Lái xe uống rượu có thể bị phạt đến 25 triệu đồng - Ngoài ra người vi phạm còn bị giữ xe 10 ngày, giữ bằng lái 30 ngày.

Cập nhật lúc: 04:15 | 16/03/2012

Đó là những đề xuất táo bạo được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại tỏ ra băn khoăn việc tái đề xuất thực hiện lại các biện pháp tạm giữ phương tiện đối với nhiều hành vi, vốn đã từng được thực hiện từ Nghị định 152/2005 nhưng do không phù hợp nên đã bị thay thế bởi các nghị định sau đó.   

Tăng mạnh mức phạt rượu bia 
Theo một thành viên ban soạn thảo, trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất tăng mức phạt thật cao đối với các vi phạm vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là vi phạm về uống rượu, bia. 
Cụ thể, dự thảo đề xuất đối với lái xe ô tô nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở (tương đương khoảng hai chai bia - PV) thì sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng. Đồng thời, sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là giữ phương tiện 10 ngày và giữ giấy phép lái xe đến 30 ngày. Như vậy, so với quy định cũ, mức phạt mà Bộ GTVT đề xuất cao hơn 6-7 triệu đồng.  

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. 

Trường hợp lái xe uống rượu, bia nhiều hơn mức trên thì mức phạt bằng tiền sẽ còn cao hơn. Cụ thể, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở (tương đương khoảng 3-4 chai bia trở lên - PV) thì ngoài việc bị giữ bằng lái, giữ xe còn phải chịu phạt 15-25 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu đồng).  
Dự thảo cũng đề xuất tăng mức phạt tiền đối với người lái mô tô, xe máy uống rượu bia. Cụ thể, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 200.000- 400.000 đồng). Nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao hơn (tức là uống khoảng ba chai bia trở lên - PV) có thể sẽ phải chịu mức phạt 2-3 triệu đồng (hiện là từ 500.000 đến 1 triệu đồng) và cũng sẽ bị giữ phương tiện 10 ngày và bằng lái 30 ngày. 
Băn khoăn biện pháp giữ xe 
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết ông tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo, nhất là việc tăng các mức phạt. Tuy nhiên, ông Hùng tỏ ra khá băn khoăn về biện pháp tạm giữ phương tiện 10 ngày đối với rất nhiều các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải… 
“Nếu thực hiện việc tạm giữ xe sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Hơn nữa, ngay chính lực lượng CSGT cũng sẽ gặp khó trong việc bố trí bãi giữ xe, bảo quản xe. Vì thực tế, có rất nhiều phương tiện khi bị tạm giữ, nằm phơi nắng, mưa dẫn đến hỏng hóc, gây thiệt hại cho chủ sử dụng” - ông Hùng nói và cho rằng chỉ cần lực lượng chức năng xử phạt thật nghiêm, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực thì với mức phạt bằng tiền trên sẽ chẳng lái xe nào dám vi phạm. 
Thực tế, năm 2005, biện pháp xử phạt bổ sung tạm giữ phương tiện có thời hạn đã từng được quy định tại Nghị định 152. Tuy nhiên, do nảy sinh nhiều vướng mắc như xe cộ khi bị tạm giữ hỏng hóc không có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường; việc vi phạm giao thông là lỗi của lái xe nhưng khi xe bị giữ thì DN lại bị thiệt hại nặng nề… nên tại các nghị định sau này như 146, 34, hình thức tạm giữ phương tiện đã được sửa đổi đi rất nhiều. Theo đó, chỉ các vi phạm như sử dụng xe quá niên hạn, xe tự sản xuất, lắp ráp tham gia giao thông thì mới bị giữ xe. 
Về việc tái đề xuất giải pháp trên, một thành viên ban soạn thảo cho rằng để ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông thì ngoài việc nâng mức phạt bằng tiền cũng cần phải có các chế tài phạt bổ sung nặng. Vì thế, căn cứ vào ý kiến của các địa phương và một số bộ, ngành, Bộ GTVT kiến nghị áp dụng hình thức này đối với một số hành vi vi phạm giao thông. 
Cũng theo vị cán bộ trên, trước đây Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản gửi Bộ Công an kiến nghị bổ sung hình thức giữ xe 30 ngày đối với các trường hợp xe nhồi nhét khách trong dịp tết. Tuy nhiên, do Nghị định 34 chưa quy định nên Bộ Công an chưa thể thực hiện. Sau đó, Bộ Công an cũng đã có văn bản tán thành với Bộ GTVT và đề nghị bổ sung biện pháp này vào dự thảo sửa đổi Nghị định 34. “Biện pháp này nếu được Chính phủ thông qua chắc chắn sẽ có tác dụng trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông” - vị cán bộ này nói. 
htahn.org
(Pháp luật)
 

Ý kiến của bạn
Ý kiến của bạn
X
Tiêu đề *
Ý kiến *
Họ tên *
Email *
Tin khác:
Đăng ký nhận bản tin từ hiệp hội
Hỗ trợ trực tuyến
Mr Liên PCT thường trực  ĐT: 0903435852
Mr Long Chánh Văn phòng   ĐT: 0933668258
Văn phòng  ĐT: 0243.8519996
LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
024.38519996
Số người online:: 16
Lượng người truy cập:: 59.996.279