ĐỀ NGHỊ BỎ QUY ĐỊNH LÁI XE KINH DOANH VẬN TẢI PHẢI CÓ "CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LÁI XE KINH DOANH VẬN TẢI"

Cập nhật lúc: 02:52 | 27/06/2020

 Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiếp tục góp ý đối vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

 

Điều 103 Dự thảo quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”. Đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành.

Theo VCCI, điều này làm tăng thủ tục xin-cho không cần thiết: Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.

Mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa.

de nghi bo qui dinh lai xe kinh doanh van tai phai co chung chi hanh nghe lai xe kinh doanh van tai
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này. Nói cách khác, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Dưới cả góc độ của tính hợp lý, mục tiêu quản lý Nhà nước, cũng như tinh thần tinh giản thủ tục hành chính, VCCI cho rằng, cần bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Dự thảo quy định “xe vận tải nội bộ phải được cấp phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình, camera và thực hiện truyền dẫn dữ liệu theo quy định”. VCCI cho rằng, vận tải nội bộ được xác định không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. Vì vậy, cơ chế quản lý đối với hoạt động vận tải này phải khác cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Việc yêu cầu vận tải nội bộ phải được cấp phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dẫn dữ liệu – áp dụng cơ chế quản lý tương tự như hoạt động kinh doanh vận tải là chưa hợp lý và tạo ra sự bất bình đẳng đối với hoạt động của các xe ô tô không kinh doanh khác.

Việc đặt ra mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải nội bộ là hợp lý, tuy nhiên các quy định tại Dự thảo đã đủ để kiểm soát về an toàn giao thông của các hoạt động của xe ô tô không kinh doanh (bao gồm vận tải nội bộ): các quy tắc giao thông; yêu cầu bằng cấp của lái xe, giờ chạy của lái xe, … Do đó, ràng buộc thêm điều kiện cho vận tải nội bộ tương tự như kinh doanh vận tải là quá mức cần thiết. Vì vậy, VCCI tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

Đáng quan tâm, Dự thảo quy định riêng về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Theo đó, xe ô tô phải có thiết bị đèn cảnh báo và màu sơn riêng để nhận diện. Trên xe phải niêm yết thông tin và phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định; Lái xe ô tô phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải.

Hoạt động vận tải đưa đón học sinh do cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện phải có giấy phép hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; trước khi thực hiện đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan cấp phép một số nội dung; phải bố trí ít nhất 1 người quản lý học sinh để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự nếu đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non…

VCCI cho rằng, qui định này cần được xem xét lại vì hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện thực chất là hoạt động vận tải theo hợp đồng. Trong khi đó, các điều kiện kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng đã được quy định tại Điều 112 Dự thảo. Việc thiết kế thêm một số điều kiện đối với loại hình kinh doanh này dường như mâu thuẫn với chính các quy định tại Dự thảo.

Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh do cơ sở giáo dục, đào tạo tự thực hiện được xem là hoạt động vận tải nội bộ, bởi vì cơ sở giáo dục đào tạo không phải đơn vị kinh doanh vận tải. Do đó, yêu cầu đơn vị này phải có giấy phép hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, yêu cầu cơ sở đào tạo phải thông báo tới cơ quan cấp giấy phép các nội dung như: hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo, hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng trước khi thực hiện đưa đón học sinh là tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các cơ sở này.

Do đó, VCCI đề nghị bỏ yêu cầu phương tiện phải có màu sơn riêng, thiết bị cảnh báo; bỏ yêu cầu cơ sở đào tạo phải xin giấy phép hoạt động vận tải đưa đón học sinh; bỏ yêu cầu phải thông báo tới cơ quan cấp phép: hợp đồng thuê dịch vụ; các nội dung hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo, hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng.

( Theo Pháp luật và xã hội )

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr LONG PCT thường trực - Chánh VP  ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 133
Lượng người truy cập:: 83.852.248