được”.

Ý kiến khác lại cho rằng, Pháp Vân là cửa ngõ quan trọng của Thủ đô Hà Nội, nơi giao lưu kinh tế văn hóa giữa Thủ đô với nhiều tỉnh bạn, đón đưa rất nhiều khách đến Hà Nội du lịch cũng như buôn bán kinh doanh, mà chứng kiến ngay cảnh ồn ã của bến xe, về cảm quan là không ổn, do đó nên tìm vị trí khác. 

Những ý kiến “phản đối” không phải là thiếu cơ sở, có thể thấy địa điểm mà Sở GTVT dự tính xây dựng bến xe tạm, cách không xa hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. Nếu bến xe tạm là cần thiết, vậy thì vai trò của hai bến xe nói trên như thế nào?

“Để “giảm tải” cho bến xe Mỹ Đình, trước hết đề nghị xác định vai trò của bến xe Nước Ngầm  và Giáp Bát. Thứ nhất, hai bến xe này đều nằm ở phía Nam, cách không xa địa điểm mà Sở GTVT dự tính xây dựng mới hoàn toàn, một bến xe tạm với kinh phí 74 tỷ đồng. Thứ hai, theo dự tính hai bến xe này vẫn còn thừa năng lực đón khoảng 1.000 xe/ngày. Vậy thì có nên xây bến mới nữa hay không” – đại diện một DN vận tải phân vân. 

“Đáp lại” những ý kiến trái chiều trên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc xây dựng bến xe tạm này là cần thiết, nhằm “giảm tải” cho bến xe Mỹ Đình, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân cũng như DN trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến phản đối đều cho rằng, vấn đề bức xúc cho xe khách hiện nay như thế nào phải được làm rõ. Và quá tải hay không quá tải, thì lãnh đạo quản lý bến xe là người biết rõ nhất. Báo cáo của Sở GTVT cũng cho biết, hiện tại bến xe Mỹ Đình có hơn 1.000 xe được phép hoạt động, tuy nhiên thực tế chỉ có 70 đến 80% của con số nói trên, đang hoạt động tại bến xe này.

Khu vực được “lựa chọn” để làm bến xe tạm, dự trù kinh phí ban đầu khoảng 74 tỷ đồng.    Ảnh: Sỹ Hào

Chưa cần thiết…

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh sự việc này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm cho rằng, việc xây dựng bến xe tạm như đề xuất của Sở GTVT Hà Nội là chưa cần thiết. 

Theo ông Bùi Danh Liên, việc “giảm tải” bến xe Mỹ Đình “đụng chạm” đến 20 tỉnh thành với hàng trăm DN vận tải, hàng triệu lượt hành khách. Nên những nhà quản lý thực sự có kiến thức về vận tải, hiểu được khó khăn của DN thì “phương án” cần phải được bàn luận và tính toán kỹ, dựa trên những điều tra khảo sát khoa học, chứ không thể tùy tiện vội vàng.

“Trong tương lai, Hà Nội có thể sẽ cần thêm bến xe mới, nhưng hiện tại và vài năm tới thì chưa cần thiết. Bởi lẽ, công tác quy hoạch của Thủ đô Hà Nội có nhắc tới việc duy trì 5 bến xe: Giáp Bát; Mỹ Đình; Lương Yên; Nước Ngầm; Gia Lâm. Ngoài ra, còn phải kể đến bến xe Yên Nghĩa là bến thứ 6 khi Hà Tây nhập về Hà Nội. Với số lượng hơn 300 xe cần giảm tải từ bến Mỹ Đình, không nhất thiết phải đẩy về Yên Nghĩa, vì thực ra bến này chỉ phù hợp với các xe chạy đường 6. Còn các xe chạy tuyến phía Bắc, như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên… thì chắc chắn bến Mỹ Đình là hợp lý nhất. 

Đối với các xe chạy tuyến phía Nam như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… thì bến xe Giáp Bát, Lương Yên, Nước Ngầm là các vị trí phù hợp.

“Ách tắc hay không, là tiếng nói từ DN vận tải, từ người dân và những người trực tiếp quản lý bến xe. Theo kết quả khảo sát mà Hiệp hội Vận tải Hà Nội tiến hành, ở toàn bộ các bến xe nói trên, tôi khẳng định rằng với hơn 300 xe di chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình, chỉ cần chia về Lương Yên, Giáp Bát và Nước Ngầm là được. Hiện tại, bến Nước Ngầm và Lương Yên đều có thể tiếp nhận tới gần 200 xe mỗi bến. Vậy thì, để tránh lãng phí cơ quan chức năng nên cân nhắc việc “đổ ra” 74 tỷ đồng tiền ngân sách để làm bến tạm, trong điều kiện hiện tại có cần thiết hay không?” – ông Bùi Danh Liên nghi ngại.  

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không nên xây dựng bến xe tạm vì nhiều lẽ. Thứ nhất, bến xe tạm được xây dựng, đồng nghĩa với việc vi phạm quy hoạch xây dựng bến xe và bãi đỗ xe (vẫn còn hiệu lực) trên địa bàn Thủ đô đã được phê duyệt. Thứ hai, theo quy hoạch đã được công bố, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ còn mở rộng thêm 2 làn xe nữa, vị trí bến tạm – nếu được xây dựng, sau này tiếp tục sẽ phải di dời, lại gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. 

“Rót 74 tỷ đồng, một khoản tiền có thể gọi là “khổng lồ”, cho một việc làm “tạm bợ”, sau này lại tiếp tục di chuyển. Vai trò của các bến xe Lương Yên; Giáp Bát; Nước Ngầm… ở đâu? Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại: Ngân sách eo hẹp, người dân đang ra sức thắt lưng buộc bụng, doanh nghiệp đang gồng mình chống chọi với nguy cơ phá sản… có nên hay không? Vì vậy, cơ quan chức năng khi đưa ra quyết sách cần phải “liệu cơm gắp mắm”, sao cho hợp lý và tránh lãng phí không cần thiết” – ông Ngọc, GĐ một doanh nghiệp vận tải thuộc địa bàn Thủ đô bày tỏ.   

 TS. Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT):
“Vị trí để xây dựng bến xe tạm, theo phương án của sở GTVT quá nhạy cảm về giao thông, nếu bến tồn tại 7 năm, tức là đến năm 2020 như đề xuất của Sở GTVT thì nên chọn vị trí khác vì thời gian tồn tại của bến dài như vậy không thể gọi là ngắn hạn, cấp bách. Ở góc độ quy hoạch giao thông – đảm bảo an toàn, thì việc mở cổng bến ra đường cao tốc không bao giờ được”.
                                                                     ( Theo Pháp luật & xã hội )
 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 175
Lượng người truy cập:: 87.411.646