XE GIƯỜNG NẰM SẼ BỊ CẤM HOẠT ĐỘNG Ở CÁC TUYẾN ĐƯỜNG MIỀN NÚI QUANH CO: CÚ "PHANH GẤP " CỦA BỘ TRƯỞNG THĂNG

Cập nhật lúc: 11:55 | 06/09/2014

Sau vụ tai nạn xe khách giường nằm đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị đưa vào Thông tư 18 quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co...

Sau vụ TNGT thảm khốc tại Lào Cai khiến 12 người tử nạn, sáng 3 -9, Bộ GTVT tổ chức buổi họp rà soát xây dựng văn bản QPPL, nhằm quy định rõ phạm vi hoạt động của xe khách giường nằm. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị đưa vào Thông tư 18 quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co. Ý kiến này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận…

Xem xét cấm xe giường nằm hoạt động ở miền núi

Tại buổi họp ngày 3-9-2014, số liệu thống kê của cục Đăng kiểm cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay đã có 22 vụ tai nạn giao thông liên quan xe khách giường nằm. Trong đó, có 19/22 vụ xảy ra từ 21g đến 7g sáng hôm sau và 30% trên đường đèo núi, còn lại phần lớn trên QL 1A, đoạn qua miền Trung. Trước đó, UBATGT quốc gia cũng cho biết, từ đầu năm 2013 đến đầu năm 2014, xảy ra hàng loạt vụ TNGT do xe khách, trong đó xe giường nằm chiếm 90% số vụ TNGT thảm khốc. “Thực trạng” này đang đặt ra vấn đề siết quản lý đối với loại hình vận tải bằng xe giường nằm, nhằm hạn chế TNGT.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đánh giá, vụ tai nạn xe khách giường nằm đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai ngày 1 - 9 là dịp cơ quan chức năng rút ra nhiều bài học. Cần phải sửa đổi các quy định liên quan đến xe giường nằm. Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị đưa vào Thông tư 18 quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co. Thực trạng hiện nay, xe giường nằm được đi mọi miền, vùng sâu vùng xa là không ổn. Lý do được Bộ trưởng Thăng cho là, tiêu chuẩn kỹ thuật không cho phép xe giường nằm đi được những cung đường miền núi, đèo dốc quanh co, đến xe con đi còn e ngại, thì xe giường nằm to lớn kềnh càng đi những cung đường ấy lại càng nguy hiểm.

Ý kiến trên của Bộ trưởng Đinh La Thăng sau khi được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông đã nhận được những ý kiến từ dư luận. Bên cạnh sự đồng tình ủng hộ, khi cho rằng như vậy sẽ đảm bảo ATGT, ngăn ngừa tai nạn thảm khốc, cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

“Tôi thường xuyên đi chặng Móng Cái – Hà Nội bằng xe giường nằm. Cá nhân tôi nhận thấy đây là loại phương tiện vận tải tương đối an toàn, với điều kiện tài xế phải tuân thủ các điều kiện để đảm bảo an toàn. Chứ cũng không đáng lo ngại đến mức, phải cấm xe giường nằm hoạt động ở các cung đường đèo núi, như ý kiến vừa đưa ra. Hơn nữa, nếu cấm xe giường nằm hoạt động thì việc đi lại của những hành khách từ miền núi về miền xuôi và ngược lại sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng cần phải có lộ trình cụ thể phù hợp và những căn cứ khoa học mới có thể đưa ra quyết định “cấm” hay không cấm, đối với loại phương tiện vận tải này” – anh Nguyễn Hoàng Long, một hành khách tại bến xe Mỹ Đình bày tỏ.

Những năm gần đây, do nhu cầu đi lại của người dân liên tục tăng, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện loại hình vận tải hành khách bằng xe giường nằm. Nhưng hiện tại cũng cho thấy, dường như đang có sự cạnh tranh không lành mạnh, trong việc vận tải hành khách bằng xe giường nằm. Nếu ban đầu xe giường nằm chỉ chạy những hành trình dài, thì một số DN ganh đua nhau với lộ trình chưa đầy 200km cũng đầu tư xe giường nằm. Có thể nói số lượng xe giường nằm thời gian qua phát triển rất ồ ạt, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý loại hình vận tải này một cách hiệu quả. Bằng chứng rõ ràng nhất là “thực trạng” tới 90% các vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe giường nằm và 30% xảy ra ở các cung đường đèo núi, mà cơ quan chức năng đã chỉ ra.

Hiện trường vụ TNGT xe giường nằm tối 1-9, khiến 12 người tử nạn tại Lào Cai. Ảnh: Tư liệu

Cần phải có lộ trình…

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề “cấm” hay không “cấm” xe giường nằm ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Việc này, trước tiên cơ quan chức năng phải làm tốt nhiệm vụ quản lý của mình. Để cấm như vậy, cần phải có quy định thế nào là đường đèo dốc quanh co hiểm trở, bán kính, độ dốc bao nhiêu thì phải chạy tốc độ thế nào cho đảm bảo an toàn. Những việc này, Bộ GTVT đến nay chưa làm được thì việc không có cơ sở chắc chắn, để có thể đưa ra quyết định “cấm” đối với xe giường nằm”.

Cũng theo ông Thanh, ngay sau khi có ý kiến của Bộ GTVT, Hiệp hội đã tổ chức họp có sự tham dự của 7 hiệp hội địa phương và nhiều DN vận tải. Tất cả các ý kiến đều cho rằng, nếu phải “cấm” xe giường nằm hoạt động ở miền núi, thì cần có lộ trình thích hợp và dựa trên những căn cứ là các tính toán khảo sát khách quan khoa học.

Ông Thân Văn Thanh: “Phải có sự khảo sát tính toán để thấy rằng, nguyên nhân TNGT xe giường nằm do đâu. Từ đó, mới có thể đưa ra những giải pháp đảm bảo ATGT”.

“Nhu cầu của người dân đối với xe giường nằm khá lớn, loại phương tiện này chất lượng phục vụ cũng tốt hơn so với ghế ngồi. Phải có sự khảo sát tính toán để thấy rằng, nguyên nhân TNGT xe giường nằm do đâu. Bao nhiêu vụ do tài xế, bao nhiêu do chất lượng phương tiện, chất lượng đường… Từ đó, mới có thể đưa ra những giải pháp tháo gỡ vấn đề. Theo tôi, mấu chốt là quản lý chặt điều kiện hoạt động của các DN vận tải, cần phải cơ cấu lại, để hạn chế việc hoạt động manh mún, cạnh tranh không lành mạnh. Không thể để tình trạng một DN chỉ có 1 xe vẫn có thể chạy từ Móng Cái đến Cà Mau được, vì như vậy là không thể đảm bảo an toàn ” – ông Thân Văn Thanh nói.

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng: Ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra có thể hiểu là đặt ra yêu cầu, để nghiên cứu xem xét chứ không phải là ra lệnh. Phía DN vận tải cho rằng việc “cấm” xe giường nằm như thế, cần phải có lộ trình.

“Để quản lý tốt, công tác kiểm định phải làm nghiêm túc, nếu phát hiện xe không đảm bảo an toàn thì kiên quyết xử lý, không cho phép lưu hành. Cần phải có tiêu chí nghiêm ngặt hơn đối với DN hoạt động ở lộ trình đèo núi. Cụ thể, về năng lực vận tải ít nhất phải 10 xe trở lên chẳng hạn, như vậy mới đủ tiềm lực để tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp bài bản. Về đảm bảo phương tiện, DN phải có xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, việc này phải tiến hành thường xuyên, định kỳ. Đề nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm định giữa kỳ - miễn phí, cho DN” – ông Bùi Danh Liên kiến nghị.

Ông Bùi Danh Liên: “Việc “cấm” xe giường nằm cần phải có lộ trình”.

Đối với người lái, phải có thâm niên 5 năm sau khi cấp bằng E và thuần thục đường đèo dốc mà DN đăng ký hoạt động. Đảm bảo chế độ nghỉ ngơi tối thiểu 6g/ngày để tài xế hồi phục sức khỏe. Cơ quan quản lý không nên cấp phù hiệu, hợp đồng đối với xe giường nằm cho sở hữu cá thể - vì các trường hợp này hoạt động không đăng ký hướng tuyến cố định như DN, nên rất khó quản lý luồng tuyến.

Một vấn đề đang được đặt ra, cần phải xem xét xe giường nằm 2 tầng có phù hợp với tình hình thực tế cơ sở hạ tầng của Việt Nam hay không? Với địa hình nhiều đồi núi, quanh co hiểm trở, suối sâu đèo cao, trong khi hạ tầng giao thông cũng chật hẹp. Cần phải nghiên cứu xem có nên cho phép xe giường nằm lưu thông không. Bởi lẽ, xe giường nằm khi gặp khúc cua đường cong, dốc rất dễ bị nghiêng lật. Có ý kiến cũng cho rằng để đảm bảo an toàn xe giường nằm tốt nhất chỉ cho phép 1 tầng – DN vận tải được phép tăng giá vé lên gấp rưỡi, gấp đôi để bù lại việc giảm số ghế.

Có thể thấy, việc “cấm” hay không “cấm” xe giường nằm hoạt động ở khu vực miền núi, nơi có địa hình đèo dốc, cần phải được lấy ý kiến từ phía DN và người dân, cũng như có sự tham gia của các chuyên gia. Thế mới có thể đảm bảo việc này được tiến hành trên những căn cứ khách quan chính xác, không gây thiệt hại cho người dân và DN.
( Theo PL&XH )

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 74
Lượng người truy cập:: 86.816.817